Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đề án phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015


Tp Hồ Chí Minh, ngày 8 tháng 6 năm 2010

Phòng Giáo dục Mầm non - Sở Giáo dục và Đào tạo
Thành phố Hồ Chí Minh

Kính gửi: Lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo quận (huyện) đề án Phổ cập giáo dục mầm cho trẻ em năm tuổi - Giai đoạn 2010 - 2015 để các đơn vị nghiên cứu chuẩn bị kế hoạch triển khai.

---------------------------------------------

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐỀ ÁN PHỔ CẬP GIÁO DỤC MẦM NON
CHO TRẺ EM NĂM TUỔI
GIAI ĐOẠN 2010-2015

--------------------

PHẦN MỞ ĐẦU

Giáo dục mầm non (GDMN) là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm thẩm mỹ của trẻ em Việt Nam. Trẻ được tiếp cận với GDMN càng sớm, càng thúc đẩy quá trình học tập và phát triển của các giai đoạn tiếp theo. Chính những kỹ năng mà trẻ tiếp thu được qua Chương trình GDMN sẽ là nền tảng cho việc học tập sau này.

Những công trình nghiên cứu khoa học về sinh lý, tâm lý học xã hội đều khẳng định sự phát triển của trẻ từ 0 - 6 tuổi là giai đoạn phát triển có tính chất quyết định để tạo nên thể lực, nhân cách, năng lực phát triển trí tuệ trong tương lai.

Đến 5 tuổi, trẻ em bắt đầu có nhu cầu khám phá, tìm hiểu tiếp thu kiến thức phổ thông với hoạt động chủ đạo là học tập. Đó là hoạt động hoàn toàn mới mẻ đối với trẻ, ít giống với hoạt động vui chơi. Điều đó đòi hỏi trẻ em năm tuổi phải được chuẩn bị một cách đầy đủ về tâm thế để thích nghi với một giai đoạn mới.

Các nghiên cứu định lượng ở Mỹ và Liên minh Châu Âu cho rằng việc đầu tư cho giáo dục mẫu giáo vừa có hiệu quả cao nhất (tỷ lệ thu hồi cao nhất so với các cấp học khác), vừa giải quyết tốt hơn vấn đề công bằng xã hội. Vì vậy, hiện nay ở phần lớn các nước Châu Âu, giai đoạn giáo dục bắt buộc đã kéo dài thêm một năm, đó là năm mẫu giáo trước khi vào tiểu học.

Các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, VIII, IX đều nhấn mạnh nhiệm vụ "chăm lo phát triển giáo dục mầm non". Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Kế hoạch hành động quốc gia giáo dục cho mọi người 2003 - 2015" với mục tiêu đảm bảo tất cả trẻ em đều hoàn thành một năm giáo dục tiền học đường có chất lượng để chuẩn bị đi học tiểu học.

Quyết định số 149/2006/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển GDMN giai đoạn 2006-2015 nêu rõ: Nhà nước có trách nhiệm quản lý, tăng cường đầu tư cho GDMN; hỗ trợ cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ nhà giáo; đồng thời đẩy mạnh xã hội hoá, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để mọi tổ chức, cá nhân và toàn xã hội tham gia phát triển GDMN. Nhà nước ưu tiên đầu tư cho các vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn; từng bước thực hiện đổi mới nội dung, ph­ương pháp GDMN, gắn với đổi mới giáo dục phổ thông chuẩn bị tốt cho trẻ vào lớp 1, góp phần tích cực, thiết thực nâng cao chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, cho đến nay, việc thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển GDMN ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được mục tiêu mong đợi. Trẻ em năm tuổi chưa được chuẩn bị đầy đủ về kỹ năng, thể lực, về tâm lý sẵn sàng đi học. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chất lượng yếu kém của các cấp học sau.

Nghị quyết số 35/2009/QH12 của Quốc hội khóa XII về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015, xác định: "Nhà nước tiếp tục tăng đầu tư và cơ cấu lại chi ngân sách cho các mục tiêu của giáo dục và đào tạo. Ưu tiên ngân sách cho phổ cập giáo dục tiểu học miễn học phí; phổ cập trung học cơ sở và phổ cập GDMN 5 tuổi, trước mắt còn có thu học phí,..."

Từ tình hình thực tiễn phát triển GDMN, thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ, Quốc hội về phát triển GDMN, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng đề án Phổ cập GDMN cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010-2015 nhằm nâng cao chất lượng GDMN nói chung và trẻ em năm tuổi nói riêng, chuẩn bị cho trẻ em ở mọi vùng miền, đặc biệt là trẻ em vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo có kỹ năng, thể chất và trí tuệ sẵn sàng vào lớp 1.

Nhấn Download để lấy toàn bộ công văn chi tiết