Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đồng dao - Những trò chơi trẻ nhỏ.


Đồng dao là thơ ca dân gian truyền miệng trẻ em. Đồng dao được chia làm hai loại: gắn với công việc của trẻ em và gắn với trò chơi của trẻ em.

Cô và cháu trường MN Công lập 7A trong giờ học đồng dao

Ngày xưa, những đứa trẻ biết đến những bài đồng dao qua những trò chơi dân gian. Từ những hành động vui chơi, những gì người ta quan sát được dưới lời trẻ thơ ngộ nghĩnh tạo nên những lời nối tiếp nhau:

Chi chi chành chành
Cái đanh thổi lửa
Con ngựa đứt cương
Ba vương ngũ đế
Dắt dế đi tìm
Ù à..ù ập...

Khi những đứa trẻ tụ họp nhau lại và cùng chơi một trò chơi nào đó, trong quá trình chơi, những lời thơ, lời hát có vần có điệu được chính người chơi sáng tác và cùng đọc, cùng hát với nhau làm cho trò chơi thêm phần hấp dẫn.

Đồng dao còn được sáng tác qua sự quan sát các hành động công việc của chính trẻ em hoặc do trẻ em quan sát được. Trẻ miêu tả lại qua chính giọng đọc ngân nga, có vần có điệu và với ngôn ngữ ngây thơ, trong sáng và ngộ nghĩnh, những bài đồng dao được truyền cho nhau và lưu truyền cho đến ngày nay.

Như vậy, chúng ta phải công nhận một điều: Tác giả của đồng dao là trẻ em, do trẻ em sáng tác trong quá trình làm việc và vui chơi và cũng do trẻ em lưu truyền: lớp anh chị đọc, hát, lớp em đọc lại và cứ từ thế hệ này sang thế hệ khác, đồng dao được lưu truyền cho tới ngày nay.
Đồng dao có từ xa xưa, khi mà việc học còn là cái gì đó xa vời, việc học chỉ dành cho nam giới và tầng lớp thượng lưu là chính. Nhưng phần lớn kho tàng ca dao, tục ngữ và đồng dao lại xuất phát từ chính tầng lớp nhân dân lao động và đặc biệt đồng dao lại xuất phát từ tầng lớp trẻ em:

Nu na nu nống
Cái bống nằm trong
Con ong nằm ngoài
Củ khoai chấm mật
Phật ngồi phật khóc
Con cóc nhảy ra
Con gà ú ụ
Nhà mụ thổi xôi
Nhà tôi nấu chè
Tay xòe chân rụt.

Những lời có vần, có điệu khi đọc nghe ngân nga như lời hát của đứa trẻ trong các trò chơi dân dã, đơn sơ.
Chúng ta cũng có thể giải thích: có thể ngày xưa, những đứa trẻ chưa bị áp lực việc học đè nặng, thời gian của chúng là vui chơi và làm việc nhà phụ giúp bố mẹ.

Không gian xung quanh chúng cũng là những miền quê hiền hòa, những làng xóm đầm ấm. Đặc biệt với không gian đầm ấm, cảnh làng quê thanh bình và đẹp đẽ ấy cũng làm cho con người cảm thấy thư thái, hồn nhiên và gắn bó, hòa nhịp với sự vật, sự việc và con người nơi mỗi đứa trẻ sinh ra. Cái tình làng nghĩa xóm, sự vui chơi của những đứa trẻ trong làng xóm tụ họp lại làm cho đời sống tình cảm của những đứa trẻ phong phú, bên cạnh đó những đứa trẻ ngày xưa cũng không có các trò chơi hiện đại như ngày nay, ngoài những trò chơi u, chơi năm mười, đánh chuyền, đánh chắt và những trò chơi dân gian khác như: dệt vải, trồng cây chuối, úp tay xòe tay...v.v... Chính vì vậy, những đứa trẻ có thể sáng tạo ra những trò chơi mới nhằm thỏa mãn nhu cầu vui chơi của mình. Không có người hướng dẫn, một nhóm trẻ tụ họp nhau lại và cùng nghĩ ra trò gì để chơi, rồi trong quá trình chơi trẻ lại có những lời hát bộc phát ra và được bạn chơi cùng đọc, thế là đồng dao ra đời.

Như vậy, chúng ta có thể thấy: Đồng dao ra đời dựa trên nền tảng tình cảm phong phú và hoạt động vui chơi đa dạng của trẻ. Nếu không có đời sống tình cảm phong phú, trẻ nhỏ không thể thốt ra những lời thơ có vần có điệu như thế để miêu tả về công việc, về trò chơi hay đơn giản là vần điệu để hát chơi cho nhau nghe.

Ngày nay, khi cuộc sống càng hiện đại, phát triển bao nhiêu thì việc tụ họp vui chơi của những đứa trẻ khu xóm càng hạn chế bấy nhiêu và dường như cũng không còn khi những đứa trẻ bị những trò chơi hiện đại hấp dẫn: trò chơi điện tử, chơi trên máy tính, internet, những đồ chơi nhựa đầy màu sắc cũng làm giảm đi sự tưởng tượng của trẻ.
Chính vì vậy, những bài đồng dao ngày càng mai một, có những đứa trẻ sống ở thành phố dường như chẳng biết một bài đồng dao nào.

Và xem chừng những bài đồng dao thân thuộc đang bị lãng quên và mai một dần

Kéo cưa lừa xẻ
Ông thợ nào khỏe
Về ăn cơm vua
Ông thợ nào thua
Về bú tí mẹ
Kéo cưa lừa kít
Làm ít ăn nhiều
Nằm đâu ngủ đấy
Nó lấy mất cưa
Lấy gì mà kéo.


Dung dăng dung dẻ
Dắt trẻ đi chơi
Đến cổng nhà trời...

Có lẽ đồng dao cũng chỉ còn lưu truyền lại cho trẻ trong gia đình: Ông bà đọc lại cho con cháu nghe những bài đồng dao thời nhỏ của mình và đặc biệt trong trường mầm non. Các trường mầm non hiện nay, ngoài việc cho trẻ làm quen với đồng dao qua các hoạt động vui chơi ngoài trời, trẻ còn được làm quen với đồng dao như là một tác phẩm văn học.

Trẻ tiếp thu các bài đồng dao hứng thú không thua gì những câu chuyện cổ tích. Dưới sự tổ chức hoạt động của giáo viên, các bài đồng dao đến với trẻ không chỉ là một trò chơi, một hoạt động, một bài thơ mà còn là một câu chuyện với nhiều hoạt động phong phú cuốn hút trẻ:

Ví dụ: trẻ chia 2 phe, một bên đóng vai Phú ông, một bên đóng vai thằng Bờm cùng đối đáp bài: Thằng Bờm

Hoặc:

Dích dắc dích dắc
Khung cửi mắc vô
Dích dắc dích dắc
Xâu go từng sợi
Chân mẹ đạp vội chân mẹ đạp vàng...

Trẻ ngồi đối diện, đặt đối bàn chân vào nhau và vừa đọc, vừa đẩy bàn chân qua lại, chân bạn đẩy ra thì chân mình kéo lại, cũng có thể chơi với 2 bàn tay...

Và còn rất nhiều những bài đồng dao mà dưới sự khéo léo và sáng tạo của giáo viên đã đưa trẻ về với miền thơ ca dân gian mượt mà đầy cảm xúc và tạo hứng thú với trẻ.

Để tạo được các hoạt động phong phú, đa dạng và cuốn hút trẻ đến với thể loại văn học dân gian: Đồng dao, chúng ta cùng nghe một giáo viên lớp lá 3, trường mầm non 7A quận Bình Thạnh chia sẻ:

Mamnon.com: Chào cô! Cô có thể chia sẻ cảm xúc của mình về thể loại đồng dao và điều gì giúp cho lựa chọn thể loại đồng dao là một thể loại tương đối khó để lên hoạt động cho trẻ?
Cô Chu Ngọc Lan: Chào bạn! Khi chọn chủ đề đồng dao để xây dựng kế hoạch hoạt động cho trẻ lần này, mình cũng suy nghĩ rất nhiều. Mình rất thích đồng dao, vì khi còn nhỏ mình và các bạn vẫn cùng chơi và hát các bài đồng dao rất hay. Tuy nhiên không phải bài đồng dao nào cũng chứa đựng nội dung rõ ràng như bài: Thằng Bờm, Con công, Con cua mà có hai càng, Ếch ở dưới ao...mà có những bài chỉ đơn giản là những bài hát dưới dạng thơ ca nội dung không rõ ràng rất khó giải thích về nội dung đối với trẻ.
Tuy nhiên đây lại là loại hình văn học mà có lời thơ có vần, từ ngữ đơn giản, ngây thơ, trong sáng rất gần gũi với trẻ. Chính vì vậy mình chọn đề tài này cũng như đưa đồng dao vào các hoạt động thường ngày của trẻ!

Mamnon.com: Khi tổ chức cho trẻ làm quen với Đồng dao, cô có thể chia sẻ cùng độc giả về các phương pháp giúp trẻ làm quen với đồng dao như thế nào để đạt hiệu quả cao?
Cô Chu Ngọc Lan: Mình tổ chức cho trẻ làm quen với đồng dao mọi lúc mọi nơi. Trong hoạt động ngoài trời: cô và trẻ cùng chơi vận động với các bài đồng dao: dung dăng dung dẻ, rì rà rì rà, con vỏi con voi... Khi vừa cho trẻ vận động, vừa cùng đọc theo cô các bài đồng dao không chỉ giúp trẻ nhớ mà còn góp phần làm cho các hoạt động của trẻ thêm phần phong phú.

Đối với các hoạt động góc: mình cũng cho những nhóm trẻ chơi cùng với đọc đồng dao: kéo cưa lừa xẻ, úp lá khoai, thương con ba ba, nu na nu nống... Trẻ không chỉ chơi các trò chơi mà còn hóa thân vào các nhân vật trong đồng dao: Thằng Bờm, Phú ông, con voi.v.v...

Thường mình sẽ cho trẻ làm quen với các bài đồng dao trong các hoạt động vui chơi trước khi vào hoạt động học tập. Trong hoạt động có chủ đích, cụ thể là khi dạy về đồng dao mình cũng chuẩn bị một số giáo cụ minh họa cho bài đồng dao mình sẽ dạy: trang phục bờm, phú ông, quạt mo, hình ảnh các loại chim: chim ri, sáo, chích chòe.v.v.v..., mũ các con vật có trong đồng dao và dạy trẻ các vận động phù hợp với bài đồng dao để trẻ tham gia vào hoạt động một cách tích cực và hứng thú.

Mamnon.com: Cô có thể chia sẻ thêm về hứng thú cũng như khả năng tiếp thu của trẻ khi học đồng dao?
Cô Chu Ngọc Lan: Khi trẻ tham gia cùng cô vào các hoạt động: chơi, đọc đối đáp, đọc theo nhóm các bài đồng dao trẻ rất thích thú và học thuộc rất nhanh. Có những lúc trẻ ngồi cùng nhau trong các giờ chơi, trẻ cũng tự ngồi thành nhóm và chơi lại những trò chơi hoặc đọc lại những bài đồng dao cô đã dạy. Nhìn chung, đối với tiết học đồng dao trẻ hứng thú và học rất say mê, trẻ mau nhớ và thuộc bài đồng dao. Mỗi khi cô yêu cầu trẻ đọc lại bài đồng dao nào đó, trẻ vừa đọc vừa minh họa cũng rất thích thú. Hầu như trẻ có thể chơi các trò chơi có đồng dao: úp lá khoai, dệt vải, nu na nu nống .v.v... mọi lúc mọi nơi.

Mamnon.com: Xin chân thành cám ơnCô và chúc Cô nhiều sức khỏe cũng như ngày càng thành công trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ.

Có thể nói đồng dao trẻ thơ không dần mất đi mà vẫn còn lưu truyền trong các trường mầm non qua các hoạt động. Tuy nhiên số lượng đồng dao còn giới hạn nhiều, vì vậy cần có sự quan tâm của người lớn trong việc giúp trẻ tiếp cận với đồng dao, một hình thức văn học truyền miệng phù hợp với trẻ và bước đầu giúp trẻ tiếp cận với văn học dân gian, mang lại cho trẻ niềm vui thích, nuôi dưỡng tình cảm trong sáng, hồn nhiên, ngộ nghĩnh. Qua đó trẻsẽ phát triển tốt về mặt tình cảm, trí tuệ, thẩm mĩ...

Quỳnh Giao  mamnon.com