Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Biết ơn cô, phải tặng quà?


Chỉ còn một ngày nữa là hoàn thành chương trình mầm non để bước sang tiểu học, đi học về bé Trà My (học sinh trường MN - Hà Nội) phụng phịu: "Mẹ không có quà gì tặng cho cô giáo con à? Cô con bảo, ai biết ơn cô thì phải thể hiện bằng tặng quà cho cô...". Chị Hải Miên - mẹ bé Trà My băn khoăn tự hỏi: cô giáo yêu cầu quà như vậy, liệu sẽ ảnh hưởng như thế nào tới tâm lý của những đứa trẻ như con chị?

Chị Hải Miên - mẹ bé Trà My băn khoăn tự hỏi: cô giáo yêu cầu quà như vậy, liệu sẽ ảnh hưởng như thế nào tới tâm lý của những đứa trẻ như con chị?

"Tặng quà không đúng đẳng cấp"
Chị Hải Miên càng sững sờ hơn khi nghe con gái hỏi: "Không tặng quà cho cô giáo nghĩa là không biết ơn cô hả mẹ?". Mới 6 tuổi đầu, bé Hà My đã tự suy diễn từ lời cô giáo dặn. Chị Hải Miên tâm sự: "Lúc đó, tôi đã rất lúng túng. Tôi bảo con gái, tối nay con hãy vẽ một bức tranh thật đẹp để mai tặng cô. Con gái tôi hỳ hục vẽ tranh và nhờ mẹ viết xuống dưới dòng chữ "Con cảm ơn các cô đã vất vả vì con suốt cả năm học qua. Con chúc các cô mạnh khỏe".

Hãy để hình ảnh cô giáo trở thành ký ức đẹp trong mắt các em. (Ảnh minh họa: CH)

Cháu tự ký tên mình vào bức tranh. Sáng đó con tôi hồi hộp cầm tranh tặng cô. Tối về, Hà My mặt buồn buồn kể với mẹ: "Cô chẳng cảm ơn con đâu. Con tặng cô mà cô chẳng nói gì. Bố mẹ các bạn con toàn tặng cho cô bao thư". Tôi chỉ biết đánh trống lảng: "Chắc là cô bận rộn nên quên cảm ơn con thôi".

Cổng Trường mầm non SC trước ngày bế giảng năm học 2008 - 2009 phụ huynh đón con sớm hơn. Nhiều người mang hoa, trong đó kèm những chiếc phong bì để cảm ơn cô giáo nhân dịp kết thúc một cấp học mầm non để bước sang lớp 1. Anh L.Q một phụ huynh bước vào phòng học của con gái, tay anh rút chiếc phong bì đưa cho cô giáo trước mặt con gái rồi thẽ thọt: "Gia đình có ít quà cảm ơn các cô ". Cô giáo L.A cười rất tươi rồi ôm lấy cháu bé vào lòng. Ra về, cô bé ôm eo bố nhí nhảnh khoe: "Hôm nay bố mẹ các bạn cũng tặng các cô bao nhiêu là thư . Bố bạn M còn tặng cả hộp quà, trong đó có chiếc điện thoại xịn đấy bố ạ".

Chị B.D (Khu tập thể Thành Công - Hà Nội) có con học ở trường tiểu học trong địa bàn. Chị nghe nhiều người tư vấn "Với trẻ con cấp tiểu học thì quan trọng là chọn cô chứ không phải chọn trường"; nên chị có nhờ một người bạn cũng là giáo viên giới thiệu cho một cô giáo để gửi gắm. Thi thoảng lễ, Tết, chị luôn chu đáo quà cáp cho cô. Cuối năm học, chị nghĩ tới công ơn cô giáo chủ nhiệm đã dạy dỗ con mình nên mua tặng cô một bộ trang sức có giá vài trăm ngàn đồng, gói ghém cẩn thận rồi mang đến tặng.

Hôm sau chị nhận được tin nhắn của người bạn là giáo viên trên đây với lời lẽ trách móc: "Cô bạn em bảo, nhà chị toàn tặng quà vớ vẩn không đúng đẳng cấp của nó! Em thật xấu hổ khi giới thiệu nó cho chị". Chị B.D ngán ngẩm lắc đầu: "Từ bé tới giờ, tôi chưa thấy cô giáo nào như cô giáo chủ nhiệm của con tôi. Phụ huynh nhớ đến là tốt rồi, đằng này lại đi chê quà không đúng đẳng cấp. Lương tôi ba cọc ba đồng, lấy đâu ra mà mua quà đắt tiền như mong ước của cô cơ chứ ?!".

Đừng tạo cho trẻ tính thực dụng
Trong một lần phỏng vấn trước đây về vấn đề đạo đức nhà giáo, GS Đặng Phong (Giảng viên Viện ĐH Mở Hà Nội) cho biết: "Cuộc đời dạy học của tôi, tôi chưa bao giờ cho phép học trò tặng quà mang giá trị vật chất. Tôi chỉ cho học trò tặng hoa, nhưng hoa những ngày lễ đắt đỏ nên tôi khuyên học trò không nên mua, như thế sẽ lãng phí. Có một lần tôi khóc khi nhận được một bó hoa dại của học trò hái từ bãi sông Hồng về tặng thầy. Với tôi, đó là món quà ý nghĩa nhất. Việc vòi vĩnh, nhận quà của học sinh hay phụ huynh rồi lại chê bai là một việc làm cần phải tẩy chay và lên án. Những người có đạo đức không cho phép mình làm như vậy".

Cô Phạm Thị Tâm - Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Sen (Hà Nội) cho biết: "Ở trường tôi nếu có thông tin cô giáo "gợi ý vòi quà" là tôi kỷ luật. Thường thì cuối năm học, nhà trường tặng quà cho các con và các phụ huynh cũng góp nhau lại tặng quà lưu niệm cho nhà trường. Đó là sự tự nguyện chứ không bắt buộc".

Theo chuyên gia tư vấn Hoàng Dung (Trung tâm Tư vấn tâm lý tình cảm Bạn và Tôi, Hà Nội), trẻ em từ 3-7 tuổi luôn học hỏi kinh nghiệm xã hội từ cha mẹ và thầy cô giáo. Việc cô giáo "vòi" quà, hoặc bố mẹ đưa phong bì cho cô trước mặt trẻ là một việc làm để lại hậu quả nghiêm trọng về mặt tâm lý của trẻ. Trẻ con sẽ nghĩ rằng, phải có vật chất mới thể hiện được tình cảm và lòng biết ơn. Dần dà sẽ tạo cho đứa trẻ những ý nghĩ thực dụng, hình thành những nhận thức sai lệch về giá trị của cuộc sống.

Cô giáo Vũ Thị Kim Giao (Hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Ca - Hà Nội) cũng khẳng định: "Việc cô giáo vòi quà học sinh hay chê quà của phụ huynh "không đúng đẳng cấp" làm cho tôi thấy đau lòng. Tôi nghĩ rằng, nên bỏ thói quen tặng quà vật chất cho cô giáo vì nó rất gây tốn kém cho các phụ huynh học sinh và ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh thầy cô giáo".

Thiết nghĩ, việc tặng quà cho giáo viên để biểu lộ sự biết ơn là việc làm văn minh. Tuy nhiên, cô giáo vin vào đấy để đòi hỏi và khinh miệt những món quà tinh thần của học sinh nghèo là hành động phản giáo dục.

Theo Tin Tức