Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giải bài toán giáo viên mầm non


Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ... của trẻ. Vì vậy, việc xây dựng đội ngũ giáo viên cho bậc học mầm non là nhiệm vụ đặt ra cấp bách trong quá trình đổi mới và phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà.

Giáo viên Trường mầm non Hoa Trà My (Hà Nội) hướng dẫn các cháu trò chơi dân gian.

Ðầu tư chưa tương xứng
Cả nước có hơn 3,6 triệu trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo đang được học tập ở hơn 12 nghìn trường mầm non với hơn 179 nghìn giáo viên giảng dạy, trong đó có hơn 168 nghìn giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn (chiếm 94,3%). Ở nhiều tỉnh, thành phố, số giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn có tỷ lệ cao như Thái Nguyên, Ðà Nẵng, Gia Lai, Bắc Ninh, Ðồng Tháp... Chế độ cho đội ngũ giáo viên mầm non tại các trường trong và ngoài công lập được quan tâm, nhất là một số tỉnh hỗ trợ lương cho giáo viên theo trình độ đào tạo. Năng lực sư phạm của phần lớn nhà giáo được nâng lên, bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học.

Tuy nhiên, trước nhu cầu phát triển mạnh mẽ của hệ thống giáo dục quốc dân nói chung, giáo dục mầm non nói riêng, lực lượng giáo viên mầm non vẫn chưa tương xứng, thiếu về số lượng và phân bố chưa đồng đều ở các vùng, miền, không đồng đều về chất lượng, thậm chí có cả một bộ phận giáo viên còn hạn chế về năng lực, kiến thức, kỹ năng trong việc nuôi dạy trẻ. Nhiều địa phương giáo viên đạt chuẩn chiếm tỷ lệ cao, nhưng vẫn chưa tương xứng với yêu cầu về chất lượng giáo dục và đào tạo trong quá trình CNH, HÐH và hội nhập. Trong khi đó, cả nước vẫn còn hơn mười nghìn giáo viên chưa đạt chuẩn. Ở một số tỉnh, thành phố, số giáo viên dưới chuẩn còn nhiều như: Hòa Bình, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Kon Tum...

Mặt khác, dù số lượng giáo viên tăng thường xuyên, nhưng hiện nay theo quy định, nếu trường không tổ chức cho các cháu bán trú có tỷ lệ từ 20 đến 25 trẻ/cô và tổ chức bán trú là 25 đến 30 trẻ/cô thì cả nước vẫn còn thiếu hơn 20 nghìn giáo viên bậc học mầm non. Ðáng chú ý, tỷ lệ giáo viên được biên chế của giáo dục mầm non thấp nhất trong các bậc học. Cả nước mới chỉ có gần 79 nghìn giáo viên mầm non, chiếm tỷ lệ 44% trong biên chế nhà nước. Một số địa phương tỷ lệ này còn rất thấp như tại Hà Nam 4,2%, Bắc Ninh 4,5%, Hưng Yên 5,5%, Hải Dương 6% giáo viên mầm non trong biên chế nhà nước... Trong khi đó, cơ chế, chính sách đối với giáo viên mầm non còn bất cập, chưa có biện pháp đủ mạnh để cải thiện, nâng cao đời sống ngoài biên chế, dẫn đến tình hình một bộ phận chưa yên tâm công tác. Mặt khác, dù số lượng giáo viên đạt chuẩn chiếm tỷ lệ khá cao, nhưng chất lượng không đồng đều; việc bồi dưỡng, nâng chuẩn chưa được chú trọng ở một số nơi. Ý thức tự học nâng cao trình độ chuyên môn của nhiều giáo viên còn hạn chế. Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ở các trường sư phạm chậm đổi mới, chưa bắt kịp nhịp độ phát triển của giáo dục mầm non. Trong khi đó, nhu cầu đạt chuẩn khiến các địa phương đào tạo ồ ạt khi cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ giảng viên tại các cơ sở đào tạo mẫu giáo chưa đáp ứng yêu cầu...

Phát triển gắn với nhu cầu thực tế
Ðể nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non, đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng để thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới, các địa phương cần quản lý tốt hơn nữa chất lượng giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non. Khuyến khích giáo viên tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tu dưỡng đạo đức nhà giáo. Bảo đảm không có giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo trong quá trình giảng dạy. Việc triển khai thực hiện định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, tuyển dụng giáo viên, nhân viên cho trường mầm non phù hợp quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non và khả năng ngân sách cũng cần được chú trọng, nhằm giúp giáo viên yên tâm công tác, gắn bó với nghề. Các địa phương cần xác định nhu cầu giáo viên các cấp học, các môn học, lập kế hoạch đào tạo giáo viên theo nhu cầu. Có thể sử dụng phương pháp đặt hàng các trường đại học, cao đẳng sư phạm đào tạo, kết hợp các chính sách khuyến khích giáo viên về công tác tại địa phương. Trên cơ sở các quy định chung, ngành giáo dục các cấp rà soát quy trình và thực tế tuyển dụng giáo viên mới các cấp học, sửa đổi các quy định cần thiết để bảo đảm tuyển dụng được các giáo viên có đạo đức và trình độ chuyên môn phù hợp nhu cầu phát triển giáo dục ở mỗi trường, mỗi huyện, mỗi tỉnh.

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ÐT) Phan Lan Anh khẳng định, cần có những điều chỉnh phù hợp về đào tạo và cơ chế đối với giáo viên mầm non. Việc phát triển lực lượng giáo viên mầm non cần tính đến đặc điểm vùng miền như, dạy tiếng dân tộc cho giáo viên đang tham gia giảng dạy tại vùng núi, vùng dân tộc; tổ chức dạy tiếng dân tộc cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non đang công tác tại các vùng dân tộc... Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cùng với việc tăng cường bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đang công tác thì Nhà nước cần có sự đánh giá thực chất mạng lưới, năng lực đào tạo, bồi dưỡng của các trường sư phạm đào tạo giáo viên mầm non nhằm đáp ứng nhu cầu về chất lượng, số lượng cũng như bảo đảm về cơ cấu loại hình giáo viên trong toàn quốc, ở từng địa phương và vùng miền. Cần triển khai chương trình quốc gia nhằm khắc phục sự lạc hậu của các chương trình đào tạo ở trường sư phạm. Dự báo hằng năm nhu cầu giáo viên ở các trình độ thực hiện đào tạo theo chuẩn. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng giảng viên các trường sư phạm nhằm nâng cao về kiến thức chuyên môn và phương pháp giảng dạy. Nghiên cứu, khảo sát để đổi mới phương thức bồi dưỡng giáo viên mầm non theo hướng: Bồi dưỡng theo nhu cầu thực tế, kết hợp bồi dưỡng tập trung với bồi dưỡng từ xa và tự bồi dưỡng. Nội dung, chương trình, tài liệu, kế hoạch bồi dưỡng cần được xây dựng trên cơ sở kết quả của việc khảo sát nhu cầu thực tế.

Giáo dục mầm non không đơn thuần là nơi trông giữ trẻ mà còn là môi trường để cho trẻ phát triển toàn diện về mọi mặt, là nơi nuôi dưỡng cơ hội phát triển trong giai đoạn đầu của cuộc đời, cũng như hình thành nhân cách và phát triển nguồn lực con người. Do đó, giáo dục mầm non cần có sự đầu tư thỏa đáng, nhất là đội ngũ giáo viên phải phát triển xứng tầm, nhằm tạo bước chuyển biến cơ bản trong nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

Theo Báo Nhân Dân