Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Hoàn thành xóa các xã “trắng” về giáo dục mầm non


Năm học 2008-2009, cả nước có hơn 12 nghìn trường mầm non, trong đó 6.191 trường công lập, chiếm tỷ lệ 50,8%; gần 6.000 trường ngoài công lập chiếm 49,2%. Như vậy, mạng lưới trường lớp mầm non được phân bố đến hầu hết các địa bàn dân cư, các vùng miền trong cả nước, đáp ứng phần lớn nhu cầu về chăm sóc giáo dục trẻ trong độ tuổi mầm non.

Số trẻ mầm non nhập học ngày càng tăng
Trong những năm qua, số trẻ đi học mẫu giáo ổn định từ 450.000 - 500.000 cháu, trẻ mẫu giáo ra lớp tăng 100.000 cháu/năm, đặc biệt trẻ 5 tuổi ra lớp tăng nhanh. Năm học 2008-2009, tổng số trẻ đến trường, lớp đạt gần 3,7 triệu cháu, tăng hơn 200.000 trẻ so với năm học trước, trong đó riêng trẻ 5 tuổi ra lớp là 1,32 triệu trẻ, đạt 98,6% số trẻ trong độ tuổi.

Vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc, núi cao và hải đảo từng bước đã mở rộng cơ hội tiếp cận cho trẻ em. Xóa được các xã "trắng" về giáo dục mầm non, tăng thêm 5.600 lớp với 166.700 cháu được hưởng dịch vụ chăm sóc, giáo dục trẻ, tạo điều kiện phát triển bình đẳng cho trẻ em giữa các vùng khó khăn, đảm bảo sự công bằng giới và nhóm trẻ dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, hệ thống trường lớp còn thiếu nên tỷ lệ trẻ đến trường còn chênh lệch khá lớn giữa các vùng. Tỷ lệ trẻ đến lớp đạt mức cao nhất ở các tỉnh Đồng bằng sông Hồng (27% số trẻ trong độ tuổi đi nhà trẻ và 79% số trẻ đi mẫu giáo). Trong khi đó ở các tỉnh ĐBSCL đạt tỷ lệ thấp nhất với 3% với nhà trẻ và 45% với mẫu giáo.

Năm học 2008-2009 vẫn còn 15% số xã mới chỉ có 1 - 2 lớp mẫu giáo học ghép cùng trường tiểu học hoặc đặt tại trung tâm xã, còn những thôn bản xa xôi chưa có phòng để mở lớp mầm non. Chỉ có 13.900 phòng trong tổng số 28.500 phòng học của lớp mẫu giáo 5 tuổi trong cả nước được xây kiên cố, còn lại 2.600 phòng tạm, 790 phòng tre lá, 5.700 phòng học nhờ nhà dân và đình chùa.

Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở các vùng nông thôn và vùng khó khăn còn thấp, phần lớn trẻ em dân tộc thiểu số chưa đảm bảo được vốn tiếng Việt cần thiết để bước vào bậc học phổ thông. Do không có điều kiện được thực hiện đầy đủ chương trình chăm sóc, giáo dục mẫu giáo 3-6 tuổi khiến chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ 5 tuổi diện đại trà còn thấp.

Còn nhiều thách thức trong đổi mới giáo dục trẻ
Trước những thách thức lớn đang đặt ra, Bộ GD-ĐT đã ban hành Chương trình Giáo dục mầm non mới nhằm đổi mới toàn diện nội dung, phương pháp chăm sóc giáo dục trẻ, bao gồm: phát triển thể chất, phát triển nhận thức, phát triển ngôn ngữ, phát triển xã hội và phát triển thẩm mỹ.

Tuy nhiên điều kiện để thực hiện như: đội ngũ giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị đồ chơi,... phục vụ triển khai đại trà ở phần lớn khu vực nông thôn và vùng khó khăn còn chưa theo kịp. Hiện nay, tuy tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo tương đối cao, nhưng phần lớn giáo viên được đào tạo chắp vá, qua nhiều hệ, nhiều loại hình đạo tạo nên năng lực thực tế chưa tương ứng với trình độ đào tạo.

Đời sống khó khăn dẫn đến nhiều giáo viên bỏ nghề, khiến đội ngũ giáo viên mầm non không ổn định và thường xuyên thiếu. Tính đến cuối năm học 2008-2009, giáo viên mầm non còn thiếu khoảng gần 25 nghìn người, trong đó có nhiều giáo viên thuộc vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo.

Chương trình chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ miền núi, vùng cao, vùng dân tộc chưa được nghiên cứu hoàn chỉnh để ban hành chính thức nhằm đáp ứng yêu cầu tăng cường tiếng Việt của trẻ em tại vùng này.

Bên cạnh đó, hiện nay vẫn chưa có Chương trình hay dự án cấp quốc gia nào để hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non. Các chính sách mang tính từ thiện hỗ trợ trẻ em thiệt thòi độ tuổi nhỏ chưa có.

Do vậy, để hoàn thành các mục tiêu giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT đã đề ra nhiều giải pháp như: xây dựng đủ phòng học cho lớp mẫu giáo 5 tuổi ở các xã vùng khó khăn, xây dựng các trường chuẩn tại 62 huyện nghèo (mỗi huyện 1 trường) từ ngân sách Nhà nước; Từng bước nâng cao định mức chi thường xuyên cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi từ 2,2 triệu đồng/trẻ/năm từ năm 2009 lên 7,3 triệu đồng/trẻ/năm vào năm 2015.

Tại các vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, Nhà nước sẽ tổ chức các trường lớp mầm non công lập, đảm bảo 100% kinh phí từ ngân sách, bố trí đủ giáo viên để nâng cao chất lượng giáo dục trẻ ./.

Theo ĐCSVN