Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Gần 200 triệu trẻ em suy dinh dưỡng tại các nước đang phát triển


Theo báo cáo vừa được UNICEF công bố ngày 11/11, gần 200 triệu trẻ em sinh sống tại các nước đang phát triển, trong đó hơn 90% sống tại châu Phi và châu Á không được cung cấp đủ dinh dưỡng, dẫn đến nhiều rối loạn phát triển thể chất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số.

Phát biểu trong cuộc gặp gỡ với giới báo chí nhân sự kiện công bố bản báo cáo, Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), bà Ann M.Veneman, tuyên bố: "Nếu chúng ta không xem xét một cách nghiêm túc các nguyên nhân dẫn tới hiện tượng suy dinh dưỡng ở bà mẹ và trẻ em trong giai đoạn hiện nay thì cái giá phải trả sẽ tăng hơn rất nhiều trong tương lai".

Theo UNICEF, hơn một phần ba trong tổng số các trường hợp tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi có liên quan đến suy dinh dưỡng. Nguyên nhân được lý giải là do những trẻ em yếu ớt này không đủ sinh lực, thiếu sức khỏe cần thiết để chống chọi lại với bệnh tật.

Tuy vậy, một thực tế đáng chú ý chính là tình trạng thiếu kinh phí đầu tư cho cuộc chiến chống lại căn bệnh suy dinh dưỡng. Nếu làm một phép so sánh đơn giản, tại châu Phi, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã dành khoản ngân sách cho cuộc đấu tranh chống lại bệnh HIV/AIDS cao hơn khoảng 6 lần so với chi phí dành cho cuộc chiến chống bệnh suy dinh dưỡng.

Thời gian vừa qua, cộng đồng thế giới đã ghi nhận các tiến bộ tương đối khả quan được thực hiện tại châu Á, với tỷ lệ trẻ em bị phát triển rối loạn đã giảm từ con số 44% trong năm 1990 xuống 30% trong năm 2008; song tình hình lại chưa mấy lạc quan tại châu Phi: tỷ lệ này đã chỉ giảm từ 38% trong năm 1990 xuống 34% trong năm ngoái.

Tháng 9/2000, Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua 8 Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) với ý kiến phê chuẩn của 190 quốc gia thành viên, cam kết thực hiện. Một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu là giảm 2/3 tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi trong giai đoạn 1990 - 2015.

Theo ĐCSVN