Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bỗng dưng bị cắt hợp đồng lao động dài hạn


Bảy trong số 9 giáo viên bị cắt hợp đồng dài hạn.
Chín cô giáo ở 8 trường mầm non của 8 xã thuộc huyện Yên Thành, nguyên là lao động dài hạn, là hiệu trưởng, hiệu phó, đã 7 năm nay bị Phòng GDĐT Yên Thành đơn phương chuyển sang hợp đồng lao động ngắn hạn, hưởng 60% lương cơ bản. Mấy năm sau 9 cô mới biết, danh sách được nâng lương vẫn có tên mình (?).

Từ dài hạn thành ngắn hạn
Đó là các cô: Nguyễn Thị Xuân Hương - xã Yên Thành; Nguyễn Thị Hà - xã Quang Thành; Nguyễn Thị Luận, Trần Thị Hàn - xã Tây Thành; Thái Thị Nhung - xã Xuân Thành; Nguyễn Thị Điều - xã Mã Thành; Nguyễn Thị Tâm - xã Tăng Thành; Đặng Thị Hải - xã Tân Thành; Nguyễn Thị Hoà - xã Hoa Thành.

Từ năm 1999, chín cô giáo đều là lao động hợp đồng dài hạn, là hiệu trưởng, hiệu phó, sau đó đều bị Phòng GDĐT Yên Thành đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động dài hạn.

Cuối năm 2002, Phòng GDĐT Yên Thành lấy lý do tinh giản cán bộ quản lý, 9 cô yên tâm làm giáo viên giảng dạy. Tháng 1.2003, họ bị Phòng GDĐT Yên Thành đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động dài hạn, chuyển sang hợp đồng lao động ngắn hạn hưởng 60% lương cơ bản.

Cô Nguyễn Thị Hoà - xã Hoa Thành (SN 1955) vào ngành giáo dục từ năm 1974. Năm 1975 đi học Trường Sư phạm Mẫu giáo miền xuôi Nghệ An, năm 1976 về công tác tại Trường Mầm non xã Hoa Thành. Từ năm 1980 đã làm hiệu phó của trường, được ký hợp đồng lao động dài hạn hưởng lương nhà nước từ năm 1999 và luôn hoàn thành công việc được giao.

Cô Hoà bức xúc: Trước đây lương chúng tôi được HTX trả bằng thóc, vất vả là thế nhưng chưa khi nào tôi trễ nải công việc, về sau được hưởng lương từ ngân sách, tôi càng hăng say với nghề. Năm 2003, Phòng GDĐT huyện Yên Thành tinh giản cán bộ quản lý, tôi thấy mình đã hơn 22 năm làm quản lý, nay để lớp trẻ thay mình công việc sẽ tốt hơn. Nghỉ công tác quản lý nhưng chế độ vẫn như cũ nên tôi không băn khoăn gì, chị em nhường nhịn nhau, nên thủ tục bầu bán lấy tín nhiệm hoàn toàn chỉ là hình thức.

Không ngờ người ta ra thông báo tôi bị chấm dứt hợp đồng lao động dài hạn, chuyển sang hợp đồng lao động ngắn hạn. Được tin bị chấm dứt hợp đồng lao động dài hạn, tôi ngất tại chỗ. Tại sao người ta tráo trở hành xử với NLĐ như vậy?

Năm 1999, cô Nguyễn Thị Hà được đề bạt làm Hiệu phó Trường Mầm non xã Quang Thành, được Sở Nội vụ duyệt ký hợp đồng lao động dài hạn, xếp mã ngạch 15115 hệ số lương 1,76.

Tháng 11.2002, cô trong danh sách tinh giản cán bộ quản lý, tháng 1.2003 xã gọi cô lên thông báo không hưởng lương nhà nước nữa, chỉ được hưởng lương giáo viên hợp đồng lao động ngắn hạn. Là giáo viên mầm non không hiểu nhiều về chính sách chế độ nhà nước, nên cấp trên quyết thế nào thì cô chịu thế ấy.

Bảy cô còn lại, tại thời điểm tháng 1.2003 họ đều chuẩn về bằng cấp, vững vàng chuyên môn, không vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vẫn bị chấm dứt hợp đồng lao động dài hạn. Trước khi "hành xử", Phòng GDĐT Yên Thành không hề bàn bạc lấy ý kiến NLĐ.

Cô Đặng Thị Hải nói: Tôi tự tin mình có năng lực nghề nghiệp, không thua chị kém em trong đội ngũ giáo viên mầm non của huyện. Việc tinh giản cán bộ quản lý nếu là chủ trương chung, tôi không thắc mắc, bởi không làm quản lý thì làm giáo viên giảng dạy chẳng sao. Tôi luôn có ý thức phấn đấu, tâm huyết với nghề, luôn đạt thành tích cao, tại sao phòng đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động dài hạn?

Phải phục hồi chế độ cho 9 cô giáo
Chín cô đều rất đau khổ khi phòng đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động dài hạn, nhưng vì thiếu hiểu biết về chính sách chế độ nên không có ý kiến gì. Đến khi trên mục giải đáp pháp luật của một tờ báo đăng ý kiến trả lời của ông Võ Đình Văn - Trưởng phòng Công chức, viên chức - Sở Nội vụ Nghệ An: Hợp đồng dài hạn là thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, đã thông qua Sở Nội vụ thì được công tác và xếp nâng lương liên tục theo định kỳ cho đến lúc về hưu không phải hợp đồng lại. Bấy giờ cả 9 cô mới biết mình bị chấm dứt hợp đồng dài hạn vô lý.

Cô Đặng Thị Hải cho biết: Năm 2008, các cô gửi đơn kiến nghị lên UBND huyện Yên Thành, huyện giao Phòng GDĐT trả lời, nhưng phòng lý giải không thoả đáng, vẫn khẳng định việc làm của phòng là đúng chế độ chính sách (?). Các cô đến Phòng Nội vụ huyện tìm hiểu thì biết, dù bị chấm dứt hợp đồng dài hạn từ tháng 1.2003, nhưng đến tháng 12.2005 chín cô vẫn có tên trong danh sách được quyết định nâng lương?

Việc 9 cô bị chấm dứt hợp đồng dài hạn, song vẫn có tên trong danh sách được nâng lương là có thật. Cô Đặng Thị Hải cho biết, ngày 24.12.2005, ông Phan Văn Tân - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành - ký quyết định số 2468 về việc nâng lương công chức, tất cả 9 cô đều có tên trong danh sách nâng lương, tuy nhiên chỉ 7 người lên sớm là lấy được quyết định, còn hai cô Nhung, Hoà lên sau đã không có được quyết định.

Chín cô giáo mầm non của huyện Yên Thành mong muốn các cơ quan chức năng làm rõ 2 nội dung: Tại sao đã bị chấm dứt hợp đồng dài hạn vẫn có tên trong danh sách nâng lương? Ai ban hành chính sách chấm dứt hợp đồng dài hạn đối với người có tâm đức luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn? Nếu Nhà nước không quy định như vậy thì Phòng GDĐT huyện Yên Thành phải sớm phục hồi chế độ cho 9 cô giáo mầm non.

Ông Nguyễn Trọng Hùng - Trưởng phòng Công chức, viên chức - Sở Nội vụ Nghệ An - khẳng định: Những giáo viên mầm non đã được Sở Nội vụ xét duyệt để ký hợp đồng dài hạn thì không có chuyện chấm dứt hợp đồng của họ. Trường hợp chấm dứt hợp đồng chỉ xảy ra khi họ vi phạm đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn yếu kém. Tuy nhiên, việc đó chỉ là hãn hữu!

Việc 9 giáo viên mầm non đã bị chấm dứt hợp đồng dài hạn vẫn có tên được nâng lương, là khuất tất trong quản lý sử dụng ngân sách tại Phòng GDĐT huyện Yên Thành. Tổng số tiền với danh nghĩa "nâng lương" - thực chất là cúp lương của 9 cô giáo mầm non - là bao nhiêu, "lạc" vào cửa công quỹ hay tư quỹ, và được sử dụng thế nào?
Mai Thuận - Nhật Lân

Theo LĐ