Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Phát triển tình cảm – xã hội cho trẻ nhà trẻ.


Một trong những mục tiêu giáo dục của trẻ giai đoạn 12 -36 tháng là phát triển tình cảm xã hội cho trẻ. Như vậy, trẻ lứa tuổi nhà trẻ có cần phát triển tình cảm - xã hội không và phát triển như thế nào?

Phát triển tình cảm - xã hội cho trẻ lứa tuổi nhà trẻ nhằm giúp hình thành cho đứa trẻ khả năng cảm nhận và biểu lộ cảm xúc của bản thân với người khác, với sự vật và hiện tượng gần gũi xung quanh. Hình thành cho trẻ tình cảm gắn bố với người thân, biết nghe lời và làm theo sự chỉ dẫn của người lớn. Khả năng thể hiện cảm xúc qua một số hoạt động: tô màu, múa, hát, đọc thơ, vẽ v.v...

Bên cạnh đó việc phát triển tình cảm - xã hội cho trẻ lứa tuổi nhà trẻ còn nhằm bước đầu hình thành ở trẻ tính tự tin, tự lực trong hoạt động đưn giản hàng ngày.

Như vậy, phát triển tình cảm - xã hội cho trẻ lứa tuổi nhà trẻ là một việc làm cần thiết nhằm giúp đứa trẻ mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp, biết bản thân mình là ai? biết mối quan hệ với những người xung quanh: ba mẹ, cô giáo, bạn bè.v.v.. ngoài ra trẻ còn biết biểu lộ cảm xúc của bản thân với con người, sự vật, hiện tượng xung quanh: vui mừng, hớn hở, sợ hãi, bực bội, cảm nhận cái đẹp trong các sự vật, hiện tượng xung quanh trẻ.

Việc phát triển tình cảm xã hội cho trẻ, đầu tiên cần phải có một môi trường để trẻ phát triển: môi trường đó là cô giáo, là bạn bè, là những người xung quanh trẻ, môi trường càng phong phú thì việc phát triển tình cảm - xã hội cho trẻ càng phát triển và trẻ nhanh chóng có được các kỹ năng xã hội nhất định.

Trẻ càng lớn, nhu cầu giao tiếp của trẻ ngày càng đòi hỏi cao hơn và rộng hơn. Chính vì vậy, môi trường giao tiếp hạn hẹp trong gia đình không thể đáp ứng nhu cầu giao tiếp và phát triển của trẻ. Có giao tiếp, có học hỏi, khám phá thì mới phát triển được tình cảm - xã hội - một trong những nội dung quan trọng trong việc giáo dục trẻ ở độ tuổi nhà trẻ.

Việc đưa trẻ đến trường không chỉ mở rộng môi trường giao tiếp và môi trường hoạt động cho trẻ, mà chính trong quá trình hoạt động, giao tiếp sẽ hình thành kinh nghiệm sống và các kỹ năng cơ bản trong một số hoạt động đơn giản hàng ngày. Trẻ dám mạnh dạn nói lên điều trẻ nghĩ, trẻ muốn. Ngoài ra, khi thoát ra khỏi môi trường hạn hẹp là gia đình, người trông trẻ, hoạt động trong môi trường trường lớp, cô giáo và bạn bè sẽ hình thành ở trẻ sự tự tin và tự lực trong các hoạt động đơn giản. Từ đó hình thành ở trẻ các kỹ năng sống ban đầu mà chỉ có ở trường trẻ mới có được.

Để phát triển tình cảm - xã hội cho trẻ là cần thiết và cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình để xây dựng cho trẻ nền tảng phát triển tốt nhất và qua đó, hình thành ở trẻ kỹ năng sống ngay từ những năm tháng đầu đời của trẻ.

Quỳnh Giao.mamnon.com