Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Sẽ sớm cải thiện đời sống giáo viên


Mục Người trong cuộc báo Tuổi Trẻ ngày 19-1 đăng bài "Giáo viên sợ... tết" nói lên nỗi niềm của thầy cô giáo mỗi khi tết đến không có tiền thưởng để lo tết cho gia đình được tươm tất. Trong ba ngày qua, bài viết này đã nhận được hơn 400 ý kiến phản hồi.

Đa số ý kiến đều mong muốn có cơ chế lương, thưởng hợp lý, xứng đáng với sự cống hiến của các thầy cô.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông TRỊNH THĂNG MẠNH - trưởng ban chính sách xã hội Công đoàn giáo dục VN - cho biết:

Hằng ngày, cô Nguyễn Thị Phượng (Trường cấp I, II Trà Bui, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) phải lội bộ gần 10km để mang cái chữ đến cho các em tại lớp học ghép ở thôn 9. Tiền lương không bao nhiêu nhưng tháng nào cô cũng trích một phần mua kẹo bánh cho các em với mong muốn các em không bỏ học - Ảnh: Đoàn Cường

- Trong phạm vi cho phép, dịp tết năm nay công đoàn ngành chỉ làm được ba điều:
1. Kêu gọi, khuyến khích các địa phương tiết kiệm chi tiêu thường xuyên để chi thưởng tết cho giáo viên, tùy theo thế mạnh của từng địa phương có thể có những giải pháp cụ thể để cải thiện thu nhập cho giáo viên trong dịp tết và giúp đỡ giáo viên khó khăn.
2. Công đoàn ngành hướng dẫn các địa phương nếu điều kiện về tài chính cho phép có thể tổ chức chi lương tháng 13 cho giáo viên theo những mức độ khác nhau.
3. Công đoàn giáo dục VN, lãnh đạo Bộ GD-ĐT sẽ trực tiếp đi thăm, tặng quà cho một số nhà giáo khó khăn ở các vùng miền khác nhau trong thời gian từ nay đến tết.

* Vậy theo ông, việc chi lương tháng 13 cho thầy cô giáo là hoàn toàn có thể được?
- Công đoàn ngành và Bộ GD-ĐT chỉ khuyến khích và hướng dẫn các cơ sở thực hiện, căn cứ vào quy định chung về chi lương tháng 13. Nhưng việc này không thể bắt buộc các địa phương phải thực hiện, mà chỉ trông chờ vào việc tiết kiệm chi tiêu và tình hình ngân sách của các địa phương.
Trên thực tế cũng có một số địa phương tổ chức chi được lương tháng 13 cho giáo viên, nhưng những nơi không có kinh phí thì đành chịu.

* Vậy công đoàn ngành có kiến nghị và đề xuất giải pháp gì trong việc cải thiện đời sống và chăm lo cho giáo viên trong dịp tết, thưa ông?
- Mới đây có một số vấn đề liên quan đến đời sống nhà giáo đã được đưa vào nghị quyết của Quốc hội nhưng chưa thực hiện. Đó là việc bảo lưu chế độ lương, phụ cấp cho những nhà giáo được chuyển sang làm công tác quản lý và quy định về phụ cấp thâm niên cho giáo viên.

Theo quy định được thực hiện từ năm 1993 trở về trước, giáo viên làm việc trong ngành giáo dục từ năm năm trở lên được hưởng phụ cấp 5% lương, mỗi năm được tăng lên 1%, những giáo viên thâm niên lâu có thể được hưởng 20%, giáo viên giỏi có thể được hưởng 25%.

Nhưng từ năm 1993 đến nay quy định này đã bị bãi bỏ, tới đây sẽ được khôi phục. Chúng tôi đã có kiến nghị để đẩy nhanh việc xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn nhằm sớm cải thiện đời sống giáo viên.

Ngoài ra chúng tôi có một số dự án đang trong thời kỳ nghiên cứu về việc cải thiện lương cho giáo viên THPT, giáo viên mầm non ngoài công lập (hiện 50% giáo viên mầm non thuộc các cơ sở ngoài công lập đang chịu bất cập về chế độ lương), nhưng việc này phải có lộ trình, chưa thể thực hiện ngay được.

Bà VŨ THỊ THANH BÌNH (phó chủ tịch Công đoàn giáo dục VN):
Công đoàn ngành sẽ tiếp nhận tiền, quà tết

Cuộc vận động hỗ trợ nhà giáo dịp tết năm trước đã thu được trên 2 tỉ đồng từ các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, cán bộ, giáo viên ở vùng thuận lợi.

Số tiền này đã được chuyển đến những nhà giáo khó khăn ở một số địa phương. Tuy giá trị vật chất không lớn nhưng đây là sự động viên tinh thần rất có ý nghĩa.

Năm nay cuộc vận động này đã được công đoàn ngành GD-ĐT tổ chức rộng hơn, sớm hơn từ đầu tháng 12-2009. Công đoàn ngành sẽ tiếp nhận cả tiền, hiện vật, quà tết...

Tuy nhiên, sự giúp đỡ này cũng chỉ được chuyển đến những giáo viên đặc biệt khó khăn ở các cơ sở giáo dục miền núi. Ngành GD-ĐT không thể có thực lực để chăm lo cho tất cả nhà giáo, những nhà giáo còn nghèo ở khắp cả nước.

Theo Tuổi Trẻ