Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nhiễm khuẩn liên cầu nhóm B


Khoảng 10% thai phụ có khuẩn liên cầu nhóm B (Group B streptococcus - GBS) ở vùng kín hoặc vùng trực tràng. Tỷ lệ nhiễm bệnh ở bé có mẹ mắc GBS là 1/100.

Đa số phụ nữ mắc GBS nhưng không biết, vì nó hiếm khi có triệu chứng rõ rệt. Trong quá trình chuyển dạ, vi khuẩn gây bệnh sẽ truyền vào bé qua chất dịch của mẹ.

Khuẩn liên cầu ở bé sơ sinh

- Giai đoạn sớm: Khoảng 80% bé (nhiễm bệnh từ mẹ trong quá trình chuyển dạ) xuất hiện triệu chứng của bệnh trong vòng 7 ngày. Có trường hợp, bệnh khởi phát trong vòng 6h đầu tiên sau khi bé chào đời.

Giai đoạn sớm, bé xuất hiện những triệu chứng như viêm phổi, nhiễm trùng máu hoặc ít phổ biến hơn là viêm màng não (nhiễm khuẩn ở màng, bao quanh bộ não của bé).

- Giai đoạn muộn: Bệnh khởi phát sau 7 ngày đến 3 tháng khi bé chào đời. Triệu chứng bệnh ở giai đoạn muộn bao gồm viêm màng não.

Phát hiện và điều trị GBS trong thai kỳ

Trong những tuần cuối của thai kỳ, bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra xem người mẹ có mắc GBS hay không. Nếu dương tính với GBS, thai phụ sẽ được điều trị bằng kháng sinh, không ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé. Một số trường hợp, kháng sinh được chỉ định cho nhóm người mẹ có nguy cơ mắc GBS bao gồm:

- Có tiền sử sinh con bị GBS.

- Bị nhiễm trùng đường tiểu do GBS khi mang thai.

- Chuyển dạ sớm (chuyển dạ trước tuần thứ 37).

- Sốt cao trong quá trình chuyển dạ.

Theo Mevabe