Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chuyển đổi sang mầm non công lập: Đời sống giáo viên sẽ như thế nào?


Cô trò trường mầm non Liên Hà (Đông Anh)
Năm 2008, Hà Nội đã chuyển đổi 150 trường mầm non bán công ở các huyện ngoại thành thành trường công lập. Với các trường mầm non, điều này cũng đồng nghĩa với việc được tự chủ về tài chính, được sự đầu tư quan tâm nhiều hơn từ phía nhà nước. Đặc biệt, với các giáo viên của ngành học có đội ngũ nằm ngoài biên chế đông đảo nhất này, đây thực sự là cơ hội "vàng" để có thể hiện thực hóa mong muốn được vào biên chế, đồng nghĩa với việc đời sống sẽ được đảm bảo hơn.

Thế nhưng, có vẻ là nghịch lý khi các giáo viên mầm non của huyện Đông Anh lại bị "thất thu" khi mô hình trường được chuyển đổi sang công lập. Cô Hoàng Thị Thư, giáo viên trường mầm non Liên Hà (xã Liên Hà, huyện Đông Anh) cho biết: Tôi chưa thấy đời sống giáo viên được quan tâm hơn, ngoại trừ được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội. Thu nhập của chúng tôi đã bị giảm đi từ 200 đến 300 ngàn một tháng, đời sống đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Hơn 12 năm trong nghề, tôi vẫn nuôi hy vọng được vào biên chế, được hưởng lương theo bằng cấp, những tưởng khi chuyển đổi mô hình trường từ bán công sang dân lập, tôi sẽ có nhiều hy vọng hơn. Tuy nhiên, chỉ tiêu công chức chưa nhiều. Khung chính mỗi trường chỉ được khoảng 4 biên chế. Với trường mầm non Liên Hà hiện đã có 8 biên chế nên mơ ước vào biên chế của tôi có lẽ sẽ mãi mãi không thực hiện được.

Hiệu trưởng Trường mầm non Liên Hà, cô Nguyễn Thị Nhuận tâm sự: Không thể nói nhà trường không được lợi khi chuyển đổi từ trường bán công sang công lập. Nhà trường được tự chủ về tài chính, được sự quan tâm, đầu tư của nhà nước, đặc biệt là công tác quản lý thuận lợi hơn nhiều do không còn phải phụ thuộc vào xã, phụ huynh cũng quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, cái khó khăn sau khi chuyển đổi là sự quá tải học sinh; các văn bản về thu chi chưa có, chúng tôi phải tự mò mẫm hoặc dựa vào những văn bản thu chi của năm trước. Đặc biệt, khoản học phí thu được từ các cháu trước đây sử dụng 55% để chi lương nhưng giờ chỉ dành ra 28% trong số này để thưởng, số còn lại toàn bộ được sử dụng để phục vụ cho hoạt động chuyên môn, cơ sở vật chất. Đây là lý do chính khiến thu nhập của giáo viên bị giảm đi. Trước thực trạng này, nhà trường đã giúp đỡ giáo viên bằng cách quan tâm hơn đến công tác khen thưởng cho giáo viên có thành tích tốt cũng như tạo điều kiện cho các cô phần trăm cao hơn từ bán trú.

Ông Nguyễn Huy Kiều, Chủ tịch công đoàn giáo dục huyện Đông Anh cũng cho biết có hiện tượng giáo viên các trường mầm non trong huyện chuyển từ mô hình bán công sang công lập có bị giảm thu nhập. Trước đây, giáo viên mầm non đứng lớp ngoài công lập được hỗ trợ 60% đứng lớp nhưng khi chuyển sang công lập thì không được nữa nên thu nhập bị giảm đi. Mặt khác, mô hình trường đổi nhưng văn bản chính sách lại chưa chuyển đổi kịp nên chắc chắn sẽ kéo theo một số bất cập. Phòng giáo dục huyện Đông Anh và các quận huyện khác cũng đã có đề nghị với Sở để Sở đề nghị lên thành phố ra những văn bản tài chính phù hợp, tuy nhiên, tất cả đều phụ thuộc vào nghị quyết của HĐND thành phố.

Các giáo viên mầm non trong các trường đã được chuyển sang mô hình công lập ở huyện Sóc Sơn cũng có những thắc mắc tương tự. Cô Đỗ Thị Tý, giáo viên khu trung tâm trường mầm non Tân Hưng (xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn) cũng cho biết thu nhập của cô so với năm trước đã bị giảm đi từ 1,4 triệu xuống còn hơn 1,2 triệu trên tháng. Hiệu trưởng Trường mầm non Tân Hưng (xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn), cô Nguyễn Thị Tính cho rằng, đây có lẽ đây là tình trạng chung của toàn bộ các trường ngoại thành Hà Nội sau khi chuyển đổi mô hình sang công lập. Tuy nhiên, thu nhập của giáo viên chỉ giảm đi so với thu nhập của khoảng thời gian từ đầu năm 2007 cuối năm 2008. Lý do là, trong khoảng thời gian 1 năm trước khi chuyển đổi mô hình sang công lập này, các giáo viên đã được thành phố hỗ trợ hưởng lương theo hệ số 1,86 và vẫn được hưởng khoản hỗ trợ từ nguồn thu học phí. Ở Sóc Sơn (trước kia là trường mầm non nông thôn) cho phép thỏa thuận với phụ huynh mức thu học phí là 35 ngàn/cháu/tháng. Như vậy, ngoài lương được hưởng theo hệ số 1,86, các cô sẽ có thêm khoản thu nhập hàng tháng khoảng 200 ngàn. Cũng theo cô Tính, giáo viên mầm non ở Đông Anh có lẽ bị "hẫng" hơn cả vì đó là huyện có mức thu học phí cao nhất so với các huyện ngoại thành Hà Nội.

Tuy nhiên, tham khảo ý kiến một số lãnh đạo các phòng giáo dục tại các huyện ngoại thành Hà Nội, hầu hết các ý kiến đều cho rằng: Việc chuyển đổi mô hình các trường mầm non từ bán công sang công lập, giáo viên có thể sẽ bị thiệt chút ít trước mắt nhưng sẽ có cái lợi lâu dài.

Theo GDTD