Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Thời điểm và cách cho bé ăn cà chua


Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, cha mẹ không nên cho bé ăn cà chua trước khi bé được khoảng 10 tháng tuổi. Nguyên nhân là do lượng axit có trong cà chua sẽ làm yếu dạ dày còn non nớt của bé.

Tuy nhiên, không ít cha mẹ quyết định cho bé làm quen với cà chua khi bé được khoảng 8 tháng tuổi. Nếu bạn muốn cho bé ăn cà chua sớm hơn thông tin khuyến cáo ở trên thì bạn nên xem xét những dấu hiệu dị ứng cà chua. Nếu bé nổi ban xung quanh miệng và mông thì có thể đó là phản ứng với độ axit có trong cà chua.

Cách chế biến cà chua
Trước tiên, bạn có thể luộc (hoặc hấp) cà chua đến khi cà chua chín mềm. Tiếp đến, bạn lột vỏ, bỏ hạt cà chua, xay nhuyễn rồi trộn chung cà chua với cháo cho bé.

Những loại thực phẩm có thể trộn chung với cà chua là: trứng, thịt bò, thịt gà, thịt lợn; các loại rau củ (carrot, đậu đỗ, quả bí). Nếu bé đã đến tuổi ăn mỳ thì những loại mỳ ống đều có thể chế biến kèm với cà chua.

Khi đã được nấu chín, nồng độ axit có trong cà chua sẽ giảm và không còn khả năng gây hại cho dạ dày của bé. Do đó, cha mẹ nên tránh cho bé ăn cà chua sống.

Dinh dưỡng có trong cà chua
Một bát cà chua đã được nấu chín có khả năng đáp ứng 47% nhu cầu vitamin C và 22% nhu cầu vitamin A của bé mỗi ngày. Không những thế, vitamin C có trong cà chua còn có tác dụng giúp cơ thể hấp thu sắt hiệu quả.

Dinh dưỡng có trong một bát cà chua đã được nấu chín là:
- Vitamin A (1174 IU), vitamin C (54mg), vitamin K (6,7mcg) cùng một số hàm lượng nhỏ vitamin khác.

- Kali (523mg), phôtpho (67mg), magiê (22mg), canxi (26mg), sắt (1,63mg), folate (31mcg) cùng hàm lượng kẽm, mangan và chất xơ.

Theo mevabe.net