Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giáo viên trường công nghỉ việc ngày càng nhiều


Nhiều năm nay, ngành giáo dục TP HCM luôn thiếu giáo viên nghiêm trọng. Năm 2008, thành phố chỉ tuyển được khoảng 3.000 giáo viên, thiếu khoảng 1.000 so với dự kiến. Không những thế, giáo viên bỏ trường ngày càng nhiều. Số giáo viên bị thiếu đã lên tới 6.000.

Theo ghi nhận của Đất Việt, bậc học mầm non và tiểu học thiếu giáo viên nhiều nhất, còn bậc THPT có số lượng giáo viên bỏ trường cao nhất.

'Bệnh' lâu ngày
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết hiện TP HCM thiếu khoảng 2.000 giáo viên dạy tại các trường nhưng nếu tính đúng quy định của ngành thì số giáo viên thiếu phải đến 6.000.

Tình trạng một giáo viên phải kiêm nhiều lớp, trường phải nhận thêm giáo viên hợp đồng, là đặc điểm chung ở các trường tiểu học hiện nay.

Bà Thanh nói thêm: "Trẻ tăng nhanh, nhưng đào tạo sư phạm mầm non quá mỏng cả số lượng lẫn chất lượng nên không thể làm dịu cơn khát giáo viên mầm non". Một lý do muôn thuở khác là lương thấp khiến giáo viên không mặn mà với nghề.

Tình trạng một giáo viên phải kiêm nhiều lớp, trường phải nhận thêm giáo viên hợp đồng, là đặc điểm chung ở các trường tiểu học hiện nay, đặc biệt ở các trường dạy chương trình tăng cường tiếng Anh.

Bà Võ Thị Kim Hà, chuyên viên tiếng Anh, phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh, cho biết huyện có 27 trường tiểu học, trong đó ba trường An Phú Tây, Bình Hưng và Nguyễn Văn Trân có dạy tiếng Anh tăng cường, nhưng chỉ có bốn giáo viên chính thức, còn lại phải thỉnh giảng theo hợp đồng hoặc bố trí giáo viên kiêm nhiều lớp.

Không riêng gì các huyện ngoại thành, ngay cả Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, cũng rơi vào tình trạng thiếu giáo viên. Nhà trường chỉ có ba giáo viên chính thức, trong khi phải dạy chương trình tiếng Anh tăng cường cho 8 lớp và tiếng Anh tự chọn cho 31 lớp theo yêu cầu phụ huynh. Vì thế nhà trường luôn phải đi thỉnh giảng giáo viên.

Sức hút từ trường tư

Bảng thống kê giáo viên bỏ, thôi việc hai năm trở lại đây:
- Năm học 2007 - 2008, TP HCM có 1.286 giáo viên bỏ và thôi việc. Trong đó, mầm non có 212 giáo viên; Tiểu học: 339; THCS: 290; THPT: 75 giáo viên.
- Năm học 2006 - 2007, TP HCM có 1.809 giáo viên bỏ việc.
Ở bậc THPT, việc giáo viên nghỉ trường công để chuyển sang các trường tư, trường quốc tế là chuyện thường ngày, vì các trường này trả lương hấp dẫn hơn, nhiều chế độ ưu đãi hơn. Đơn cử, THPT chuyên Trần Đại Nghĩa có gần 10 giáo viên nghỉ việc, trong đó, riêng tổ Anh ngữ phải thay đổi liên tục bốn "đời" tổ trưởng.

Năm học 2008 - 2009, THPT Trưng Vương, quận 1 đang thiếu ba giáo viên biên chế môn tiếng Anh. Nhưng vừa qua, ban giám hiệu nhà trường cho biết, hai giáo viên bộ môn này cũng làm đơn xin nghỉ việc để qua trường quốc tế và trường tư thục.

THPT Nguyễn Trãi, quận 4 đang khan hiếm giáo viên dạy môn Địa lý (chỉ có hai giáo viên) thì đầu năm, một giáo viên bộ môn cũng đệ đơn xin nghỉ vì lý do... sức khỏe. Ông Ngô Tương Đại, Hiệu trưởng cho biết, trường phải cố gắng bố trí tăng thêm giờ cho giáo viên còn lại và hợp đồng với giáo viên trường khác. Năm học tới, trường dự kiến xin Sở thêm 19 giáo viên, trong đó có hai giáo viên dạy môn Địa lý, nhưng ông Đại lo lắng: "Chỉ e là sinh viên tốt nghiệp ngành này không có hộ khẩu TP HCM, còn sinh viên có hộ khẩu lại bỏ nghề đi làm nghề khác".

Năm 2007, tại quận 5 có đến 60 giáo viên xin nghỉ việc. Đến năm 2008, lượng giáo viên xin nghỉ tiếp tục tăng thêm 10. Ông Trần Tấn Tài, Phó phòng giáo dục, quận 5, cho rằng, đa phần những trường hợp xin nghỉ việc là do điều kiện kinh tế, thu nhập thấp.

Quận Tân Bình đang đứng đầu danh sách có nhiều giáo viên nghỉ việc ở TP HCM. Năm học 2007 - 2008, quận có 142 giáo viên nghỉ việc. Năm học 2008 - 2009 (mới thống kê đến cuối tháng 3) đã có 111 giáo viên nghỉ việc. Bà Phạm Thị Phước, Phó phòng giáo dục quận Tân Bình, cho biết giáo viên nghỉ việc vì hoàn cảnh gia đình nhiều nhất, nhưng nguyên nhân sâu xa là đồng lương không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống.

Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Tiểu học Sở GD-ĐT TP HCM chia sẻ: tình yêu trẻ, yêu nghề là một yếu tố quan trọng giúp người thầy chọn nghề này, tuy nhiên tình cảm thôi cũng chưa đủ, vì họ còn phải lo toan cuộc sống.

Theo Báo Đất Việt