Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Tranh luận nóng bỏng về phổ cập mầm non


"Bậc mầm non không đủ cơ sở vật chất phục vụ trẻ, phụ huynh mang con tới, trường đành phải từ chối. Vậy sắp tới triển khai phổ cập mầm non 5 tuổi như thế nào?" Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận phản biện về Luật Giáo dục sửa đổi, sáng 15/8.

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, những thay đổi căn bản trong Luật giáo dục sửa đổi là phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi nhằm chuẩn bị tốt hơn trước khi các em vào lớp 1; thay vì được miễn học phí, học sinh, sinh viên sư phạm được vay ưu đãi và miễn khoản tiền này nếu công tác trong ngành giáo dục; thời gian đào tạo tiến sĩ đối với người có bằng đại học là 4 năm và bằng thạc sĩ là 3 năm...

Để con có được một chỗ học trong trường mầm non năm nay, nhiều phụ huynh ở Hà Nội đã phải xếp hàng từ nửa đêm trước cổng trường. Ảnh: Tiến Dũng.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Đào Trọng Thi cho rằng, thời gian qua đầu tư cho giáo dục mầm non còn chưa tương xứng với vị trí là bậc học đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân. Điều này ảnh hưởng đến hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách và sự phát triển của trẻ về thể chất, tình cảm, trí tuệ và thẩm mỹ để chuẩn bị bước vào lớp 1.

"Nhiệm vụ phổ cập giáo dục, nhất là phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi là công việc khó khăn, phức tạp, cần chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, nhất là về cơ sở vật chất, trường lớp và đội ngũ giáo viên....", ông Thi nhấn mạnh.

Tháng 7 vừa qua, tại nhiều trường mầm non ở Hà Nội, phụ huynh phải xếp hàng từ nửa đêm để xin cho con một suất học. Theo UBND Hà Nội, với số trẻ ra lớp hiện nay, cấp mầm non toàn thành phố thiếu khoảng 700.000 m2 đất. Tình trạng quá tải khiến ở nhiều nơi, 65-70 trẻ phải học chung một lớp, trong khi theo quy định chỉ là 35 cháu.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nhìn nhận, chủ trương phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi là vấn đề rất lớn, nhiều thách thức. "Vợ tôi làm ở bậc mầm non nên tôi biết không có đủ cơ sở vật chất phục vụ trẻ mầm non, phụ huynh mang con tới, trường đành phải từ chối. Vậy sắp tới triển khai phổ cập mầm non 5 tuổi như thế nào?", ông Thuận dẫn chứng.

Cũng lo lắng về việc thiếu giáo viên, cơ sở vật chất khi triển khai việc phổ cập này, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn gợi ý: "Giá mà Bộ Giáo dục tính toán xem nếu phổ cập thế này chi tiền lương ra sao, giáo viên tăng thế nào... thì sẽ rõ ràng hơn".

Còn Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng mong muốn Bộ Giáo dục cần làm rõ, nếu phổ cập mầm non 5 tuổi, số tiền bỏ ra là bao nhiêu, tác động tài chính của việc sửa đổi luật ra sao...

"Nóng" không kém việc phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi chính là vấn đề không miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm. Theo Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng, chủ trương thay thế miễn học phí bằng cho vay ưu đãi này cần phải được bàn thêm vì nếu được đưa vào Luật thì sẽ có nhiều vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực thi.

"Không ít sinh viên sư phạm ra trường nhưng không có việc làm. Vậy, nếu các em đi xin việc mãi không được thì có phải trả lại khoản tiền đã vay? Các thủ khoa sư phạm được các cơ quan nhà nước xin về làm thì có phải trả lại học phí?", ông Vượng đưa ra lập luận.

Không nhất trí với chủ trương cho sinh viên sư phạm vay ưu đãi, ông Đàn đặt câu hỏi: "Đã có thống kê nào về số sinh viên sư phạm ra trường làm việc khác? Thực tế là sinh viên sư phạm ra trường khó xin việc. Báo cáo của địa phương là thiếu giáo viên nhưng nhưng thiếu ở chỗ này và thừa chỗ khác. Hiện, ngay cả trong một tỉnh cũng không có quy định về điều phối giáo viên từ nơi thừa về nơi thiếu".

Ông Trần Văn Thuận: "Việc thi cụm, chấm chéo đã dạy cho học sinh sự không tin tưởng lẫn nhau và điều đó theo tôi là phản giáo dục". Ảnh: Hoàng Hà.

Để hạ nhiệt vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ban soạn thảo đề án cần cân nhắc thêm phương thức thực hiện bởi nếu làm như để xuất của Chính phủ thì việc cho sinh viên sư phạm vay cũng lại giống như chính sách vay vốn của sinh viên nghèo. "Cần có chính sách thu hút học sinh giỏi", ông Lưu nói.

Bên cạnh việc góp ý cho dự thảo sửa đổi các điều liên quan đến đào tạo tiến sĩ, thành lập trường đại học... nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần xem xét, bổ sung một số điều liên quan đến thi cử, học phí, sách giáo khoa, chương trình học và lương giáo viên - những vấn đề vốn nóng hổi trong thời gian gần đây. Theo ông Trần Văn Thuận, việc thi cụm, chấm chéo đã dạy cho học sinh sự không tin tưởng lẫn nhau và "điều đó là phản giáo dục".

Chốt lại buổi thảo luận tại Thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý, cần đặc biệt quan tâm tới chính sách đối với giáo viên, chương trình học phổ thông, chất lượng giáo dục, thi cử, quy hoạch mạng lưới trường học đang bị bỏ ngỏ...

"Ban soạn thảo và một số cơ quan có liên quan nên tiếp tục gặp gỡ và chọn tối đa các vấn đề có thể sửa để tiếp tục chuẩn bị nội dung này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phải nghe thêm một phiên nữa, trước khi trình Quốc hội", bà Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, sau buổi góp ý này, Ban soạn thảo sẽ viết lại các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung một cách rõ ràng hơn.

Theo VnExpress