Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Mẫu giáo 5 tuổi: Phải biết chữ mới học được?


"Không được dạy chữ trước ở mẫu giáo" là quy định của ngành Giáo dục. Nhưng, theo nhiều giáo viên mầm non (GVMN), tài liệu dạy học lớp mẫu giáo năm tuổi buộc các cháu phải biết chữ trước!

Giáo viên viết thay trẻ để được điểm tốt!
GV minh chứng việc phải biết chữ trước qua hai quyển Cùng khám phá chữ viết và Quan sát và hoạt động dành cho trẻ mẫu giáo năm - sáu tuổi (lớp lá) (NXB Đồng Nai) được Sở GD-ĐT TP.HCM chọn áp dụng tại các trường MN.

Trong sách Cùng khám phá chữ viết, bài "Ở sân chơi" gồm năm phần. Phần một trẻ đồ các chữ "đá", "bò", "bật"; phần hai trẻ nhìn hình vẽ đoán bé sẽ làm gì. Hình quả bóng: trẻ phải viết chữ "đá" bên cạnh; hình ba chiếc lốp xe nằm: chữ "bật" (vô lý, không ai nhún trên lốp xe thì làm sao có thể bật lên?); hình ống hình trụ: chữ "bò" (cũng vô lý nốt). Phần thứ ba, trẻ phải viết chữ "leo" sau chữ "thang", chữ "dây" sau chữ "nhảy", chữ "bóng" sau chữ "đá".

Ảnh chỉ mang tính minh họa

Ở bài "Cảm xúc", trẻ phải quan sát hình gương mặt, rồi viết các chữ "buồn", "vui" theo từng nét mặt. Ở các bài sau, trẻ phải viết nhiều chữ khó như "giường", "bồn tắm", "tủ lạnh", "ánh sáng"... Để đáp ứng những yêu cầu đó, GV phải dạy chữ cho trẻ, hoặc viết thay cho trẻ.

Một GV nói: "Với yêu cầu trẻ học hết lớp lá phải nhận biết 29 chữ cái, chúng tôi có rất nhiều cách mà không cần phải cho trẻ viết, vẽ chữ. GV không dạy được và trẻ cũng chưa đủ khả năng làm theo yêu cầu như trong sách, trừ khi trẻ biết chữ trước. Nhưng đây là tài liệu, là căn cứ để kiểm tra, muốn được điểm tốt, GV phải... làm thay trẻ".

Hiệu trưởng một trường MN ở Q.10 nói: "Nếu GV làm thay cho HS là dạy trẻ gian dối. Vì thế, tôi để sách này vào góc... đồ chơi". Và hậu quả, khi chấm điểm thi đua, trường này đã bị trừ điểm!

Mỗi người hiểu một cách

Bà Kim Thanh khẳng định: bộ sách trên là một trong hàng trăm tài liệu do các công ty biên soạn giới thiệu, Phòng GD MN chỉ xem xét, lựa chọn vì thấy nội dung bao quát, giá cả phù hợp (40 trang, 10.700đ). Nếu các trường thấy không phù hợp, có thể không dùng, hoặc chọn sách khác tốt hơn. Nhưng, các quận huyện cho rằng: bộ sách MN mà các trường đang sử dụng hiện nay là do Phòng GDMN- Sở GD-ĐT biên soạn và "ấn" xuống nên các trường làm sao dám... không dùng!
Trưởng phòng Giáo dục của một quận kể, có một phụ huynh chất vấn: "Sách yêu cầu như vậy là có phải bắt con tôi học chữ trước không?". Sau khi coi kỹ nội dung, bà trưởng phòng đã gọi phó phòng chuyên môn và chuyên viên GDMN tham khảo, cả ba người mới biết "nội dung sách không phù hợp".

Trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Trưởng phòng GDMN, Sở GD-ĐT TP.HCM, chúng tôi được biết, GV không hiểu đúng yêu cầu của sách. Sách cho trẻ "vẽ" lại chữ, chứ không phải viết chữ. Hoạt động này giúp trẻ làm quen với 29 chữ cái. Sách không bắt buộc trẻ phải thực hiện tất cả các yêu cầu mà chỉ làm theo khả năng.

Trong khi đó, các trường MN cho biết: GV chưa từng được hướng dẫn về cách nghĩ, cách hiểu như bà Thanh. Hơn nữa, nếu để các cháu "vẽ" chữ, thì sẽ dễ cầm bút sai. Nhiều GV dạy lớp 1 cho biết, "dễ dạy nhất" là những trẻ chỉ biết mặt chữ cái, và "sợ nhất" với trẻ biết viết chữ nhưng cầm bút sai, tư thế ngồi không đúng.

Ngoài ra, theo các trường MN, quyển Quan sát và hoạt động có hình thức trình bày rối rắm. Như, bài "Quan sát và khám phá", yêu cầu HS tìm cửa sổ và hiên của một biệt thự, nhưng ảnh chụp không rõ các chi tiết nên đến GV cũng... không tìm được. Bản thân chúng tôi cũng bối rối khi xác định những đồ vật ở phía trên, dưới, trái, phải của chiếc ô tô (bài "Cái gì, vị trí nào?"). Nhiều GV cho biết, không thể dạy được bài này nếu không vẽ lại ôtô.

Cũng có nhiều bài học nặng về kiến thức. Chẳng hạn như hình vẽ đưa ra 18 bộ phận cơ thể người, rồi yêu cầu trẻ nối chữ vào ô tương ứng; hoặc nhìn vào ảnh gian bếp để chỉ ra 12 đồ vật khác nhau. Đã vậy, mỗi năm sách lại được chỉnh sửa một số chỗ, khiến sách in năm trước không tái sử dụng được, rất lãng phí.

Theo PN