Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ sẽ học được nhiều kỹ năng qua hoạt động lễ hội


Tổ chức lễ hội vui chơi cho trẻ vào các dịp lễ, tết là một hoạt động không thể thiếu trong các trường mầm non. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động này vẫn được tổ chức theo lối cũ vừa tốn kém, mất thời gian, lại không tạo được cơ hội, môi trường học tập giúp trẻ phát triển các kỹ năng và tính sáng tạo.

Vừa qua, chuyên đề “Lễ hội mừng xuân và tết Nguyên Đán” do Phòng Mầm non - Sở GDĐT TPHCM tổ chức tại trường MNBC Quận 11 đã tạo cơ hội cho các trường mầm non được xem trực tiếp, cùng thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm thực tế.

Trước buổi lễ, một đoạn trình diễn sống động về việc chuẩn bị được giới thiệu. Hình ảnh cô giáo “hì hục” trang trí sân khấu, làm đồ dùng...được thay bằng những cái đầu cặm cụi, khuôn mặt lem luốt hết cắt dán làm thiệp rồi lại làm bánh chưng, viết câu đối, vẽ dưa hấu, trang trí cây mai, cây đào…Thế mới biết, việc chuẩn bị không phải diễn ra một tuần, một bữa, không phải các cô giáo vốn khéo tay tập trung làm mà được chia thành các nội dung để trẻ cùng nhau làm trong các hoạt động góc.

   

 Trang trí phông sân khấu

 Cậu vẽ vào tay của tớ rồi nè.

   

 Buột bánh chưng thế nào nhỉ?

 "Cô đồ nhỏ" vẽ câu đối

Một hồi trống rộn rã từ sân trường như báo hiệu mùa xuân đã đến. Lúc này, theo hiệu lệnh của cô giáo, những đôi tay nhỏ lại cùng nhau chuẩn bị cho buổi lễ. Nhóm thì trải thảm, nhóm bày biện sân khấu, trang trí cây, phút chốc cả sân trường đã sẵn sàng chào đón cô tiên mùa xuân và buổi lễ hội được chính thức bắt đầu.

Lễ hội không có những hàng ghế khán giả xếp ngay ngắn, sân khấu dành riêng cho các diễn viên năng khiếu, những phục trang cầu kỳ, đạo cụ phức tạp hay một kịch bản có sẵn. Lễ hội là sự kết nhóm ngẫu nhiên, là trò chơi lật ô số bất ngờ và bạn nào cũng được tham gia biểu diễn, hát thỏa thích, nhảy theo ông địa và múa lân – rồng cùng cô và các bạn trong những giai điệu vui vẻ.

   

 Cùng nhau trải thảm nào!

 Các con có biết bài hát nào về hoa mai không?

   

 Ai cũng là ca sĩ...

 ..và nghệ sĩ múa lân.


Những năm gần đây, việc tổ chức lễ hội toàn trường hoành tráng không được ngành mầm non khuyến khích mà chú trọng việc hướng mục tiêu vào quá trình chuẩn bị. Việc chuẩn bị phải có sự trò chuyện, thảo luận giữa cô và trẻ, tìm hiểu tâm lý, sở thích của trẻ, tạo cơ hội để trẻ cùng làm. Kết quả đem lại của hoạt động không phải là một buổi lễ đẹp mắt mà chính là sự hình thành những kỹ năng trong học tập và những kỹ năng sống như làm việc theo nhóm, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau…

Theo Bà Lê Thị Liên Hoan – Phó Phòng mầm non Sở GD-ĐT TPHCM : Hoạt động lễ hội nên được tiến hành tự nhiên, tạo được không khí tưng bừng, vui vẻ chứ không phải tiến hành đồng loạt theo kiểu trình diễn cho khách xem. Bên cạnh đó, mỗi trường có điều kiện, đặc điểm riêng nên không thể áp dụng rập khuôn theo một hình thức nào mà phải có sự sáng tạo phù hợp để thu hút trẻ.

MT (mamnon.com)