Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nâng “cốt” cho giáo dục mầm non


Hướng dẫn trẻ làm đèn lồng tại Trường Mầm non B Phan Chu Trinh. Ảnh: Nguyệt Ánh
Giáo dục mầm non (GDMN) là cấp học nền tảng, song nhận thức và sự phối hợp của các lực lượng trong việc chăm lo cho GDMN còn hạn chế so với các cấp học khác. Cơ sở vật chất nghèo nàn, điều kiện chưa bảo đảm, chất lượng chăm sóc, giáo dục chưa cao...

Một vài hiện trạng ghi nhận trong chuyến đi khảo sát cùng đoàn công tác của HĐND TP vừa qua tại một số huyện ở địa bàn mở rộng đủ thấy những thiệt thòi của trẻ... Điều ấy càng chứng tỏ sự cần thiết phải dành nhiều hơn nữa các nguồn lực để chăm lo, đầu tư cho cấp học đầu đời.

Những cung trầm
Sau khi mở rộng, Hà Nội có 775 trường mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ độc lập, thu hút hơn 400.000 trẻ theo học, song vẫn thiếu khoảng hơn 100 trường so với nhu cầu. Ngành học GDMN Thủ đô còn đang đối mặt với sự xuống cấp của các trường học sẵn có, với 2.006 phòng học cấp 4, 1.092 phòng học tạm, 809 phòng học nhờ...

Sự thiếu thốn ấy càng thể hiện rõ ở một số huyện còn khó khăn trên địa bàn Hà Nội vừa mở rộng. Cụ thể như Thanh Oai có trên 61% số phòng học trong tổng số 289 phòng học hiện có là phòng học bán kiên cố, cấp 4 và học tạm. Tương tự, huyện Ba Vì cũng có tới 65%, tỷ lệ này ở huyện Phú Xuyên lên tới 73%. Không chỉ thiếu phòng học, điểm chung của các trường mầm non các huyện này là có nhiều điểm lẻ, trung bình có 3-4 điểm, thậm chí có trường có trên chục điểm lẻ, nằm rải rác ở các xóm, thôn, rất khó khăn cho công tác quản lý, chỉ đạo việc chăm sóc, giáo dục trẻ. Trường, lớp còn thiếu nên ít nơi có được các công trình phụ trợ bảo đảm như nhà vệ sinh, phòng làm việc của ban giám hiệu, văn phòng trường... Thực tế khảo sát ở xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai cho thấy, chỉ những trẻ ở khu trung tâm mới được ăn trưa tại trường, còn lại các trẻ ở điểm lẻ đều phải đưa đón ngày 2 buổi do không có bếp ăn phục vụ (vì là phòng học tạm, học nhờ). Trẻ ở điểm lẻ phải đóng tiền mua nước sạch ở nhà dân để sinh hoạt, vệ sinh. Huyện Ba Vì cũng chỉ có khoảng 40% số trẻ được ăn tại trường với mức ăn 5.000 đồng/bữa.

Không khó để lý giải tại sao tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở các vùng này còn rất cao, như huyện Thanh Oai có 11,6%, huyện Phú Xuyên có 17,8% trẻ mẫu giáo và 18,1% trẻ nhà trẻ suy dinh dưỡng (trong khi mức trung bình của TP hiện là 6% - 7%).

...Và tín hiệu vui
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Sở đang gấp rút hoàn thiện Đề án nâng cao chất lượng GDMN TP Hà Nội đến năm 2015 nhằm đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và bước đi cụ thể, khắc phục những yếu kém của GDMN. Một trong những nhiệm vụ, cũng là giải pháp của ngành là tăng cường nguồn lực và đầu tư cơ sở vật chất theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa, chuẩn hóa cho hệ thống GDMN. Theo đó, từ nay tới năm 2010, Hà Nội phấn đấu xóa cơ bản số phòng học tạm, học nhờ, gom các điểm lẻ để thuận tiện cho quản lý và tập trung đầu tư. Việc dành quỹ đất để xây trường cũng sẽ được quan tâm hơn nhằm từng bước đáp ứng được diện tích đất còn thiếu hiện nay khoảng 700 nghìn mét vuông.

Việc chăm lo cho đội ngũ cán bộ, giáo viên để họ có thêm nhiệt huyết, gắn bó với nghề, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ cũng là một trong những giải pháp quan trọng của Đề án. Điều này đã được thể hiện bằng những chính sách thiết thực của TP như áp dụng định mức ngân sách 2 triệu đồng/trẻ/năm trên toàn TP (trước đây chỉ thực hiện ở khu vực Hà Nội cũ), trợ cấp cho giáo viên mầm non nông thôn, và mới đây nhất là quyết định cho phép tạm chi hỗ trợ cho cán bộ, giáo viên của 357 trường mầm non bán công nông thôn (khu vực Hà Tây cũ) chưa chuyển đổi mô hình sang công lập... Theo chỉ đạo của Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh, các sở, ngành liên quan phải khẩn trương hoàn thiện văn bản hướng dẫn việc chuyển đổi mô hình, phấn đấu để các trường có thể thực hiện vào đầu năm học 2009-2010. Để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, nhất là ở các địa bàn khó khăn, trong học kỳ I vừa qua, gần 200 nhân viên nuôi dưỡng đã được bồi dưỡng nghiệp vụ.

Song rõ ràng, để GDMN có được những chuyển biến vững chắc thì yếu tố tiên quyết vẫn là sự thay đổi trong nhận thức của người dân và các cấp quản lý về vai trò của GDMN, từ đó dành sự quan tâm, đầu tư xứng đáng để từng bước nâng "cốt" cho ngành học này phát triển toàn diện.

Theo Hà Nội Mới