Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ hộ nghèo sẽ được hỗ trợ bữa ăn trưa


Trẻ thuộc diện nghèo sẽ được hỗ trợ tiền ăn. Ảnh: HÒA TRIỀU
Cả nước hiện nay còn thiếu trên 24.000 giáo viên và theo chiến lược phát triển giáo dục mầm non đến 2015 thì Việt Nam còn thiếu trên 37.000 phòng học cho trẻ mầm non. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã có buổi trao đổi với báo chí xung quanh những khó khăn cũng như các giải pháp đối với giáo dục mầm non từ 2010-2015.

Thưa bà, mục tiêu đặt ra là huy động tối đa trẻ đến trường mầm non hoặc mẫu giáo nhưng hiện nay, các trường công lập lại không đáp ứng được nhu cầu. Phụ huynh muốn đưa con ra các trường ngoài công lập, nhưng chất lượng của những trường này có thể nói nhiều nơi còn bỏ ngỏ. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung như thế nào để phát triển các trường ngoài công lập?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa: Theo tôi quan tâm, phát triển giáo dục mầm non là trách nhiệm của toàn xã hội. Hệ thống trường công lập hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Nhà nước phải huy động nguồn lực xã hội hóa ở những địa bàn có điều kiện để tạo cho mọi trẻ em có thể đến trường. Hiện nay, có thể nói, ở một số nơi, những trường ngoài công lập còn nhiều bất cập. Bộ cũng đã ban hành quy chế cho các trường ngoài công lập. Việc cấp giấy phép hoạt động cho những trường mầm non ngoài công lập là trách nhiệm của địa phương. Bộ sẽ tăng cường ban hành các văn bản pháp quy, tạo hành lang để cho các cơ sở đó hoạt động và các địa phương hãy căn cứ vào đó mà cho phép các cơ sở mầm non ngoài công lập hoạt động. Bộ cũng sẽ tăng cường kiểm tra các cơ sở mầm non này. Sắp tới, Bộ sẽ tiến hành rà soát lại các văn bản đã được ban hành.

Vậy những chính sách đối với trẻ ở trường công lập và ngoài công lập có bình đẳng không, thưa bà?
Những trẻ em hộ nghèo học ở trường ngoài công lập sẽ vẫn được hỗ trợ như trường công lập. Tất cả trẻ em đều bình đẳng.

Thế còn đối với giáo viên thì sao?
Đối với giáo viên trường công lập thì đã có lương theo quy định. Còn ở trường ngoài công lập, trong đề án cũng nêu rõ, Nhà nước sẽ hỗ trợ để đảm bảo lương của giáo viên không thấp hơn mức lương tối thiểu và phấn đấu cũng sẽ được nâng lương theo định kỳ.

Dư luận cho rằng Nhà nước hiện đang chú ý đào tạo giáo viên từ bậc tiểu học trở lên hơn là giáo viên mầm non. Ý kiến của bà về vấn đề này?
Thực ra hiện nay rất nhiều cơ sở đào tạo giáo viên mầm non. Ở các trường cao đẳng sư phạm địa phương đều có khoa đào tạo giáo dục mầm non. Ở ĐH Sư phạm Hà Nội và TP.HCM còn đào tạo giáo viên mầm non đến trình độ ĐH, thạc sĩ. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu phổ cập giáo dục trẻ 5 tuổi theo như đề án thì phải tăng cường hơn nữa năng lực cho các trường sư phạm. Thứ nhất là nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên tại các trường CĐ, ĐH sư phạm. Phấn đấu đến năm 2015, có 50% giáo viên mầm non của nước ta đạt trình độ CĐ sư phạm.

Việc huy động trẻ đến trường ở các địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Vậy theo bà, việc phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi trong thời gian tới sẽ có những rào cản như thế nào?
Ở khu vực thành thị thì không có vấn đề gì, kể cả việc học hai buổi/ngày. Hiện nay, khó khăn nhất vẫn là những tỉnh, những vùng còn nhiều khó khăn. Ở đó thiếu trường lớp để huy động trẻ, và đa số trẻ em gia đình còn khó khăn. Sắp tới, Bộ sẽ tập trung xây dựng cơ sở vật chất ở những vùng khó khăn, quan tâm cả tới những điểm lẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ đến trường.

Thưa bà, giải pháp để khắc phục những khó khăn trong việc huy động trẻ đến trường hiện nay là gì?
Thứ nhất, phải tuyên truyền phổ biến để toàn xã hội nhận thức được tầm quan trọng của phổ cập mầm non 5 tuổi. Thứ hai là tăng cường huy động trẻ đến lớp bằng nhiều giải pháp. Đây là trách nhiệm của các địa phương. Thứ ba là tăng cường đội ngũ giáo viên. Hiện nay, đội ngũ giáo viên của chúng ta cơ bản đã đủ về số lượng, nhưng vẫn còn những hạn chế về chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, cần đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và những trang thiết bị để phục vụ, hỗ trợ cho việc giáo dục trẻ. Trong đề án phát triển giáo dục trẻ mầm non, chúng tôi có đưa ra mục tiêu hỗ trợ bữa ăn trưa (tương đương 120.000 đồng/tháng) cho những trẻ em con hộ nghèo.

Xin cảm ơn bà!

Theo Báo Giáo Dục