Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giáo viên mầm non phải bỏ tiền làm thiết bị dạy học


Một giờ học của học sinh mầm non

Thiết bị dạy học tự làm của cấp học mầm non, phổ thông cần rất nhiều nhưng kinh phí đầu tư chưa đủ. Giáo viên nhiều khi phải tự bỏ tiền để mua những nguyên vật liệu làm đồ dùng dạy học.

Bộ GD&ĐT vừa triển khai xây dựng đề án "Phát triển thiết bị dạy học tự làm cấp học mầm non, phổ thông". Dự thảo đề án này đã được đưa ra để lấy ý kiến góp ý rộng rãi trong Hội thảo khu vực phía Bắc về phát triển thiết bị dạy học (TBDH) tự làm cấp học mầm non, phổ thông diễn ra sáng 8/12.

Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, tổng kinh phí thực hiện đề án là 700 tỷ đồng, trong đó, 680 tỷ đồng được sử dụng cho các hoạt động tại trường công lập (số kinh phí ở địa phương hàng năm vẫn được sử dụng để phục vụ các hoạt động tự làm TBDH và sửa chữa, mua sắm bổ sung các TBDH đã được trang bị).

Từ năm 2010 - 2011 sẽ chọn năm tỉnh, thành phố để tham gia thí điểm (100% các trường công lập). Tổng kinh phí chi cho các hoạt động trong giai đoạn này là 80 tỷ đồng (trong đó kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động tại trường học khoảng 75 tỷ).

Giai đoạn 2012 - 2013 sẽ tổ chức tập huấn đại trà tự làm TBDH cho 63 tỉnh, thành phố. Kinh phí triển khai trong giai đoạn này là 620 tỷ đồng, trong đó phần kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động tại các trường học hàng năm khoảng 610 tỷ. Từ năm 2014 trở đi sẽ sử dụng kinh phí thường xuyên của địa phương

Tại hội thảo, bà Vi Thị Giao - Trưởng phòng Mầm non Sở GD&ĐT Lạng Sơn đề nghị, nên hỗ trợ cho cấp học mầm non ít nhất ngang bằng (hoặc cao hơn) các cấp học khác.

Còn theo bà Trần Thị Bắc, Trưởng phòng mầm non Sở GD&ĐT Hòa Bình, thu nhập thấp nhưng giáo viên mầm non nhiều khi phải tự bỏ tiền mua nguyên vật liệu làm đồ dùng dạy học. Hầu hết họ phải làm đồ dùng dạy học ngoài giờ lên lớp, vào ngày nghỉ, thậm chí nhờ cả chồng, con giúp đỡ.

Bà Bắc cho biết thêm, việc tự tạo đồ dùng dạy học phần nào ảnh hưởng đến đời sống của giáo viên, trong khi chưa có sự hỗ trợ từ phía nhà nước.

Bà Đặng Minh Hằng, Trưởng phòng Tiểu học Sở GD&ĐT Hải Phòng chia sẻ, hiện nay, thời gian của giáo viên chưa nhiều. Họ dạy hai buổi/ ngày, thời gian cả ngày gần như dành hết cho các hoạt động lên lớp, chấm, chữa bài và các hoạt động ngoại khóa, các hoạt động giáo dục ngoài giờ học. Vì vậy, thời gian dành cho hoạt động tự làm TBDH chưa nhiều.

Tránh lãng phí
Theo ông Nguyễn Xuân Trường, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, tự làm TBDH thực chất là hoạt động chuyên môn, mang tính trí tuệ; việc làm này phải trên cơ sở bảo quản, khai thác tốt những thiết bị đã có, cùng với đó là bổ sung thiết bị thiếu và khắc phục những thiết bị sản xuất đồng loạt chất lượng chưa tốt, chưa sát với nhu cầu dạy học...

"Phát triển thiết bị dạy học tự làm là rất cần thiết, nhưng vấn đề quan trọng là làm thế nào cho hiệu quả, đi vào thực chất, tránh lãng phí" - ông Trường cho biết.

Góp ý cho đề án, ông Trường cho rằng, việc quan trọng nhất là phải hướng dẫn cơ sở làm gì và làm như thế nào, từ đó có những hệ thống các nhiệm vụ giải pháp.

Các giải pháp đáng lưu ý là tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp quản lý giáo dục và giáo viên về phát triển đồ dùng dạy học tự làm; xây dựng được một hệ thống văn bản pháp quy, xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về phát triển đồ dùng dạy học tự làm; tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên về kiểm định và làm các thiết bị này; có cơ chế thu chi và cơ chế xã hội hóa, cuối cùng là làm tốt công tác thi đua khen thưởng.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, phong trào tự làm đồ dùng dạy học dù không bắt buộc đối với giáo viên nhưng việc chỉ đạo tổ chức phong trào phải là việc bắt buộc đối với những người quản lý giáo dục các cấp.

Thứ trưởng cũng cho biết, hai nhóm giải pháp dự kiến cũng được nhóm ban biên soạn đề án nêu ra là nhóm giải pháp có tính chất hỗ trợ và nhóm giải pháp để động viên.

Giải pháp hỗ trợ là làm thế nào cho nhà quản lý có điều kiện để tổ chức phong trào này một cách thường xuyên; hỗ trợ bằng văn bản quy phạm pháp luật; bằng văn bản chỉ đạo của Bộ và những văn bản chỉ đạo của các cấp quản lý như Sở, phòng GD&ĐT; hỗ trợ bằng tạo điều kiện về mặt kinh phí để tổ chức phong trào...

Theo Tiền Phong