Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cảm lạnh ở bé


Do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên các bé rất dễ bị cảm lạnh, dẫn tới nhiều bệnh khác. Đặc biệt, khi bé thích chạm (hoặc mút) đồ vật thì nguy cơ mắc virus cảm lạnh càng cao. Bàn tay nhiễm virus sau đó được bé đưa vào miệng, chạm vào mũi hoặc dụi mắt, virus gây bệnh sẽ xâm nhập vào cơ thể.

Các bé có xu hướng dễ bị ốm hơn vào mùa thu đông bởi không khí lạnh, khô ảnh hưởng đến hệ hô hấp, khiến virus dễ di chuyển vào trong cơ thể qua con đường này. Hơn nữa, mùa đông là thời điểm, bé thường ở trong phòng nhiều, tiếp xúc với nhiều người và virus dễ lây lan từ người này sang người khác.

Nhiều bé có thể mắc cảm lạnh đến 6 lần trong một năm. Nếu bé được gửi ở nhà trẻ có điều kiện vệ sinh không tốt thì tần suất mắc bệnh có thể tới 10-12 lần/năm (con số trung bình với người trưởng thành là 2 lần/năm).

Nhận diện cảm lạnh

Nếu mắc cảm lạnh, bé thường bị chảy nước mũi với dịch mũi màu trắng trong; tuy nhiên, những tuần tiếp theo, dịch mũi sẽ chuyển sang màu xám, vàng hoặc xanh. Bé có thể bị kèm theo ho hoặc sốt nhẹ.

Nếu bé tiếp tục sốt, bạn cần lưu ý đặc biệt tới con. Nếu bé vẫn vui chơi và ăn uống như bình thường (hoặc chỉ kém ăn hơn một chút) thì có thể bé bị cảm lạnh. Nếu bé bị mắc kèm theo tiêu chảy hoặc nôn trớ thì có thể bé đang bị bệnh khác, nghiêm trọng hơn.

Nếu mắt của bé có biểu hiện sưng (mọng nước) thì có thể bé đang bị dị ứng. Dấu hiệu đặc trưng kèm theo là hắt hơi liên tục, ngứa ngáy trên da kéo dài. Ngoài ra, bé còn bị chảy nước mũi với dịch mũi trong nhưng dị ứng không làm bé bị sốt và thường khởi phát vào mùa xuân, hè hay đầu thu.

Điều trị

Thuốc tiêu diệt virus được kê đơn từ bác sĩ là cách giúp bé thoát khỏi cảm lạnh nhanh nhất. Tất nhiên, bạn cũng cần chăm sóc sức khỏe cho con như để bé nghỉ ngơi và tăng cường chế độ dinh dưỡng. Với bé dưới 4 tháng tuổi, sữa mẹ là thức ăn chính. Trên 4 tháng tuổi, bé có thể ăn dặm và uống thêm nước đun sôi để nguội; 6 tháng tuổi, bé uống được nước quả.

- Cần vệ sinh khoang mũi cho con thường xuyên bằng dung dịch nước muối sinh lý. Bạn có thể tiến hành công việc này khoảng 15 phút trước khi cho con bú. Vì như thế, bé sẽ dễ dàng thở và mút sữa hơn. Tránh dùng thuốc mũi dạng xịt cho bé trừ khi có chỉ định từ bác sĩ. Thuốc loại này có tác dụng tạm thời nhưng về lâu dài, nó gây tác dụng ngược với hệ hô hấp của bé.

- Bạn cũng có thể dùng máy tạo độ ẩm để duy trì độ ẩm trong phòng của bé. Hoặc khi đưa bé vào phòng tắm, bạn có thể bật nước nóng, khép cửa tắm và ngồi xông hơi với con trong vòng 5-10 phút. Tắm nước ấm cũng có tác dụng tốt với bé.

- Kê gối cao hơn một chút hoặc đặt thêm một chiếc khăn mỏng giữa gối và đệm cho bé. Độ nghiêng từ gối giúp làm giảm sự khó chịu của đường hô hấp. Nhưng không được kê gối cao quá vì nó sẽ khiến bé khó ngủ.

Lưu ý: Những loại thuốc chữa cảm lạnh thường được chống chỉ định cho bé dưới 6 tháng tuổi vì nó có thể gây phản ứng phụ. Ngoài ra, khi muốn dùng thuốc cho con, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ thật cẩn thận. Nếu bé bị sốt, bác sĩ có thể cho bé dùng acetaminophen hoặc ibuprofen loại dành cho bé.

Biện pháp tự nhiên trị cảm lạnh: Nhỏ vài giọt tinh dầu bạc hà (menthol oil); tinh dầu khuynh diệp (eucalytus oil) hoặc tinh dầu cây thông (pine oil) vào chậu nước tắm của bé có tác dụng giảm ngạt mũi. Trà hoa cúc (chamomile tea) loại dành cho bé, được pha ấm cũng tốt cho bé khi bị cảm lạnh.

Dấu hiệu cần đi khám

Với bé dưới 3 tháng tuổi, bạn cần đưa bé đi khám ngay khi có dấu hiệu đầu tiên của bệnh.

Khoảng 3-6 tháng tuổi, bé sốt cao là triệu chứng đặc biệt nguy hiểm cần được đi khám sớm. Với bé trên 6 tháng tuổi thì sốt cao cũng là dấu hiệu không thể bỏ qua.

Ngoài ra, dù bé ở độ tuổi nào thì những dấu hiệu dưới đây cũng cần được đi khám sớm:

- Các triệu chứng của bệnh không được cải thiện và mỗi ngày mỗi nặng hơn; cảm lạnh kéo dài 1-2 tuần liên tục.

- Ho nặng và thở khò khè có thể là dấu hiệu của viêm phổi.

- Khóc khi bú, kéo tai có thể là triệu chứng của nhiễm trùng tai.

Cách phòng tránh

Không thể phòng tránh hoàn toàn cảm lạnh nhưng những gợi ý dưới đây giúp bé hạn chế được cảm lạnh:

- Trước tiên, cần đảm bảo người mẹ (hoặc thành viên trong nhà) rửa tay sạch trước khi bế bé (đặc biệt là bé sơ sinh).

- Cách ly bé khỏi những bé khác (hoặc người lớn) đang bị ốm.

- Tăng cường chất lỏng cho con. Sữa mẹ với bé 4 tháng tuổi là nguồn dinh dưỡng quan trọng. Tuy nhiên, sau độ tuổi này, bạn cần cho con uống thêm nước lọc, từng chút một.

- Khói thuốc lá thụ động (trong nhà có người hút thuốc thì khói thuốc lá có thể vương trên bàn ghế, quần áo, chăn màn...) có thể gây trục trặc cho hệ hô hấp của bé. Nhóm bé sống trong nhà có người hút thuốc lá dễ bị cảm lạnh và mắc cảm lạnh kéo dài hơn.

- Cho bé ti mẹ càng lâu càng tốt. Các nghiên cứu chứng minh, sữa mẹ có chất củng cố hệ miễn dịch, giúp cơ thể bé chống lại virus gây bệnh.

 Theo Mevabe