Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trường mầm non quá tải do “heo vàng” đi học


"Heo vàng" đi học, các trường MN đã quá tải lại càng quá tải
Ba năm trước - năm Đinh Hợi (hay còn gọi là năm "heo vàng"), các bệnh viện phụ sản quá tải vì số sản phụ tới sinh con. Và bây giờ, khi "heo vàng" đến tuổi vào lớp mầm, các trường mầm non (MN) lại tiếp tục phải gánh cái hậu quả... quá tải.

Cô Vũ Kim Thảo - Hiệu trưởng Trường MN P.2, Q.Tân Bình cho biết: "Trong những lần họp giao ban hiệu trưởng trường MN, chúng tôi thường nói với nhau mùa tuyển sinh năm nay các trường sẽ quá tải vì "heo vàng" đi học". Quả đúng như vậy, vào vai một phụ huynh đi xin học cho con, chúng tôi đã phần nào cảm nhận được cái sự quá tải này...

Tôi đi xin học cho con
Ngày 23-6, trong vai một phụ huynh, tôi tìm đến Trường MN P.2, Q.Tân Bình hỏi mua hồ sơ xin học cho con. Hiệu trưởng nhà trường Vũ Kim Thảo hỏi tôi: "Chị đọc bảng thông báo chưa?". Tôi trả lời chưa đọc, cô Thảo lại hỏi: "Hộ khẩu của chị ở phường mấy, gia đình có thuộc diện chính sách không?". Tôi trả lời: "Hộ khẩu ở P.2, gia đình không thuộc diện chính sách nhưng bố mẹ của bé đều là cán bộ nhà nước". Nghe xong, cô Thảo tiếp tục hỏi chồng tôi làm việc ở đâu... Sau khi nghe tôi trả lời tất cả các câu hỏi, cô giải thích: "Năm nay nhà trường chỉ nhận 80 cháu từ 13 tháng đến 5 tuổi với điều kiện phải có hộ khẩu ở P.2, Q.Tân Bình. Việc tiếp nhận trẻ theo thứ tự ưu tiên như sau. Ưu tiên một là trẻ 5 tuổi để thực hiện phổ cập giáo dục MN. Tiếp theo là trẻ có anh, chị, em ruột đang học tại trường; trẻ là con gia đình diện chính sách. Cuối cùng mới đến trẻ có bố, mẹ là cán bộ, công nhân viên nhà nước".

Cũng theo cô Thảo, từ ngày 15-6 (bắt đầu phát và nhận hồ sơ tuyển sinh) đến nay, nhà trường đã phải từ chối khá nhiều phụ huynh tới xin học cho con. Một số phụ huynh không hiểu đã cự lại nhà trường, cho rằng nhà trường phách lối không thèm nhận con em của những gia đình buôn bán...

Ngay cổng ra vào Trường MN Lê Thị Riêng, P.Đa Kao, Q.1 là bảng thông báo tuyển sinh năm học 2010-2011. Theo đó, nhà trường nhận trẻ từ 18 tháng đến 5 tuổi với các diện ưu tiên theo thứ tự: trẻ 5 tuổi có hộ khẩu P.Đa Kao; trẻ là con gia đình chính sách, có hộ khẩu P.Đa Kao. Diện trái tuyến chỉ nhận trẻ có cha, mẹ công tác trên địa bàn P.Đa Kao và trong Q.1. Sau khi đọc xong bảng thông báo, theo hướng dẫn của nhân viên bảo vệ, tôi lên lầu 1 để mua đơn. Khác với Trường MN P.2, Q.Tân Bình, Trường MN Lê Thị Riêng bán đơn đại trà - ai mua cũng bán. Đưa cho tôi tờ "Đơn xin học" khổ giấy A4, nhân viên của trường nói: "Từ nay đến ngày 28-6, chị điền đầy đủ thông tin vào đơn, kèm theo bản sao giấy khai sinh của bé, hộ khẩu và nộp cho nhà trường để xét duyệt". Tuy vậy, khi tôi trình bày nhà ở Q.Bình Thạnh, làm việc ở Q.3 thì cô Vũ Thị Thu Hà - Hiệu trưởng nhà trường cho rằng: "Chị nên cho bé học ở Q.Bình Thạnh, chứ học ở đây thì hơi khó. Nhà trường phải dành chỗ cho con, em địa phương".

Căng thẳng như tuyển sinh lớp 1
Năm học 2009-2010, Trường MN P.13, Q.Tân Bình nhận 200 cháu (cả nhà trẻ và mẫu giáo). Từ ngày 16-7-2009, nhà trường dán thông báo chiêu sinh nêu rõ ưu tiên nhận những trẻ có hộ khẩu tại P.13, đối với trẻ KT3 chỉ nhận khi còn chỗ. Do nhu cầu của phụ huynh quá đông, trong khi nhà trường chỉ đáp ứng được một phần nên ngày 6-8-2009, mặc dù mới 3 giờ hàng trăm phụ huynh đã chen lấn, xếp hàng chờ mua đơn xin học cho con. Rút kinh nghiệm, mùa tuyển sinh năm nay Trường MN P.13 đã nhờ UBND phường hỗ trợ Theo đó, phụ huynh có con trong độ tuổi mẫu giáo phải liên hệ với tổ trưởng khu phố đăng ký xin học cho con. Rồi tổ trưởng dân phố trình danh sách trẻ đi học lên UBND phường, UBND phường gửi sang trường. Nhà trường sẽ căn cứ vào đó để phát hành hồ sơ tới phụ huynh. "Tuyển sinh mầm non mà cứ như tuyển sinh lớp 1", chị Đỗ Thu Nguyệt (P.13, Q.Tân Bình) có con 3 tuổi bức xúc.

Tại Q.5, mặc dù có tới 22 trường mầm non công lập và công lập tự chủ tài chính nhưng cũng chỉ đủ chỗ nhận 1.267 cháu dưới 3 tuổi vào nhà trẻ (bằng 25% số cháu trong độ tuổi) và 7.632 cháu trên 3 tuổi vào mẫu giáo (trên 85%). Theo đó, trẻ có hộ khẩu hoặc KT3 ở phường nào thì học tại phường đó. Trong đó ưu tiên trẻ có cha, mẹ là cán bộ, công chức đang công tác tại cơ quan, ban ngành ở Q.5.

Tương tự, các trường MN công lập trên địa bàn Q.Thủ Đức cương quyết "không nhận cháu trái tuyến ngoài quận" - ông Nguyễn Trọng Cường Trưởng phòng GD-ĐT quận cho biết. Không chỉ có vậy, việc tuyển sinh còn được chia làm nhiều giai đoạn. Giai đoạn 1 dành cho trẻ đúng 5 tuổi đăng ký vào lớp lá; giai đoạn 2 dành cho trẻ ở các lứa tuổi khác. Cả 2 đối tượng này đều phải đang cư ngụ cùng cha, mẹ trong địa bàn thu nhận.

Bắt đầu từ năm học 2010-2011 sẽ phổ cập giáo dục MN đối với trẻ 5 tuổi, điều đó cũng có nghĩa các địa phương phải cố gắng huy động 100% trẻ 5 tuổi ra lớp. Q.12 có 4.437 trẻ 5 tuổi nhưng 15 trường MN công lập trên địa bàn chỉ có thể thu nhận được 2.267 trẻ (gần 52%). "Số cháu còn lại đành phải học tại các trường, lớp MN ngoài công lập", ông Trần Trung Hiếu - Trưởng phòng GD-ĐT quận tâm tư. Hay như Q.Bình Thạnh, các trường cả công lập và tư thục chỉ đủ chỗ nhận 72,6%, còn lại cũng phải nhờ nhóm trẻ gia đình "gánh"...

Theo Báo Giáo Dục