Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

TPHCM: Nhiều bé mắc lại bệnh chân tay miệng


Số bé nhập viện do bệnh tay chân miệng tại TP HCM tăng lên từng ngày, nhiều bé đã mắc bệnh này rồi vẫn mắc lại. Nếu phát hiện muộn, bé có thể bị phù phổi, biến chứng não và tử vong trong vài giờ.

Ngày 13/4, hai bệnh viện nhi tại TP HCM điều trị nội trú cho gần 60 bé mắc bệnh tay chân miệng nặng. Các bác sĩ cho biết, bệnh này rất dễ nhầm với viêm phổi, dại, yếu chi, sốt xuất huyết, dị ứng, nhiễm trùng, nhiễm virus...

Nhiều bé mắc 5-7 lần
Ngồi chờ bác sĩ tái khám, mẹ cháu Tú (6 tháng tuổi) cho biết, lúc đầu chị chỉ thấy một vết đỏ ở chân con, nhưng tưởng do kiến cắn. Chỉ khi bóng nước nổi khắp toàn thân, chị mới phát hiện con mình mắc bệnh tay chân miệng. Hiện cháu đang Bệnh viện Nhi Đồng 2 theo dõi để ngừa biến chứng.

Chỉ trong tháng ba, bệnh viện này đã tiếp nhận điều trị cho 163 ca bệnh nặng trong tổng số 1.507 bé đến khám bệnh, tăng hơn gấp đôi so với tháng trước đó. Bác sĩ Nguyễn Châu Việt (Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2) cho biết, từng tiếp nhận một số bé mắc bệnh này tới 5-7 lần.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1) cảnh báo, bé từng mắc tay chân miệng vẫn có thể mắc lại như thường. Đáng lo ngại, nhiều người vẫn lầm tưởng mắc bệnh rồi sẽ không bị lại nên chủ quan.

Chỉ có 10% bé mắc tay chân miệng xảy ra biến chứng nhưng rất khó phát hiện sớm nếu không được chú ý. Bé biến chứng não thường không hôn mê sâu mà có những triệu chứng khó nhận thấy như khó ngủ, quấy khóc liên tục, giật mình lúc thức giấc, hay lúc bắt đầu thiu thiu ngủ. Dễ thấy hơn là bé có biểu hiện hoảng hốt, nói lảm nhảm, chới với, run chi, co giật. Một số bé còn xuất hiện triệu chứng sốt cao, nôn nhiều, da nổi bông, mạch nhanh, yếu tay chân, méo miệng.

Thường gặp ở bé dưới 5 tuổi
Bệnh tay chân miệng xảy ra vào hai đợt trong năm, tháng 2-4 và tháng 9-12. Bệnh thường gặp ở bé dưới 5 tuổi, nhất là học sinh các lớp mẫu giáo, nhà trẻ. Bệnh lây lan rất nhanh qua đường tiêu hóa với thời gian ủ bệnh trung bình 3-6 ngày. Do chưa có văcxin nên cách phòng bệnh tốt nhất là bảo đảm vệ sinh trong ăn uống.

Theo bác sĩ Việt, bé mắc bệnh phải được nghỉ học, tránh tiếp xúc với các bé khác do bệnh rất dễ lây khi tiếp xúc các chất tiết dịch mũi miệng, nước bọt, hắt hơi. Giáo viên cần nhắc nhở học sinh rửa tay thường xuyên, vệ sinh bàn ghế, sàn nhà sạch sẽ, mở cửa thoáng mát.

Nếu thấy bé nổi bóng nước có kích thước 2-10 mm, màu xanh, hình ô van ở vùng mông, gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân và thường ấn không đau, phụ huynh phải đưa bé đến ngay bác sĩ để được thăm khám. Khi nổi bóng nước, bé có thể sốt nhẹ. Bóng nước còn xuất hiện trong miệng, gây đau và bỏ ăn. Bóng nước sẽ tự xẹp sau 5-7 ngày hết bệnh. Theo bác sĩ Khanh, một số bé còn kèm nôn, tiêu chảy ngay khi nổi bóng nước hay khi bóng nước đã xẹp. Phần lớn các trường hợp bệnh sẽ tự khỏi, nên cho ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, chia thành nhiều bữa để tránh đau miệng.

Theo Đất Việt