Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chủ đề 4: Sự động chạm và những cái ôm


Đây là báo cáo khoa học từ dự án chương trình nghiên cứu phát triển giáo dục, được điều hành bởi Học viện Giáo dục và Phát triển Quốc gia về Trẻ em (Trước tuổi đến trường) - Bộ Giáo dục Hoa Kỳ (2001)

Tác giả công trình:
Diane Trister Dodge và Cate Heroman.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần được ôm ấp, vuốt ve. Nhưng liệu các bậc phụ huynh có biết rằng: sự động chạm với bé đóng vai trò vô cùng quan trọng cho sự phát triển và hoàn thiện bộ não?

Ảnh: www.inmagine.com

Các nhà khoa học đã khám phá ra điều gì?

Mỗi khi bạn ôm ấp và vuốt ve bé nhẹ nhàng, một thông điệp yêu thương được truyền đi đến bộ não bé, đồng thời một sự kết nối được thiết lập giữa các tế bào não bộ. Sự kết nối nào giúp bé có thể nói, sự kết nối nào giúp bé có thể nhìn, những kết nối nào quan trọng cho sự cảm nhận, vận động và học hỏi?

Khi bạn chạm vào thiên thần bé bỏng vừa mới sinh của mình, bạn bắt đầu dạy cho bé biết rằng bé được yêu thương và chăm sóc. Các nghiên cứu chỉ ra rằng: những cái ôm, những cái chạm, vuốt ve chủ động của người lớn khiến trẻ mới sinh bình tĩnh, giảm bớt căng thẳng. Một đứa trẻ ôn hòa có thể hiểu được các dấu hiệu, âm thanh, hình ảnh và mùi hương xung quanh mình. Và những kinh nghiệm này sẽ tạo ra các kết nối trong bộ não bé.

Ảnh: nguồn Internet

Những nhà chăm sóc - giáo dục trẻ học được điều gì?

Những nhà chăm sóc - giáo dục trẻ phát hiện ra rằng: những thông điệp cơ thể mà trẻ sơ sinh được tiếp nhận sẽ đẩy mạnh khả năng hàn gắn và phát triển. Nếu con bạn được sinh ra sớm hay cân nặng nhẹ, thì sự ôm ấp vuốt ve thường sẽ làm gia tăng sự thèm ăn ở bé. Điều đó giúp trẻ đạt tới cân nặng được khuyến cáo tại lứa tuổi bé nhanh hơn, và bé sẽ đạt đúng mục tiêu tăng trưởng và phát triển tại lứa tuổi mình. Nếu con bạn bị đau bụng, bạn chỉ cần ôm ấp, chạm nhẹ vào bé, xoa nhẹ quanh vùng rốn hoặc bụng, bạn sẽ ngạc nhiên vì tác dụng xóa tan sự đau đớn và làm bé cảm thấy dễ chịu hơn. Mỗi đứa trẻ có một nhu cầu đặc biệt, ví dụ như với trẻ có vấn đề về tim mạch, có thể bé sẽ cảm thấy tốt hơn nếu được cung cấp những thông điệp tích cực và thường xuyên bởi các chuyên gia. Những người này cũng có thể dạy bạn cách làm thế nào để hình thành những thông điệp yêu thương dành cho con mình.

Bạn có thể làm gì?

Dành thời gian mỗi ngày để ôm ấp bé một cách tình cảm. Nói với bé khi bạn vuốt ve nhẹ nhàng lên tay, chân, lưng, bụng, bàn chân và các ngón tay, ngón chân bé: "Mẹ đang vuốt ve bàn chân xinh xắn của con này, giờ là đến tay nhé!"... động chạm, ôm ấp và lời nói diễn tả giúp bé hiểu mẹ đang tương tác thế nào với bé.

Sự động chạm, ôm ấp và vỗ về của bố giành cho bé cũng không kém phần quan trọng. Người bố càng ôm ấp và giành nhiều thời gian cho con, thì mối quan hệ ràng buộc càng thêm gắn bó, và sự thân mật giữa hai cha con ngày càng tăng lên.

Hãy đầu tư thời gian, tìm hiểu xem con bạn thích gì, thích được đối xử như thế nào. Hãy luôn ghi nhớ rằng mỗi đứa trẻ là một cá nhân khác biệt. Một vài đứa rất nhạy cảm và có thể phản ứng lại khi được cuốn an toàn trong một cái chăn hay được đu đưa lúc lắc. Một số khác lại cần được vuốt ve nhẹ nhàng. Số khác nữa lại phản ứng tốt hơn với một cái ôm vững chắc. Quan sát và xem con bạn phản ứng ra sao với mỗi kiểu tương tác khác nhau của người lớn (đặc biệt là cha mẹ, họ hàng, người thân...), điều gì dường như khiến bé bình tĩnhh hơn? Điều gì làm bé cười? Điều gì khiến bé buồn? Đừng bị phân tâm nếu bé không phản ứng theo những gì bạn mong muốn. Bạn sẽ sớm khám phá ra kiểu tương tác nào mà con mình yêu thích, mong chờ nhất.

Trẻ chỉ có thể phát triển và trưởng thành nhanh chóng khi được ôm ấp, vuốt ve nhẹ nhàng và thường xuyên. Tương tác giúp con bạn cảm thấy an toàn và bình tĩnh, khiến bé có thể tiếp tục học hỏi và phát triển. Khi bạn giành thời gian để ôm bé, bé cảm thấy sự gần gũi đó thật đặc biệt biết bao, và thậm chí bạn có thể nhận thấy rằng mình cũng có cảm giác bình yên hơn, khỏe mạnh lên rất nhiều, tràn trề năng lượng cho cuộc sống.

Ngọc Mai mamnon.com