Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Lương giáo viên


Ngày 17.11.2006, tại trụ sở Bộ GD-ĐT, nhân buổi gặp gỡ thân mật các nhà giáo nhân dân và các giáo sư mới được tặng, phong chức danh cao quý, người đứng đầu Bộ GD-ĐT đã nói: "Bộ sẽ trình Chính phủ đề án cải cách tiền lương nhà giáo với lộ trình từng bước, mục tiêu đến năm 2010 nhà giáo có thể sống được bằng lương của mình".

Hàng triệu nhà giáo trong cả nước đã đón nhận lời hứa ân tình ấy với bao nhiêu hy vọng và chờ đợi. Lương nhà giáo quá thấp, không đủ sống đã là một thực trạng trong bao nhiêu năm qua.

Ai cũng biết, chăm sóc giáo dục và y tế chính là thước đo đánh giá sự phát triển của một đất nước, là "phẩm chất ưu việt mặc định" của một chế độ xã hội. Bởi phúc lợi từ giáo dục và y tế hướng tới cho mọi người trong cộng đồng, không phân biệt. Thế nhưng, khi lương giáo viên ở ta trong bao nhiêu năm vẫn là: hệ số lương khởi điểm của giáo viên trung học phổ thông là 2,34 x mức lương tối thiểu (nếu là 650.000đ) = 1.251.000đ. Phụ cấp trực tiếp đứng lớp = 30% lương: 1.521.000đ x 30% = 456.300đ. Trừ tất tần tật các khoản bảo hiểm, các loại phí phải nộp, các loại quỹ bắt buộc phải góp, thì số tiền thực nhận là còn chưa tới 1.800.000 đồng.

Nếu cứ "tuần tự nhi tiến" thì tới năm 47 tuổi, hệ số lương tột khung (bậc 9) của giáo viên trung học phổ thông là 4,98 x mức lương tối thiểu (chẳng hạn 650.000đ) = 3.237.000đ. Cộng và trừ các khoản như đã kê ở trên, số tiền lương thực nhận sẽ còn ngót nghét 3.900.000 đồng. Sau "lương tột khung" giáo viên trung học phổ thông sẽ còn tiếp tục giảng dạy thêm 13 năm nữa mới đủ tuổi về hưu, và chỉ được nhận mức phụ cấp thâm niên không đáng kể.

Thực ra, đối với một giáo viên, thì độ tuổi 40 và 50 chính là độ tuổi "chín" nhất trong nghề nghiệp của họ, độ tuổi mà họ có thể phát huy được cao nhất năng lực giảng dạy của mình. Nhưng cú "đụng trần 47 tuổi" khiến họ như sững lại. Không ai lại "làm thêm" tới 13 năm mà cảm thấy an lòng được!

Khung lương dành cho giáo viên như thế là hoàn toàn bất hợp lý và thiếu cả nhân tình. Chả trách, Bộ GD-ĐT bao lần kêu gọi rồi "dọa" có biện pháp chế tài, nhưng có bao giờ ngăn được tình trạng "dạy thêm, học thêm" đâu!

Hảo vọng từ người lãnh đạo ngành giáo dục muốn tăng lương để nhà giáo có thể sống bằng lương đã thành ảo vọng cho hàng triệu giáo viên, vì từ cái ngày 17.11.2006 ấy tới nay, lương giáo viên không hề được tăng một đồng nào! Những đợt điều chỉnh hay tăng lương tối thiểu là dành cho tất cả công chức, chứ không dành riêng cho giáo viên. Vậy thì, bao giờ lương giáo viên mới thực sự được tăng?

Theo Thanh Niên