Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Dự án Giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật mầm non


Sau 3 năm thực hiện, những mục tiêu được đề ra trong tiểu dự án GDMN: Tăng cường giúp đỡ và hỗ trợ giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật ở VN; Tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật sớm hoà nhập cộng đồng và được định hướng nghề nghiệp phù hợp với bản thân; Tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công tác giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật... theo đánh giá tổng kết của Vụ Giáo dục Mầm non hầu hết đã đạt được.

Tiểu dự án Giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật mầm non (GDHNTKTMN) là một phần trong hợp phần giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật và đào tạo hướng nghiệp việc làm cho thanh niên khuyết tật thuộc dự án "Tăng cường hỗ trợ hoà nhập trẻ khuyết tật VN". Dự án này được Bộ GD&ĐT tiếp nhận tháng 5/2006 với sự phối hợp thực hiện của tổ chức CRS và tổ chức Quan tâm thế giới và hỗ trợ tài chính của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ.

Để đạt được mục tiêu tạo nguồn lực phục vụ cho công tác giáo dục hoà nhập TKT, Vụ Mầm non đã đặc biệt coi trọng công tác hỗ trợ nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán về can thiệp sớm (CTS) và giáo dục hoà nhập (GDHN). Học viên của 27 Sở GD&ĐT đã được tham dự các lớp tập huấn do Vụ Mầm non và Viện KHGD tổ chức. Các chuyên gia tật học và các giảng viên nước ngoài đã trang bị cho người học những kiến thức, những dấu hiệu để nhận biết của một số loại khuyết tật, trên cơ sở đó tăng cường phát hiện sớm, can thiệp sớm cho trẻ. Các học viên cũng được hướng dẫn thực hành xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ. Tại những khoá tập huấn ở Ninh Thuận, Quảng Ninh... các chuyên gia nước ngoài đã giới thiệu và hướng dẫn học viên cách sử dụng bộ câu hỏi sàng lọc theo từng giai đoạn tuổi của trẻ, từ sơ sinh đến 60 tháng tuổi, hướng dẫn học viên nhận xét và đánh giá, viết báo cáo gia đình, xây dựng kế hoạch hoạt động kích thích trẻ theo hướng tích hợp, thiết kế bảng kế hoạch hoạt động cho trẻ, đánh giá quá trình tiến bộ của trẻ . Đây là những nội dung rất bổ ích đối với những cán bộ cốt cán, giúp họ khi trở về địa phương có thể truyền đạt lại và hướng dẫn vận dụng thành công vào thực tế khi triển khai GDHN. Chia sẻ những kinh nghiệm thành công từ mô hình GDHN của dự án, Vụ Mầm non cũng đã tổ chức những chuyến đi thực tế, đưa các lãnh đạo Sở, cán bộ chuyên trách tham quan mô hình giáo dục liên thông từ mầm non lên các bậc học cao hơn và hỗ trợ đào tạo nghề cho người khuyết tật ở Hội An, thăm mô hình GDHN ở Ninh Bình. Thông qua hoạt động dự giờ ở các trường, các đại biểu đã thu nhận được những bài học thực tiễn quí giá. Từ những hội thảo: "Xây dựng điều lệ trường mầm non", "Phối hợp chuyển giao TKT mầm non lên tiểu học"... nhiều ý kiến xác đáng về vấn đề xây dựng CSVC, các điều kiện chăm sóc giáo dục trẻ, các điều kiện CSVC tiếp cận cho TKT đã được đề xuất để xây dựng quy chế công nhận trường mầm non đạt chuẩn. Khi chia sẻ những kết quả thực hiện công tác GDHN ở địa phương, theo qui định mỗi TKT sẽ có một hồ sơ giáo dục cá nhân, trên cơ sở những thuận lợi và khó khăn, đại diện các trường tiểu học và mầm non cũng đã thống nhất được biểu mẫu hồ sơ, sổ bàn giao giữa hai bậc học để hoạt động chăm sóc giáo dục TKT có thể tiếp tục và thực hiện hiệu quả. Hàng năm vào dịp 1 tháng 6 nhiều trường mầm non đã tổ chức kỷ niệm ngày 1.6 và ngày lễ ra trường và bàn giao các cháu cho trường tiểu học. Riêng những TKT các trường bàn giao cả sổ kế hoạch giáo dục cá nhân để giáo viên tiểu học sau khi tiếp quản sớm lên được kế hoạch tác động, giúp đỡ các em.

Tổ chức CRS đã hỗ trợ Vụ Mầm non xây dựng và cấp phát nhiều tài liệu quan trọng về GDTKT. Điển hình là bộ sách "Can thiệp sớm và giáo dục hoà nhập TKT mầm non". Tài liệu này không chỉ là công cụ tốt của CBGV mầm non mà ngay cả với những bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ cũng rất cần thiết để phát hiện những dấu hiệu bất thường của con để có biện pháp can thiệp sớm cho trẻ.Tháng 6/2007, Vụ Mầm non đã tổ chức xây dựng phim phóng sự "Tầm quan trọng của can thiệp sớm trong GDHN TKT mầm non". Phim được phát sóng nhiều lần, có tác dụng nâng cao nhận thức cho phụ huynh và cộng đồng, khẳng định sự phối hợp quan trọng giữa y tế và giáo dục cũng như vai trò quan trọng của các cơ quan quản lý giáo dục và chính quyền các cấp trong hoạt động GDHN. Tài liệu "Các hoạt động phát triển kỹ năng cho TKT học hoà nhập" cũng đã được Vụ Mầm non gấp rút biên soạn để cấp phát trong thời gian tới. Đây là dạng tài liệu nguồn, sẽ hỗ trợ đắc lực GV trong quá trình tổ chức các hoạt động cho HS khuyết tật hoà nhập ở trường mầm non.

Các Sở GD&ĐT đã đưa nội dung GDHN vào giảng dạy trong các trường CĐSP, vào chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ hè cho giáo viên, cấp phát tài liệu, hồ sơ sổ sách, chuyên đề các tiết dạy, hỗ trợ chuyên môn của đội ngũ cốt cán.
Ninh Bình là tỉnh có nhiều thành tích trong GDHN, đặc biệt là những sáng kiến trong huy động nguồn lực cho GDHN.Các trường mầm non được quan tâm đầu tư xây dựng từ nguồn kinh phí của các chương trình mục tiêu và chương trình kiên cố hoá trường học.

Nhờ những kết quả cụ thể của dự án, kết quả chung về GDHN TKT mầm non trong toàn quốc đã có những bước tiến đáng kể. Số lượng TKT được học hoà nhập ngày càng tăng. Cho đến cuối năm học 2008-2009 đã có 14.872 TKT được học hòa nhập. Hệ thống quản lý GDHN TKT trong toàn quốc đã hình thành và bước đầu hoạt động hiệu quả, nhiều tỉnh/ thành đã thành lập ban chỉ đạo GDTKT các cấp, có sự phối hợp chặt chẽ với các ban ngành liên quan. Số lượt GV được dự bồi dưỡng, tập huấn về GDHN ngày càng đông, có kiến thức, có sự chuyển biến rõ rệt về năng lực. Sự quan tâm tạo điều kiện của các ban ngành, chính quyền địa phương và cộng đồng ngày càng tăng, ảnh hưởng tích cực đến hoạt động chăm sóc, giáo dục TKT. Nhiều địa phương đã thực hiện tốt nhiệm vụ GDHN như TP HCM, Vĩnh Long, Đà Nẵng, Long An, Bình Dương, Quảng Nam, Thái Nguyên, Ninh Bình, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương...có chính sách dành riêng cho TKT như miễn học phí, hỗ trợ luyện tập phục hồi chức năng, có chế độ cho giáo viên dạy lớp có TKT hoà nhập. Đây thực sự là những lực đẩy cần thiết để cỗ xe GDHN có thể chuyển bánh.

Theo GD&TĐ