Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi: Ba câu hỏi lớn


Đến năm 2015, Việt Nam phấn đấu đưa được 75% trẻ từ 3 - 5 tuổi đến lớp mẫu giáo; Đến năm 2020, phấn đấu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và có 95 - 97% trẻ 5 tuổi được học hai buổi ngày... Đây là mục tiêu được Bộ GD-ĐT đề ra trong chiến lược phát triển giáo dục mầm non.

Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này, ngành giáo dục cũng như các địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại.

"Xoá trắng" ở vùng "trũng"
Toàn tỉnh Kiên Giang có 149 xã thì có tới 84 xã chưa có trường mẫu giáo. Theo bà Nguyễn Thị Kim Bé, Phó giám đốc sở GD-ĐT Kiên Giang, các cháu mẫu giáo phải học nhờ trong các trường tiểu học (có tới trên 200 lớp mẫu giáo học trong trường tiểu học.

Cũng theo bà Bé thì có thể nói, Kiên Giang là vùng "trũng" của phía Tây Nam Đồng bằng sông Cửu Long. Ở huyện Hòn Đất của tỉnh có 4/14 xã phường không có trường mẫu giáo. Trong 10 trường mẫu giáo của huyện thì có 15 lớp sử dụng phòng của trường tiểu học.

Còn tại tỉnh Cao Bằng, mới chỉ có 74/199 xã có trường mầm non, còn 125 xã chưa có trường mầm non riêng. Hiện toàn tỉnh còn 122 phòng học tạm, 25 phòng học nhờ nhà kho, nhà dân và 253 phòng học nhờ tại các trường phổ thông.

Là một tỉnh mới được tách ra từ tỉnh Đắk Lắk cũ, Đắk Nông hiện vẫn còn ba xã "trắng" trường mầm non. Theo ông Trương Anh, Phó giám đốc sở GD-ĐT của tỉnh, trong tổng số 85 trường mầm non của tỉnh thì mới chỉ có 27 trường có nhà vệ sinh đạt chuẩn.

Con số thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, tính đến 2015, Việt Nam còn thiếu trên 37.000 phòng học cho trẻ mầm non. Hiện tại, cả nước có 130.000 phòng học cho mầm non nhưng phòng học kiên cố chỉ chiếm 37%, bán kiên cố chiếm 42% và tranh tre nứa lá chiếm 21%. Trong khi đó, hiện vẫn chưa có dự án, chương trình mục tiêu quốc gia cho giáo dục mầm non.

Thiếu 24.900 giáo viên
Theo bà Lê Minh Hà, Vụ trưởng Vụ giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT, cả nước có trên 183.000 giáo viên mầm non. Gần 90% đạt chuẩn trở lên và vẫn còn 10% giáo viên chưa đạt chuẩn. Điều quan trọng hơn, theo bà Hà, chúng ta còn thiếu 24.900 giáo viên mầm non.

Bà Nguyễn Thị Kim Bé, Phó giám đốc sở GD-ĐT Kiên Giang cũng cho hay hiện toàn tỉnh còn thiếu 108 giáo viên mầm non. Mặc dù là tỉnh có đội ngũ giáo viên có hộ khẩu tại 63 tỉnh thành trên toàn quốc, nhưng để giải quyết bài toán thiếu giáo viên mầm non, tỉnh đã huy động cả những giáo viên dạy tiểu học 1 buổi vào dạy lớp 5 tuổi.

Chính vì vậy, việc chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên mầm non tại các địa phương là hết sức cần thiết. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng ngoài việc nâng cao chất và lượng đội ngũ giáo viên mầm non thì việc đảm bảo đời sống cho giáo viên ở bậc học này cũng cần được chú ý. Bộ đang soạn thảo đề án để trình lên Bộ Nội vụ, trong đó, đối với giáo viên trường công lập thì đã có lương theo quy định. Còn ở trường ngoài công lập, trong đề án cũng nêu rõ, nhà nước sẽ hỗ trợ để đảm bảo lương của giáo viên không thấp hơn mức lương tối thiểu và phấn đấu cũng sẽ được nâng lương theo định kỳ.

Đồng thời Bộ cũng đặt mục tiêu đến năm 2015, có 50% giáo viên mầm non đạt trình độ CĐ sư phạm.

Huy động trẻ ra lớp: chuyện dài kỳ
Trong khi ở các thành phố lớn hoặc khu đô thị có điều kiện thiếu trường, thiếu lớp để trẻ có thể đến trường thì ở các vùng sâu, vùng xa, huy động trẻ đến lớp lại là một thử thách đối với ngành giáo dục.

Từ thực tế của địa phương mình, bà Bé cho biết, tâm lý "chị giữ em, bà trông cháu" đã khiến tỷ lệ đưa trẻ đến trường của tỉnh không cao. Năm học 2009 - 2010, trẻ ở độ tuổi nhà trẻ ra lớp chỉ chiếm 2.31%, ở độ tuổi mẫu giáo đạt 42.31% và 5 tuổi đạt 95.8%.

Không những thế, quan niệm không cho trẻ đi học mầm non vẫn được vào lớp 1 hiện đang là rào cản lớn để huy động trẻ đến trường.

Báo cáo của Bộ GD- ĐT cũng cho thấy, năm học 2008 - 2009, có 20% trẻ ở độ tuổi nhà trẻ được đến lớp và ở mẫu giáo đạt 79%. Trẻ 5 tuổi từng ra lớp đạt 98.1% nhưng bao gồm cả số trẻ chỉ học 36 buổi, dự thính tiểu học.

Mục tiêu đặt ra đến năm 2015, nâng tỷ lệ trẻ dưới 3 tuổi (độ tuổi nhà trẻ) đến nhà trẻ đạt 30%, trẻ 3-5 tuôi đến lớp mẫu giáo đạt 75%.

Đề án phát triển giáo dục trẻ mầm non mà Bộ đưa ra muốn trở thành hiện thực thì phải có "lời giải" thích đáng cho ba vấn đề nêu ở trên. Tuy nhiên, nội dung này lại được Bộ đề cập khá sơ sài./.

Theo Tổ Quốc