Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Sinh khí mới cho giáo dục mầm non


Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 9-2-2010 phê duyệt Đề án Phổ cập Giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010-2015. Một sinh khí mới đến với GDMN trước thềm năm mới Canh Dần bởi rất nhiều điều mới, cụ thể và khả thi liên quan đến quyền lợi của giáo viên (GV) và các cháu mầm non. Thực hiện Quyết định này, cũng có nghĩa là chuẩn bị những điều kiện tốt hơn cho các cấp học tiếp theo. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, TS. Nguyễn Thị Nghĩa đã chia sẻ cùng chúng tôi niềm vui ấy. Xin được chuyển đến bạn đọc báo GD&TĐ.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa
PV: Vâng, thưa Thứ trưởng, chúng tôi đã chứng kiến niềm vui ấy trước hết từ cơ quan quản lý chuyên môn của cấp học mầm non, ngay trong những ngày áp Tết Canh Dần. Xin Thứ trưởng cho biết rõ hơn về những nội dung chủ yếu của Quyết định 239-QĐ-TTg?
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Với quan điểm tăng cường hỗ trợ và ưu tiên đầu tư các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên giới theo hướng xây dựng các trường mầm non công lập kiên cố, đạt chuẩn, bảo đảm hầu hết trẻ em năm tuổi được đến trường, lớp mầm non để thực hiện chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày, đủ một năm học; Phổ cập GDMN cho trẻ em năm tuổi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong GDMN nhằm chuẩn bị tốt nhất cho trẻ vào lớp 1 đối với tất cả các vùng miền trong cả nước, Quyết định 239/QĐ-TTg (sau đây gọi tắt là QĐ 239) đã tập trung vào những vấn đề rất cụ thể để thực hiện quan điểm đó.

Để tăng cường huy động trẻ 5 tuổi đến lớp, đối với trẻ em sinh sống ở các xã biên giới, núi cao, hải đảo và các xã có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật, có khó khăn về kinh tế; cha mẹ thuộc diện hộ nghèo thì sẽ được Nhà nước hỗ trợ 120.000đ/tháng (một năm học 9 tháng) để duy trì bữa ăn trưa tại trường; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn học tại các trường mầm non tư thục được nhà nước hỗ trợ một phần học phí.

Tại các vùng khó khăn, miền núi, vùng sâu xa, biên giới hải đảo, các tỉnh vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, từ năm 2010, 100% số trẻ em năm tuổi được học tại các trường công lập. Riêng vùng nông thôn đồng bằng, phần lớn trẻ em được học tại các trường công lập có thu học phí.

Đối với GV mầm non, lực lượng nòng cốt thực hiện thành công Đề án Phổ cập GDMN cho trẻ em năm tuổi, Nhà nước sẽ hỗ trợ ngân sách để thực hiện trả lương cho giáo viên và cán bộ quản lý ở các cơ sở GDMN theo thang bảng lương và nâng lương theo định kỳ. Điều này nghe thì tưởng đơn giản nhưng nó rất có ý nghĩa với GV mầm non hiện nay, trong khi tỉ lệ GV mầm non ngoài biên chế vẫn còn rất lớn. Theo đó, các cơ sở GDMN tư thục cũng phải đảm bảo chế độ lương cho GV không thấp hơn ở các cơ sở GDMN công lập, dân lập và thực hiện đầy đủ chính sách, chế độ cho GV theo quy định hiện hành.

PV: Một trong những giải pháp để thực hiện Phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi có chất lượng là phải thực hiện đổi mới nội dung, chương trình phương pháp GDMN, mà cụ thể hơn là thực hiện Chương trình GDMN mới. QĐ 239 có tạo điều kiện để thực hiện giải pháp này không, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Thực hiện Chương trình GDMN mới là nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, chuẩn bị tốt về mặt tri thức, kỹ năng, thể lực... cho các cháu vững bước vào cấp học tiếp theo. Nhà nước tạo các điều kiện về đội ngũ và CSVC để thực hiện chương trình GDMN mới. Đó là:
Đào tạo nâng chuẩn và đào tạo mới 22.400 GV để bảo đảm đến năm 2015, có đủ GV dạy các lớp mầm non 5 tuổi theo định mức quy định. Tăng 2.000 GV người dân tộc diện cử tuyển cho các vùng khó khăn với nguồn tuyển tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, HS đã tốt nghiệp THPT tại các thôn bản. Xây dựng và mở rộng mô hình dạy tiếng dân tộc cho GV công tác tại các vùng có đồng bào dân tộc thiểu số, cho các giáo sinh cử tuyển trong các trường sư phạm; Xây dựng chương trình, tài liệu chuẩn bị tiếng Việt cho các lớp mầm non 5 tuổi người dân tộc thiểu số.

Về cơ sở vật chất phục vụ cho việc thực hiện Chương trình GDMN mới với các lớp mầm non 5 tuổi, QĐ 239 cũng nêu rõ: Bảo đảm tất cả các xã khó khăn và các vùng dân tộc đều có trường với quy mô ít nhất 3 lớp ở trung tâm và các điểm lẻ có phòng học được xây kiên cố theo hướng chuẩn hoá. Ngoài các phòng học thuộc chương trình kiên cố hoá, theo QĐ 239 sẽ xây dựng bổ sung mới 11.600 phòng học và khoảng 1.570.000m2 khối phòng chức năng theo tiêu chuẩn được quy định tại Điều lệ trường mầm non. Với 62 huyện nghèo thuộc Nghị quyết số 30a của Chính phủ và 24 huyện miền núi của 6 tỉnh giáp Tây Nguyên sẽ xây dựng mỗi huyện 1 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 để làm mô hình và là nơi tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ cho GDMN miền núi khó khăn.

Ngoài ra sẽ trang bị bộ thiết bị tối thiểu cho 39.400 lớp mầm non 5 tuổi, cung cấp 8.800 bộ thiết bị phần mềm trò chơi làm quen với vi tính cho các trường lớp có điều kiện, trang bị 6.600 bộ đồ chơi ngoài trời... để thực hiện Chương trình GDMN mới.

Bảo đảm ngân sách chi thường xuyên cho hoạt động chăm sóc, GDMN 5 tuổi. Đối với vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, Nhà nước tổ chức các trường lớp mầm non công lập và đảm bảo 100% kinh phí từ ngân sách để chi thường xuyên, bố trí đủ GV để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Với các vùng nông thôn, Nhà nước tổ chức các trường, lớp mầm non công lập tự chủ một phần kinh phí hoạt động và bảo đảm từ 75-80% kinh phí từ ngân sách để chi thường xuyên, phần còn lại huy động sự đóng góp của cha mẹ trẻ.

Sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành và hướng dẫn sử dụng Bộ Chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi, nhằm góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ.

Cô trò trường mầm non (ảnh: Internet)

PV: Để QĐ 239 có tính khả thi cao thì ngoài vai trò tổ chức thực hiện Đề án của Bộ GD-ĐT, vai trò trách nhiệm của các cơ quan hữu quan là rất quan trọng. Thưa Thứ trưởng, theo bà thì đâu là vai trò quan trọng nhất?
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Mỗi bộ, ngành, tổ chức có chức năng khác nhau để thực hiện QĐ 239 của Thủ tướng Chính phủ và đều rất quan trọng, bởi giáo dục là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Tuy nhiên, theo tôi, vai trò của UBND các cấp trong việc thực hiện QĐ 239 là hết sức quan trọng và có tính quyết định. Là cấp trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án Phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, UBND các cấp có trách nhiệm cụ thể hoá các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án trên địa bàn, chỉ đạo thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở GDMN; ban hành chính sách phát triển GDMN của địa phương; bảo đảm các điều kiện về đội ngũ, ngân sách, cơ sở vật chất ...; huy động các nguồn lực để thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi có chất lượng.

PV: Có thể nói, QĐ 239 là một quyết định độc đáo, không giống như những Quyết định phê duyệt thực hiện Đề án giáo dục khác. Thứ trưởng có thể cho biết rõ hơn về sự độc đáo này?
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Tôi nghĩ rằng, việc ban hành Đề án Phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi đánh dấu một mốc son mới trong sự phát triển của GDMN, khẳng định vai trò, vị trí của cấp học đầu tiên trong hệ thống giáọ dục quốc dân. Đó là cấp học đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm thẩm mỹ của trẻ em Việt Nam. Trẻ được tiếp cận với GDMN càng sớm, càng thúc đẩy quá trình học tập và phát triển của các giai đoạn tiếp theo. Chính những kỹ năng mà trẻ tiếp thu được qua Chương trình chăm sóc GDMN sẽ là nền tảng cho việc học tập sau này.

Phổ cập GDMN cho trẻ em năm tuổi thể hiện tính ưu việt của chế độ ta và khẳng định thành tựu quốc gia trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ, là cơ sở để Nhà nước tăng đầu tư có hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng GDMN nói chung và trẻ em năm tuổi nói riêng, chuẩn bị cho trẻ em ở mọi vùng miền, đặc biệt là trẻ em vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo có kỹ năng, thể chất và trí tuệ sẵn sàng vào lớp 1.

Quyết định 239 sẽ giải quyết hai vấn đề cấp thiết hiện nay đối với GDMN là việc xây dựng đội ngũ GV, CBQL và cơ sở vật chất trường lớp; sẽ giải quyết được những vấn đề mà Quyết định 149/2006/QĐ-TTg chưa đề cập một cách cụ thể. Theo QĐ 239, sẽ bố trí đủ giáo viên cho các cơ sở GDMN (theo định mức quy định) và có những bước phát triển về chính sách mới cho giáo viên; quy định xây dựng đủ phòng học cho các lớp mầm non năm tuổi; bảo đảm đủ thiết bị và đồ chơi để thực hiện Chương trình GDMN mới (như đã đề cập ở trên); nơi có điều kiện còn được trang cấp các bộ đồ chơi làm quen với tin học, ngoại ngữ.

Quyết định 239 được ban hành đúng vào dịp xuân về, đây là món quà hết sức có ý nghĩa, mang đến niềm vui, nguồn cổ vũ động viên vô cùng lớn lao đối với cán bộ quản lý, giáo viên mầm non; niềm vui, niềm hạnh phúc cho các cháu mầm non, các bậc cha mẹ và toàn xã hội, đem đến sinh khí mới, khởi đầu cho bước phát triển mới của cấp học giáo dục mầm non.

Với những nội dung có vừa có tính toàn diện, vừa có tính cụ thể, được sự đồng thuận hưởng ứng tích cực của toàn xã hội, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, trong đó đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non là lực lượng nòng cốt, tôi tin tưởng rằng Quyết định 239 sẽ được triển khai thực hiện thắng lợi, đến 2015, cả nước sẽ hoàn thành Phổ cập GDMN cho trẻ em năm tuổi, đáp ứng mong đợi của nhân dân.

PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng. Hy vọng bạn đọc nói chung và những người làm GDMN đã có thêm được một niềm vui mới góp vào niềm vui chung trong Tết Canh Dần.

Theo GD&TĐ