Ngay khi chào đời, bé có thể quan sát được xung quanh. Khi lớn lên, đôi mắt giúp bé ghi nhận thông tin về thế giới xung quanh; sau đó, thông tin được đưa lên não xử lý và dẫn bé tới những hành động như học ngồi, bò, đứng và học đi. Quá trình phát triển Trong những tháng đầu tiên, thị giác của bé đã khá tốt nhưng phải đến 6-8 tháng, bé mới có thể quan sát mọi vật như thị giác của người lớn. Quá trình phát triển thị giác của bé như sau: Lúc mới chào đời, mắt bé rất kém dù bé có thể nhận biết được ánh sáng, hình dạng và những chuyển động. Bé chỉ có thể quan sát đồ vật trong cự ly 20-30cm, bằng với khoảng cách khuôn mặt của cha mẹ khi bế bé. Điều này giải thích vì sao, các bé rất chăm chú với khuôn mặt của bố mẹ, nhất là ánh mắt của bố mẹ với hai màu đối lập đen - trắng. Giai đoạn 1 tháng tuổi: Lúc này, khả năng phối hợp giữa hai mắt còn kém nên thỉnh thoảng, mắt bé lại đi "lang thang". Một thời gian tiếp theo, bé mới học cách tập trung vào một vật bằng cả hai mắt. Một cái lục lạc đưa ngang qua mặt bé sẽ khiến bé ngạc nhiên; bạn cũng có thể chơi trò với mắt bằng cách ghé đầu bạn xuống thật gần mặt con, nhìn qua từ bên trái sang bên phải... Giai đoạn 2 tháng tuổi: Bé có thể nhìn được màu sắc nhưng hơi khó để phân biệt những gam màu tương tự như vàng và cam. Màu tương phản trắng - đen hoặc những màu có độ đối lập cao thì dễ cho bé nhận biết hơn. Tuy nhiên, giai đoạn 2-4 tháng tuổi, sự nhận diện những màu khác biệt ở bé chưa rõ ràng; vì thế, bé cũng bị nhầm lẫn giữa những hình dạng gần giống nhau. Để kích thích thị giác cho con, bạn có thể để bé nhìn vào những bức tranh rõ màu, những tấm ảnh hoặc đồ chơi có màu rõ nét. Giai đoạn 4 tháng tuổi: Thị giác tốt hơn cho phép bé quan sát những đồ vật ở xa hơn. Cùng với sự phát triển kỹ năng của đôi tay, bé thích dùng tay kéo những bộ phận trên cơ thể mẹ như tóc, tai hay mũi mẹ. Giai đoạn 5 tháng tuổi: Lúc này, bé có khả năng quan sát tốt đồ vật nhỏ và những thứ chuyển động. Bé còn có thể nhận diện được đồ vật sau khi chỉ quan sát một phần của món đồ đó. Giai đoạn 8 tháng tuổi: Thị lực của bé đạt khoảng 20/40, cho phép bé quan sát đồ vật khá rõ, tương tự như người lớn. Lúc này, thị giác phát triển đủ để bé nhận diện người hoặc con vật đi ngang qua phòng. Vai trò của cha mẹ Nhiều nghiên cứu chứng minh, các bé thích ngắm khuôn mặt cha mẹ hơn màu sắc hay đồ vật; vì thế, bạn hãy gần gũi với con hơn (nhất là sau khi sinh) để bé dễ dàng nhận ra đặc điểm của mẹ. Khoảng 1 tháng tuổi, có thể đưa những món đồ qua mặt bé để bé quan sát. Bạn có thể mua đồ chơi nhưng cũng nên tận dụng những đồ vật trong gia đình: Di chuyển một chiếc vòng đeo tay hoặc một cái thìa nhựa từ bên này sang bên kia khuôn mặt của bé; sau đó, di chuyển chúng theo chiều lên - xuống. Điều này sẽ thu hút sự chú ý của bé. Dấu hiệu cần lo lắng Bé có thể đuợc kiểm tra thị giác thường xuyên để phòng những trục trặc về mắt. Nếu càng phát hiện muộn, bệnh về mắt ở bé càng khó chữa. - Nếu bé không thể tập trung vào đồ vật (hoặc khuôn mặt mẹ) với cả hai mắt trong giai đoạn 3-4 tháng tuổi, bạn nên đưa bé đi khám. - Những bé sinh non có nguy cơ cao mắc các bệnh về mắt như loạn thị, lác mắt... nên cha mẹ cần chú ý. - Ngoài ra, cần đưa bé đi khám nếu: Bé khó khăn khi cử động mắt; mắt bé nhìn chéo liên tục; một (hoặc hai bên) mắt có xu hướng lồi ra... Theo Mevabe |