Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

'Nặng gánh' với đồ dùng dạy học


Với đồng lương ít ỏi, giờ làm việc quá tải, sắp tới giáo viên mầm non sẽ phải "gánh" thêm nhiệm vụ làm đồ dùng dạy học. Nhiều giáo viên lo ngại sẽ lao vào cuộc đua thành tích khi phải tham gia các hội thi đồ dùng dạy học theo quy định của Bộ GD- ĐT.

Bộ GD-ĐT vừa triển khai xây dựng Đề án "Phát triển thiết bị dạy học tự làm cấp học mầm non, phổ thông". Theo đó, trong giai đoạn 2010 - 2011, mỗi trường mầm non tham gia thí điểm sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng.

Dễ nhưng mất nhiều công
Ở bậc học mầm non, cùng với những thiết bị dạy học tối thiểu được trang bị hằng năm, nhiều giáo viên thời gian qua đã tận dụng những vật liệu sẵn có để "chế" đồ dùng dạy học... Gần như 100% các trường tại TP HCM hiện phải "tự nguyện" làm để phục vụ giảng dạy. Có trường phải huy động phụ huynh ủng hộ nguyên liệu hoặc kinh phí để làm đồ dùng dạy học. Nhưng, theo bà Vũ Thị Thanh Vân, Hiệu phó Mầm Non Thành phố, "không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện hỗ trợ và phối hợp cùng giáo viên".

Giáo viên Mầm non quận 11 cùng học trò tự làm đồ dùng dạy học. Ảnh: Nguyễn Thủy

Có mặt tại Mầm Non quận 11, chúng tôi mới có dịp hiểu thêm một ngày làm việc của giáo viên mầm non. Chị Ngọc Thảo, giáo viên dạy lớp chồi đang miệt mài cắt từng hình vẽ, còn các bé đang "giúp việc" bằng cách tô màu cho các con thú. Khi tiếng trống tan trường vang lên, từng phụ huynh vào đón bé ra về, mình cô ngồi lại với những hình vẽ còn dở dang.

Tổng kinh phí thực hiện Đề án "Phát triển thiết bị dạy học tự làm" là 700 tỷ đồng và triển khai từ 2010-2014, trong đó phần kinh phí hỗ trợ trực tiếp các hoạt động tại trường học chiếm phần lớn.

Trong hai năm 2010 và 2011, mỗi trường mầm non tham gia thí điểm sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng, tiểu học 15 triệu đồng, THCS 20 triệu đồng, THPT 25 triệu đồng. Trong giai đoạn tiếp theo, mức hỗ trợ này sẽ được triển khai đại trà ở 3.950 trường mầm non, 15.000 trường tiểu học, 669 trường phổ thông cơ sở, 9.868 THCS, 1.735 trường THPT.

Một ngày làm việc của giáo viên mầm non Thảo bắt đầu từ 7h sáng và kết thúc lúc 17h, chưa kể tối "chạy show" đi học liên thông trình độ ĐH; trở về nhà lại loay hoay với đống đồ dùng dạy học tự chế. Tuy được hỗ trợ tiền mua học phẩm, văn phòng phẩm và thiết bị dạy học, nhưng để tiết học sinh động hơn và đúng với dụng ý bài giảng của mình, chị Thảo cho biết mỗi tháng vẫn thường bỏ thêm gần 200.000 đồng để đầu tư làm đồ dùng dạy học.

Cẩn trọng với "bệnh thành tích"
Bà Hoàng Thị Thu Hằng, Hiệu phó Mầm Non Vành Khuyên, quận Thủ Đức cho biết: Kinh phí đầu tư cho khoản mua sắm đồ chơi ở các trường mầm non thường không đủ. Do đó, nhà trường, giáo viên tự gói ghém thu chi để làm thêm đồ dùng dạy học. Các nhà quản lý của bậc học mầm non thường ví von: "Kinh phí đầu tư cho giáo dục giống như cái chăn hẹp, trong đó, mầm non chỉ là phần chân nên phải co lại mới vừa".

Bà Trương Thị Việt Liên, Hiệu trưởng Mầm Non quận 11 cho rằng, đề án trên sẽ khuyến khích giáo viên tăng cường tự làm đồ dùng dạy học với sự hỗ trợ từ phía Bộ. Tuy nhiên, cần nhận thức rằng, làm đồ dùng dạy học là để phục vụ tiết học hiệu quả hơn và tiết kiệm phần nào chi phí mua sắm trang thiết bị dạy học, chứ không phải để thi thố trường này, trường kia hay chạy theo thành tích.

"Do đó, đề án của Bộ đề ra các hội thi đồ dùng dạy học tự làm và sử dụng kết quả hội thi để đánh giá giáo viên, tôi e rằng sẽ gây áp lực cho giáo viên và đặt nặng vấn đề thành tích thi đua cho các trường", bà Liên nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, bà Vũ Thị Thanh Vân, Hiệu phó chuyên môn Mầm Non Thành phố cho rằng, cán bộ quản lý của trường mầm non không nên bắt ép giáo viên bỏ thời gian, công sức, tiền bạc để làm những đồ dùng dạy học quá cầu kỳ, phức tạp không cần thiết và gây lãng phí.

Bà Tôn Nữ Kim Anh, Hiệu trưởng Mầm Non Bến Thành cũng cho biết: "Với đề án của Bộ, nhà trường và giáo viên phải hiểu và vận dụng cho khéo, nếu không lại chạy theo thành tích và gây lãng phí".

Theo Báo Đất Việt