Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Từ dung tục trong một tác phẩm cho thiếu nhi


"Chuyện kể rằng, một hôm, mẹ Đinh Bộ Lĩnh đi tắm tại động Hoa Lư, chẳng may bị con rái cá cực lớn hãm hiếp", là một phần lời tại trang 14 cuốn truyện tranh Thuở hàn vi của Đinh Bộ Lĩnh, một tác phẩm dành cho thiếu nhi, của NXB Giáo dục.

Phần tranh đi kèm thể hiện một con vật được hiểu là rái cá, to như người, có dáng đi thẳng trên hai chân sau, xông tới gần một phụ nữ đầu không có tóc, đang tỏ ra sợ hãi.

Khó chấp nhận
Một nội dung như vậy xuất hiện trong sách của Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục dành cho thiếu nhi khiến nhiều người không đồng tình.

Ngôn từ dung tục trong tác phẩm văn học thiếu nhi.

Theo Tiến sĩ (TS) Trịnh Đình Tùng, Hội Giáo dục Lịch sử nhận xét, truyền thuyết này có nhiều dị bản. Chuyện xuất thân Đinh Bộ Lĩnh có "dây dưa" với rái cá cũng là một trong số đó và có thể chấp nhận được. "Tuy nhiên, dùng từ "hãm hiếp" là không nên, bởi có thể ảnh hưởng đến tính giáo dục đối với thiếu nhi", ông nói. Cũng theo ông Tùng, điều này khiến các em hiểu rằng Đinh Bộ Lĩnh là "con hoang".

Theo GS Tô Ngọc Thanh, "nói và vẽ như thế cho trẻ em là tục tĩu, quá đáng", vì nhận thức của trẻ em còn non nớt và dễ bị gây ấn tượng mạnh. GS cho rằng, ngoài chọn lọc kỹ lưỡng về từ ngữ, tuyệt đối tránh viết cụ thể những từ như trong cuốn truyện nói trên.

GS Nguyễn Huệ Chi, chủ biên bộ Truyện truyền kỳ Việt Nam, loại sách nghiên cứu công phu dành cho người lớn, ngỡ ngàng khi biết chi tiết rái cá hãm hiếp trong cuốn Thuở hàn vi của Đinh Bộ Lĩnh. "Sao lại đưa những chi tiết như thế vào truyện cho trẻ em làm gì? Tại sao lại vẽ hình ảnh đó? Không nên một chút nào vì độc giả là trẻ em, chứ không phải người lớn. Làm thế là phản giáo dục", GS Huệ Chi nói.

Nên kể thế nào cho trẻ?
Theo GS Tô Ngọc Thanh, có nhiều cách kể cho trẻ về những truyền thuyết tương tự. Cụ thể, trong chuyện này, tác giả chỉ nên viết: "Vì quê hương của Đinh Bộ Lĩnh gần sông, nên nhiều truyền thuyết cho rằng cha của Đinh Bộ Lĩnh là rái cá thần". Ngoài ra, ông cho rằng nên chọn lọc cả về nội dung. Chẳng hạn, có truyền thuyết cho rằng Đinh Bộ Lĩnh là con của rồng thần, sách nên kể theo bản đó.

GS Huệ Chi cũng nói: "Người biên tập cũng như NXB phải biết lựa chọn, không nên để lọt nội dung như vậy". Theo ông, có rất nhiều điều hay về Đinh Bộ Lĩnh có thể kể cho trẻ em mà không hề tạo cảm giác dung tục.

TS Trịnh Đình Tùng cho rằng, hoàn toàn có cách điều chỉnh câu chữ cho "nhẹ hơn, hay hơn". Ngoài ra, theo một số nhà nghiên cứu, do sự kính trọng đối với các nhân vật lịch sử, tích truyện dân gian thường giải thích họ có nguồn gốc thần linh. Chẳng hạn, truyền thuyết Núi Cổ ngựa làng Kênh gà, một dị bản của câu chuyện trên, cho rằng rái cá là thần nước hiện ra.

Trả lời Đất Việt, ông Nguyễn Quý Thao, Phó tổng giám đốc NXB Giáo dục nói, ông đã nhận được thông tin về vấn đề này và "đang cho người kiểm tra". Ông Thao khẳng định: "Nếu sai, NXB sẽ sửa ngay".

Ông Ngô Huy Toàn, Phó trưởng phòng thanh tra Báo chí - Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết sẽ kiểm tra ấn phẩm này có bị "bán cái" (liên kết xuất bản) hay không. Nếu đã "bán cái", NXB rất khó kiểm soát nội dung và đây là vấn đề nan giải trong lĩnh vực xuất bản. Theo ông Toàn, những nội dung vi phạm sẽ bị xử lý theo Luật Xuất bản.

Theo Báo Đất Việt