Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giáo viên mầm non: Nỗi niềm "dâu trăm họ"


Với các cô giáo mầm non cái câu "làm dâu trăm họ" không ngoa chút nào. Lớp tôi có 50 nhóc. Mỗi nhóc có cả tá họ hàng.

Sáng bố đưa đi, chiều mẹ đón về, chưa kể ông bà, cô dì, chú bác thi thoảng ghé qua và bất cứ ai cũng có thể biến thành "mẹ chồng" để... soi.

Sau mấy vụ "băng dính", "Quản Thị Kim Hoa"..., báo chí và các cấp trên đánh đòn tổng động viên vào tận hang cùng ngõ hẻm của nghề trông trẻ. Hiệu trưởng đi họp về ngẩn ngơ vì chỉ thị: "Trường nào xảy ra bạo hành học sinh, hiệu trưởng trường đó tự nhận lấy mức án kỷ luật cao nhất". Thế là chỉ thị đó được rót xuống giáo viên, nó được nhắc đi nhắc lại hàng ngày cho mà nhớ. Của đáng tội, nạn bạo hành trường học giảm đáng kể. Và hệ quả của cuộc cách mạng đó là "trình" của các vị "mẹ chồng" đã "lên đẳng" rất nhiều.

Với các cô giáo mầm non cái câu "làm dâu trăm họ" không ngoa chút nào

Biết hiệu trưởng yêu cầu các cô lúc đón trẻ hay trả trẻ phải tươi cười, đã có chuyện một "nàng dâu" bị "mẹ chồng" mách hiệu trưởng vì tôi quên cười. Thôi thì ráng nhớ, ráng cười, cho dù mệt bở hơi tai sau một ngày quần nhau với cái lũ nhất quỷ nhì ma, thứ ba là... chúng nó.

Các "mẹ chồng" rất hiểu việc "mách hiệu trưởng" hiệu quả thế nào nên đã vận dụng tối đa. Còn các "nàng dâu" dù cố gắng làm tốt nhiệm vụ rồi nhưng cũng khó mà tránh được mấy lỗi nhỏ, nên kiểu gì cũng phải học chước mềm mỏng tối đa và giỏi món... cười trừ.

Thứ sáu tuần trước, hai chúng tôi vừa bị ông ngoại của nhóc Minh trách móc vì không chăm sóc cháu, bỏ mặc cho cháu chơi trò nguy hiểm. Tội tày trời thế nên chúng tôi đã phải hết lời xin lỗi, xin lỗi một cách thống thiết để ông cảm động mà không mách ban giám hiệu. Nguồn ngọn cái tội này là thằng cháu nghịch như quỷ của ông ngồi lên một chiếc ghế giả làm tàu tu tu xình xịch rồi té ngã và kẹp tay vào ghế để lại một vết tím nho nhỏ bằng nửa trái ớt chỉ thiên. Tuy hoàn toàn không có "đổ máu" và khi ông đến tôi đã vội ra báo cáo một cách khéo léo cẩn thận lắm rồi nhưng ông vẫn không thôi nét mặt hình sự.

Trông nom bọn nhóc 10 tiếng là các cô mắt đảo như lạc rang cả 10 giờ. Vậy mà vẫn xảy ra những vụ "hú vía". Trong lớp có một gác xép đồ chơi nhỏ, trên đó các cháu chơi trò Góc Gia Đình. Một hôm, Tiến Anh leo lên đó, ngước lên trần thấy đường điện được bọc trong ống ghen thì với tay định... bóc. Ơn trời là tôi phát hiện được và ngăn chặn kịp thời, chứ không thì lại... nổi tiếng mất.

Các lớp tôi phụ trách may mắn là chưa có vụ tai nạn lớn nào xảy ra (trộm vía!), nhưng xước xát tím bầm thì không tránh khỏi. Nhiều người cũng mát tính cười xòa: "Không sao đâu, trẻ con ấy mà". Nhưng gặp phải "mẹ chồng" khó tính thì khổ thân các cô giáo phải "giải trình" phân bua đến gẫy cả lưỡi.

Chúng tôi còn bị kết tội làm tụi nhóc... ốm nữa. Ấy là tại: "Cô để cháu nghịch quá, ra nhiều mồ hôi nên cháu hay cảm" hay "Cô cho cháu nằm ngay dưới máy lạnh, cháu ho quá!". Ôi trời, cái điều hoà ấy lắp riêng cho lớp mẫu giáo, cao tít trên trần, hơi lạnh thực ra chả bõ bèn gì với hơn 50 nhân mạng bên dưới. Vậy mà điệp khúc "Tại cái điều hoà" cứ tiếp diễn. Cố đăng ký cho con vào lớp VIP để được xài điều hoà rồi lại kêu ca vì điều hoà mà con tôi viêm họng. Thật chẳng biết sao mà chiều nữa.

Ngoài chuyện dạy dỗ, chăm sóc hàng ngày, chúng tôi không được phép quên chăm lo cho đời sống tinh thần tụi nhóc mỗi dịp lễ lạt. Mới hôm kia, khi đưa con đến lớp, bố cu Huy nghiêm mặt hỏi tôi: "Cô biết hôm nay sinh nhật cháu không?". Tôi giật mình nhưng vội rạch ngay một nụ cười nghề nghiệp: "Ồ, vậy à, cô sơ ý quá, may mà bố nhắc, không cô cũng quên. Để chiều nay lớp sẽ tổ chức mừng sinh nhật con". Đến chiều, cả lớp hát bài "Hạp bì bớt đây" tưng bừng mấy lần, có chút bánh trái nho nhỏ kèm theo. Quà sinh nhật thì có "quỹ mẹ chồng" chi. Các cô "con dâu" chỉ phải tổ chức thôi mà còn quên thì rõ là đoảng vị còn gì. Hai cô bàn từ nay, tiện thể làm luôn sinh nhật cho cả bọn trong tháng để đỡ quên, đỡ bị nhắc rồi xin lỗi mãi cũng chai mặt.

Không ít "mẹ chồng" quá tin vào trí tưởng tượng của con mình để rồi trách oan cô giáo. Nhớ lần cuối học kỳ, mẹ Anh Nhật hỏi cô: "Hôm qua lớp mình chỉ phát phần thưởng không liên hoan ạ? Tôi hỏi đi hỏi lại mà cháu vẫn bảo thế...". Cô giáo phải lọ mọ đi tìm Anh Nhật trong hàng chục bức ảnh chụp buổi liên hoan đó, rửa ra một tấm đưa cháu đem về cho mẹ xem. Phải để mẹ nhìn tận mắt cảnh ăn uống bề bộn trên tấm ảnh mà bé Anh Nhật đứng giữa cô mới được... minh oan.

Công bằng mà nói, cũng có nhiều "mẹ chồng" thật là tốt. Họ hiểu và thông cảm cho các cô giáo vất vả. Họ lặng lẽ quan sát con mình. Việc gì bỏ qua được, họ sẵn lòng bỏ qua. Những lời nói nhẹ nhàng cảm thông, thái độ tôn trọng, công bằng của "mẹ chồng" khiến cho "nàng dâu" cảm thấy mát lòng, yêu công việc của mình hơn. Mối quan hệ giữa cô giáo và phụ huynh cũng giống như mẹ chồng nàng dâu vậy.

Cả hai cùng có một đối tượng để chăm sóc, để quan tâm: đó là các em bé. Sự bất hoà giữa hai bên rất có thể làm cho đứa trẻ trở thành "nạn nhân trút giận" nếu gặp phải cô giáo nào có tính chấp nhặt hoặc thiếu lòng vị tha. Mong rằng nhiều "mẹ chồng" sẽ đọc được những dòng này để bao dung hơn với các "nàng dâu" của mình.

Theo Tin Tức