Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giáo viên mầm non: ít người, lắm việc


Công việc quá nặng nề cộng với thù lao quá thấp khiến ngày càng ít người đi vào ngành giáo dục mầm non. Tình trạng thiếu giáo viên mầm non ngày càng trở nên trầm trọng.

Giáo viên mầm non kiêm luôn công việc của bảo mẫu. Trong ảnh: giáo viên Trường mầm non Măng non, Q.2 chải tóc cho HS trước khi ra về-Ảnh: H.HG.

Hơn 18g một ngày giữa tháng 11, chúng tôi đến Trường Mầm non quận Tân Bình, TP.HCM. Sân trường chỉ còn chú bảo vệ nhưng tất cả các lớp vẫn sáng đèn. Tò mò, chúng tôi chạy lên xem: các cô giáo (hầu hết tốt nghiệp đại học) đang quét, lau dọn phòng học, chà nhà vệ sinh, lau bụi cửa sổ, kệ cửa, đồ chơi... Thậm chí có cô phải sang lớp khác bưng từng thau nước về lớp mình chùi rửa vì "bữa nay cúp điện, nước ở phòng này yếu quá, sang lớp khác xin cho nhanh".

Giáo viên "3 trong 1"

Tuyển bảo mẫu thay thế
Tình trạng thiếu giáo viên mầm non đã kéo dài nhiều năm nay trên địa bàn TP.HCM nhưng xem ra tình hình vẫn không có gì sáng sủa. Để đối phó, các trường đành phải tuyển bảo mẫu vào làm thay thế. Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh - trưởng phòng giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM, ở những trường công lập, thay vì một lớp yêu cầu phải có hai giáo viên thì nhiều trường chỉ có một giáo viên và một bảo mẫu. Còn ở một số nhóm trẻ tư thục thì nhiều lớp chỉ có bảo mẫu chứ không có giáo viên. Công việc quá vất vả cộng với thù lao quá thấp nên các trường sư phạm khó thu hút thí sinh giỏi vào học ngành giáo dục mầm non.
Cứ tưởng đây là trường hợp đặc biệt. Nhưng không! Hầu hết giáo viên mầm non trên địa bàn TP.HCM đều phải kiêm luôn những nhiệm vụ trên. Cô Đinh Thị Kim Phượng - giáo viên lớp gấu bông, Trường mầm non Măng non, Q.2 - bộc bạch: "Lớp không có bảo mẫu, nhân viên phục vụ chỉ quét dọn hành lang và sân đã hết ngày. Những việc còn lại trong phòng học giáo viên phải tự vệ sinh cho sạch sẽ".

Không những thế, nhiều giáo viên còn phải bắc ghế, leo thang lau từng cánh quạt, ô cửa sổ và tưới cây, cắt lá vàng, tỉa cành... cho cây kiểng phía trước lớp học mình phụ trách.

Một ngày làm việc của giáo viên mầm non thường bắt đầu từ 6g30 và kết thúc lúc 18g hoặc 18g30 tùy từng trường. "Nhưng khi về nhà chưa hẳn đã kết thúc, vẫn phải làm sổ sách và soạn giáo án, làm đồ dùng dạy học. Chương trình mới yêu cầu giáo viên phải soạn giáo án theo chủ đề ngắn, tham khảo khắp nơi mới nghĩ ra một chủ đề, rồi làm đồ dùng, tìm tranh ảnh...

Khâu chuẩn bị mất ba ngày thì sử dụng nó được năm ngày, xong lại phải nghĩ ra chủ đề khác" - một giáo viên lớp chồi ở Q.Bình Thạnh tâm sự.

Nỗi khổ tâm nhất của giáo viên mầm non là công tác quan sát trẻ và tham gia hàng loạt phong trào, nói như một giáo viên: "Nếu một lớp có 30 HS thì hai cô giáo có thể thay phiên nhau quan sát (để nắm bắt đặc điểm tâm sinh lý HS). Đằng này 50 HS một lớp, chưa kể giờ chơi của cháu cô phải tranh thủ giặt khăn, lau dọn phòng... Thế nên cô phải tự nghĩ ra rồi ghi vào sổ quan sát để cấp quản lý kiểm tra. Chưa hết, một năm học có đến hàng chục phong trào lớn nhỏ, cái gì cũng ấn xuống bắt giáo viên tham gia".

Thiếu trước, hụt sau
Vì thế, chuyện "hụt" giáo viên là chuyện thường ngày ở... trường. Ngay cả những trường lớn như Mầm non 27, Q.Bình Thạnh cũng không tuyển thêm được giáo viên. "Hiện trường chỉ có đủ giáo viên đứng lớp chứ không có giáo viên dự khuyết.

Bữa nào có cô đi họp, đi học là ban giám hiệu hoặc bảo mẫu, nhân viên phục vụ phải vào làm thế. Mà đặc thù ngành mầm non chỉ có cô giáo mới biết tính khí từng cháu để chăm sóc. Bởi vậy nên các cô có đau ốm cũng chỉ xin nghỉ nửa ngày đi khám bệnh, buổi chiều lại vào dạy tiếp. Đến việc tổ chức lễ cưới các cô cũng chờ đến dịp hè, chứ cưới trong năm học mà nghỉ 5-7 ngày đi tuần trăng mật thì lấy ai chăm sóc cháu" - bà Võ Thị Phượng, hiệu trưởng Trường Mầm non 27, cho biết.

Không những thế, rất nhiều giáo viên mầm non trên địa bàn thành phố đang phải học nâng chuẩn (để đạt trình độ đại học) vào thứ bảy và chủ nhật mỗi tuần. Một hiệu trưởng lo lắng: "Về lâu dài sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng chăm sóc cháu. Cả tuần cô đã mệt rã rời với công việc ở trường suốt từ sáng đến tối. Có hai ngày nghỉ lại phải đi học thì làm sao bảo đảm sức khỏe và hạnh phúc gia đình".

Theo Tuổi Trẻ