Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cho bé ăn đu đủ đúng cách


Đu đủ chín là loại quả giàu dinh dưỡng. Nó chứa nhiều vitamin C (giúp cơ thể hấp thụ sắt), vitamin A và cả vitamin E. Đu đủ cũng dồi dào chất xơ và axit folic.

Thời điểm cho bé ăn đu đủ
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng, bạn có thể cho bé ăn đu đủ ở tháng thứ 7 nhưng nếu muốn cho bé ăn sớm hơn (khoảng tháng thứ 6) thì điều đó cũng không gây nguy hiểm gì.

Đu đủ chín là loại quả giàu dinh dưỡng

Cách chế biến
Chế biến đu đủ khá đơn giản. Chỉ cần chọn loại đu đủ chín, tươi là cha mẹ có thể xắt đu đủ dưới dạng hạt lựu, dùng thìa nạo, dầm (xay nhuyễn) đu đủ hoặc thái đu đủ thành lát mỏng và cho bé thưởng thức (lưu ý với cách thái hạt lựu hoặc xắt lát mỏng chỉ phù hợp với bé đã ở độ tuổi ăn bốc). Đu đủ khá thích hợp cho bé ăn bốc vì nó có màu sắc đẹp và hương vị mềm mại.

Nhớ loại bỏ hết hạt đu đủ vì hạt đu đủ tuy không độc nhưng chúng lại khó tiêu hóa trong dạ dày non nớt của bé.

Với bé có dạ dày nhạy cảm, nên gọt vỏ, bỏ hạt, cắt đu đủ chín thành khoanh và cho chúng vào nồi hấp khoảng 5-10 phút (cho đến khi đu đủ mềm), trước khi cho bé ăn. Với những bé có dạ dày khỏe thì cha mẹ nên cho bé ăn đu đủ tươi (không cần hấp) vì dưới tác dụng của nhiệt, lượng vitamin trong đu đủ có thể bị hao hụt.

2 cách chế biến đu đủ:
1. Đu đủ nghiền nhừ: Có thể hấp (hoặc không hấp) một khoanh đu đủ chín đã được gọt vỏ, bỏ hạt trong ít phút (để đu đủ mềm và bé dễ tiêu hóa) trước khi bạn tiến hành nghiền nhuyễn đu đủ và cho bé thưởng thức.

2. Hỗn hợp đu đủ, đào, sữa chua (dành cho bé 8 tháng tuổi trở lên): Nguyên liệu gồm ½ miếng đu đủ chín (đã gọt vỏ, bỏ hạt và được nghiền nhừ); ½ cốc nhỏ đào chín đã được nghiền nhừ và 1 hộp sữa chua (loại của bé).

Trộn đào và đu đủ đã được nghiền nhuyễn với nhau. Thêm sữa chua vào hỗn hợp và trộn đều lên và cho bé thưởng thức.

Những thực phẩm có thể trộn chung với đu đủ là: táo, bơ, chuối, xoài, đào, carrot, khoai lang, thịt gà, thịt lợn, sữa chua.

Theo mevabe.net