Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ khuyết tật sẽ có các bài học phù hợp


Hiện nay ở nước ta có hơn 5,1 triệu người tàn tật và trẻ mồ côi, chiếm 7% dân số. Việc giáo dục hòa nhập cho trẻ, giúp các em có cuộc sống bình thường đang thu hút sự quan tâm của xã hội.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã gặp phải một số khó khăn. Trước hết là nhận thức của gia đình và cộng đồng. Nhiều gia đình không nghĩ đến việc chạy chữa hay khắc phục hậu quả cho con em, nhất là với các em chậm phát triển trí tuệ... nhiều gia đình còn giấu kín, nhốt trẻ suốt ngày trong nhà để không phải xấu hổ vì có đứa con "không bình thường". Một khó khăn nữa là về cơ sở vật chất, giáo trình, giáo án cho học sinh. Trang, thiết bị, đồ dùng dạy học đặc thù như sách, giấy chữ nổi cho trẻ mù, máy trợ thính và tài liệu ngôn ngữ cho trẻ điếc, xe lăn và các dụng cụ trợ giúp khác cho trẻ khó khăn vận động rất thiếu thốn. Ðối với các em khiếm thị, khi phải hòa nhập với trường học của người sáng, các em phải nhờ bạn bè đọc giúp tài liệu rồi ghi âm vào băng, sau đó mở ra nghe và tự mình đánh máy bằng phần mềm dành cho người khiếm thị. Việc xác định đối tượng, mức độ bệnh tật của trẻ cũng là một khó khăn lớn khi hiện nay việc xác định mức độ bệnh tật dựa trên cảm tính của nhà trường, nhất là đối với trẻ khiếm thính, chậm phát triển trí tuệ...

Ðể thực hiện tốt chương trình giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, Dự án giáo dục tiểu học cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn (PEDC) đang xây dựng chương trình: Các kỹ năng dạy học đặc thù trong giáo dục hòa nhập. Trong đó có các bài: Khó khăn về đọc, chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ, khuyết tật về giao tiếp, khiếm thính và khiếm thị. Việc phân chia các bài học giúp giáo viên có nhận thức đúng đắn về từng dạng khuyết tật của trẻ để có hình thức giáo dục phù hợp. Mỗi bài được thiết kế cho giáo viên phụ trách các lớp tiểu học và áp dụng trong các lớp học phổ thông. Bài khiếm thính và bài tự kỷ được chuyên gia của dự án biên soạn và bốn bài còn lại do các tư vấn cá nhân xây dựng dưới sự giám sát của dự án. Cả sáu bài này đã được thí điểm ở Cà Mau với 100 học viên từ ba tỉnh: Cà Mau, Tuyên Quang và Khánh Hòa. Các bài này tiếp tục được chỉnh sửa và phổ biến cho giáo viên của các huyện thuộc dự án trong năm 2009. Ðể nâng cao chất lượng giáo dục hòa nhập, tháng 10-2008, dự án đã chuyển số trang thiết bị như sổ tay ký hiệu cho trẻ điếc, bàn tính truyền thống, kẹp bút chì, sách chữ nổi, gậy dò đường... trị giá 500 nghìn USD cho 18 nghìn điểm trường thuộc Dự án PEDC. Trong năm 2009, Ban điều phối dự án dự kiến chuyển tiếp các bộ công cụ như: thiết bị giao tiếp bằng tranh, thẻ từ vựng, bảng ứng phó với chứng động kinh.

Theo Nhân Dân