Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nhà trẻ cho con công nhân các khu công nghiệp: Bao giờ hết thiếu?


Trường Mầm non Liên Cơ (huyện Sóc Sơn), nơi gửi trẻ của nhiều lao động nữ tại các KCN trên địa bàn. Ảnh: Huyền Linh
Nhà trẻ cho con em công nhân - chuyện tưởng như rất nhỏ nhưng đang là nỗi bức xúc của công nhân ở nhiều khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất. Thực tế, đến nay nhà trẻ vẫn quá thiếu, khiến đời sống của người lao động, đặc biệt là lao động nữ, vốn đã nhiều vất vả, nay lại thêm gánh nặng lo toan.

Quá tải nhà trẻ khu công nghiệp
Đó là thực trạng tồn tại nhiều năm nay tại các trường mầm non ở xã Kim Chung, huyện Đông Anh cũng như một số KCN khác trên địa bàn thành phố Hà Nội. Từ khi KCN Thăng Long đi vào hoạt động trên địa bàn xã, số lượng công nhân trẻ đổ về mỗi ngày một đông, đến thời điểm này đã lên tới trên 20.000 người, gần gấp đôi số dân của xã Kim Chung. Tất cả mọi thứ đều phình ra nhưng chỉ có một thứ duy nhất là nhà trẻ thì không được xây thêm.

Hơn 30.000 người dân và công nhân, phần lớn trong độ tuổi lao động, đồng nghĩa với tuổi sinh đẻ, chỉ trông chờ vào ba điểm nhà trẻ của thôn Bầu, thôn Hậu và thôn Thượng. Với cơ sở vật chất và điều kiện của một xã vùng ven, trường mầm non của xã Kim Chung cũng chỉ đáp ứng được một phần là con của dân địa phương. Phần ít còn lại dành cho con của công nhân tại KCN.

Hiện Kim Chung có 3 trường mầm non nhưng có tới trên 800 cháu, chủ yếu nhận các cháu mẫu giáo từ 2, 3 tuổi. Riêng trường thôn Bầu có tới 400 cháu. Thấy được nỗi bức xúc của công nhân ở KCN về tạm cư tại địa phương, UBND xã đã kiến nghị với chính quyền huyện mở thêm một trường mầm non ở khu Đông thôn Bầu. Nhưng cái khó nhất là xã không còn quỹ đất dự phòng. Điều này đồng nghĩa với việc, tình trạng quá tải ở các lớp học mầm non ở xã Kim Chung vẫn còn tiếp diễn và công nhân hiện đang trọ ở KCN vẫn canh cánh nỗi lo.

Mô hình cần nhân rộng
Chứng kiến một buổi học của cô và trò trường mầm non của Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp, chúng tôi thấy các cháu đang được chăm sóc và nuôi dạy trong một môi trường sư phạm, cộng với sự gần gũi, gắn bó giữa các cô với bố mẹ các cháu. Các cô nuôi đều tốt nghiệp các trường sư phạm, có chuyên môn, ngoài việc hưởng lương của ngành giáo dục, các cô còn được công ty trả lương theo hiệu quả kinh doanh của công ty. Với hơn 800 công nhân, trong đó có gần 400 công nhân nữ, thì trường mầm non của công ty thực sự tạo được cho họ sự yên tâm gắn bó với công ty. Chị Dương Thị Minh Thắm, công nhân xưởng lắp ráp đã 12 năm, có 2 con đều gửi nhà trẻ công ty. Chị Thắm cho biết, cả hai vợ chồng chị đều là công nhân, gửi con ở nhà trẻ công ty vừa tiện đường bố mẹ đưa đi, đón về, vừa được công ty hỗ trợ, trung bình mỗi tháng chỉ phải đóng 200.000 đồng/tháng. Lợi nhất là nếu mẹ làm thêm ngày nghỉ, tăng ca cũng không lo vì các cô ở nhà trẻ cũng trông các cháu ngoài giờ.

Trong những năm qua, dệt may là một trong những ngành cạnh tranh khốc liệt nhất về giá cả, nhưng mô hình nhà trẻ ở Tổng Công ty May 10 vẫn duy trì 26 cô giáo và tiền đóng chỉ từ 250.000 đến 300.000 đồng/tháng/cháu cho thấy nếu đơn vị thực sự muốn duy trì nhà trẻ, họ vẫn làm được.

Từ thực tế ấy, ông Đặng Quang Điều, Trưởng ban Kinh tế - Chính sách, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, khi phê duyệt quy hoạch KCN lớn cũng như khu đô thị, cần phải có nhà trẻ, bệnh viện, khu vui chơi cộng đồng. Đó cũng là một cách chăm sóc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ.

Theo HNM