Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nhóm, lớp mầm non tư thục khu vực ngoại thành đang bị thả nổi


Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện nay khu vực phía Tây Hà Nội có một số lượng nhóm, lớp mầm non tư thục tương đối lớn: chỉ có 4 trường mầm non tư thục, còn lại là gần 480 nhóm, lớp tư thục với gần 9000 cháu. Tuy nhiên, việc quản lý các nhóm, lớp này lại chưa thực sự được chính quyền địa phương chú ý.

Qua kiểm tra cho thấy, các cơ sở giáo dục này đều hoạt động dưới hình thức là nhóm trẻ gia đình và lớp mẫu giáo tư nhân nên khó tìm thấy một cơ sở mầm non tư thục nào đáp ứng đủ các yêu cầu về cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học cho bậc mầm non. Phần lớn cơ sở, đặc biệt ở các nhóm, lớp chỉ đủ diện tích cho các cháu chơi quẩn quanh trong khuôn viên học tập, ăn và ngủ. Có nơi, lớp học là nhà kho cũ chật chội, ẩm và thiếu ánh sáng. Đồ chơi thì gần như là những thứ phế liệu các cô tự tạo ra.

Không chỉ thiếu về cơ sở vật chất, các nhóm, lớp mầm non tư thục này luôn trong tình trạng bị động về đội ngũ giáo viên. Có nhiều cơ sở thay giáo viên liên tục, có cô ký hợp đồng được 1, 2 tháng là nghỉ, không ít giáo viên hầu như chưa từng học qua khóa nào về giáo dục mầm non. Nguyên nhân là do lương thấp, nhiều nơi giáo viên làm việc 12 giờ/ngày nhưng chỉ nhận lương 600.000 đồng/tháng. Thiếu người bắt buộc chủ cơ sở phải tuyển thêm giáo viên, nên tất yếu sẽ có những người chưa qua đào tạo được nhận vào làm.

Theo quy định phòng GD&ĐT, các quận, huyện chịu trách nhiệm quản lý, chỉ đạo chuyên môn đối với các cơ sở mầm non tư thục, còn cấp giấy phép hoạt động lại do chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, trong thực tế ở nhiều địa phương, hiện các cở sở mầm non tư thục đều đang hoạt động dưới cơ chế thả nổi, tự thành lập khi có nhu cầu và tự giải tán và chính quyền địa phương không quan tâm.

Có một nghịch lý đang tồn tại ngay từ quan niệm của đa số người dân, đặc biệt là ở vùng nông thôn là việc chăm sóc trẻ lứa tuổi mầm non là công việc người phụ nữ nào cũng làm được, vì phụ nữ nào cũng từng chăm sóc con cái mình. Điều này khiến cho các điểm trông trẻ tư nhân mọc lên như nấm, , ngay như ở khu vực Hà Tây cũ có đến hơn 8000 trẻ đang theo học tại loại hình này. Chính những nguyên nhân này đã khiến cho nhóm trẻ em mầm non tư thục phải chịu nhiều thiệt thòi khi phải đối mặt trước nguy cơ tổn hại về thể chất cũng như tâm lý do chăm sóc không đúng cách. Những nguyên nhân trên cũng do cả chủ quan và khách quan, nhưng trong đó cũng phải nói đến trách nhiệm của chính quyền cơ sở và nhà quản lý giáo dục chưa thấy rõ quyền của trẻ em nên tỷ lệ đầu tư cho giáo dục mầm non ở nhiều địa phương rất thấp.

Để từng bước tháo gỡ những bất cập của hệ thống giáo dục mầm non tư thục ở ngoại thành, Sở GD&ĐT đã tham mưu với thành phố đầu tư, mở rộng thêm nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ở các trường mầm non công lập, bán công. Đồng thời yêu cầu các trường mầm non công lập hoặc bán công nằm trên địa bàn nơi có lớp mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình hoạt động phải thường xuyên hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện của các cơ sở mầm non về chăm sóc, nuôi dạy trẻ theo đúng quy định. Cùng với đó việc thực hiện đề án phát triển giáo dục mầm non Hà Nội đến năm 2020 cũng sẽ góp phần giúp hơn 8000 trẻ em này cơ hội học tập tốt hơn.

Theo KTĐT