Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đầu năm “nóng” với bệnh hô hấp trẻ em


Bệnh nhi bị viêm hô hấp đang được điều trị tại BV Nhi Đồng 2.

Theo quy luật, tại miền Nam, mỗi năm, đỉnh cao của bệnh hô hấp thường kéo dài từ tháng 8 đến tháng 10, có khi kéo dài sang tháng 12.

Tuy nhiên, năm nay, số lượng các bệnh hô hấp ở trẻ em không giảm theo quy luật, mà ngược lại có xu hướng tăng so với cùng kỳ.

Ngược quy luật!
Tại khoa Hô hấp BV Nhi Đồng 1, trong ngày 4.1, khoa đã tiếp nhận và điều trị nội trú cho 290 trẻ bị viêm hô hấp. Trong khi tổng số giường thực kê của khoa này chỉ vỏn vẹn có 90 nên BV phải bố trí 2-3 trẻ nằm chung một giường, thậm chí trẻ bị bệnh còn tràn ra ngoài hành lang.

Bác sĩ (BS) Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa Hô hấp - cho biết, do thời tiết vào những ngày cuối năm diễn biến bất thường đã tạo điều kiện thuận lợi cho virus hô hấp phát triển. Đặc biệt nhất là loại virus hợp bào hô hấp (RSV) gây nên tình trạng trẻ mắc bệnh ở đường hô hấp tăng cao với viêm tiểu phế quản, viêm phổi, viêm thanh quản...

Biểu hiện thường gặp ở trẻ viêm tiểu phế quản là trong 1-2 ngày đầu rất giống với nhiễm siêu vi (sốt, ho), nhưng đặc biệt ở bệnh này trẻ ho rất dữ dội, giống như ho gà và trẻ sẽ trở nặng ở ngày thứ ba, thứ tư nếu không điều trị tốt.

Được biết, mỗi ngày, BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận khám, điều trị cho từ 4.500-5.500 lượt bệnh nhi. Vào những ngày cao điểm, số lượng bệnh đến khám lên đến 6.000 - 7.000 trẻ. Mỗi BS làm việc tại phòng khám mỗi ngày phải khám cho từ 80-100 bệnh nhân.

Tương tự, tại BV Nhi Đồng 2, BS Vũ Quang Vinh - Phó phòng Kế hoạch tổng hợp BV - cho biết, số lượng trẻ đến khám và điều trị tại BV trong những ngày nghỉ lễ tăng so với bình thường. Trong ngày lễ Tết dương lịch, BV tiếp nhận trên 3.800 trẻ đến khám. Trong đó, hai bệnh đang nóng nhất trong thời điểm cuối năm tại BV là hô hấp và tiêu hóa. Mỗi ngày, trẻ mắc hô hấp đến khám khoảng 300 trường hợp.

Những cách xử lý sai lầm
BS Trần Anh Tuấn khuyến cáo, nhiều trẻ bị viêm tiểu phế quản khi đến khám bệnh bị viêm nhiễm, trầy xước vùng hầu họng vì người nhà thò tay vào họng trẻ móc đàm, thậm chí có trẻ nhập viện với tình trạng miệng đầy máu. Trẻ em dưới 5 tuổi, nhất là trẻ dưới 1 tuổi, dễ mắc bệnh nhất vì sức đề kháng chưa được hoàn thiện.

Do đó, để góp phần giảm các bệnh hô hấp cho trẻ, các bà mẹ cần cho trẻ ăn hoặc bú nhiều lần, giúp trẻ có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ tạo được sức đề kháng tốt. Ngoài ra, nên cho trẻ uống nhiều nước vừa tránh mất nước, tắc đàm (vì cơ thể thiếu nước khiến đàm đặc lại) làm bệnh hô hấp nặng hơn.

Cách phát hiện trẻ bị viêm phổi bằng cách đếm nhịp tim rất đơn giản mà các bậc phụ huynh cần chú ý: Cho trẻ nằm yên, lúc trẻ không khóc, không quấy, vén áo theo dõi nhấp nhô của bụng trong một phút. Bụng trẻ nhấp nhô là tính một nhịp thở. Trẻ dưới hai tháng tuổi: Nhịp thở phải dưới 60 nhịp/1 phút, từ 2-dưới 12 tháng tuổi: Dưới 50 nhịp/1 phút, từ 1 - dưới 5 tuổi: 40 nhịp/1 phút. Nếu trẻ thở nhanh hơn mốc quy định trên thì nên đưa trẻ đi khám bệnh ngay.

Ngoài ra, dân gian cũng có nhiều bài thuốc chữa bệnh cảm ho thông thường rất hay, không gây tác dụng phụ và có thể dùng được cho trẻ sơ sinh như: Tắc chưng đường; tần dày lá đâm lấy nước; nước trà loãng pha kèm với mật ong hoặc hoa hồng bạch hấp đường phèn...

Theo LD