Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đã có “thuốc” hạ nhiệt cho giáo dục mầm non năm học 2010-2011 “Kê đơn” và dùng thế nào?


Với vị thế được khẳng định là bậc học quan trọng làm tiền đề cho bậc học phổ thông, năm học 2010-2011 được coi là có nhiều chuyển biến quan trọng với giáo dục (GD) mầm non (MN). Tuy thế, đây cũng là thử thách không nhỏ với nhiều địa phương khi cùng lúc phải giải quyết những khó khăn về trường, lớp, giáo viên (GV) để tiếp tục nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ lại vừa triển khai phổ cập cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi. Thực tế ấy đã được đại diện lãnh đạo các Sở GD-ĐT chia sẻ tại hội nghị tổng kết và triển khai nhiệm vụ năm học mới của Bộ GD-ĐT tổ chức tại Hà Nội ngày 30-7.



Giờ kể chuyện của cô và trò Trường Mầm non Họa My (quận Ba Đình). Ảnh: N.Ánh

Tỷ lệ trẻ ra lớp: Tăng, song không đều
Năm học 2009 - 2010, mạng lưới trường lớp, quy mô của GDMN tiếp tục được củng cố và phát triển. Toàn quốc có 12.711 trường MN, tăng 345 trường so với năm học 2008 - 2009. Trong đó, tỷ lệ trường công lập chiếm 57,8% (7.342 trường), số còn lại là trường ngoài công lập.

Tỷ lệ trẻ ra lớp cũng tăng so với năm học trước - với 21,2% số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ (664.288 cháu - tăng 1,2%) và 80,9% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo (3.114.954 cháu - tăng 1,7%). Đáng chú ý, tỷ lệ trẻ mẫu giáo 5 tuổi được đến trường chiếm 98%, đạt chỉ tiêu đề ra.

Tuy vậy, theo bà Vũ Minh Hà, Vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ GD-ĐT) thì mặc dù tỷ lệ trẻ ra lớp tăng ở tất cả các độ tuổi, song lại không đồng đều giữa các địa phương. Với trẻ mẫu giáo, còn tới 27 tỉnh có tỷ lệ trẻ ra lớp dưới 80%, nhiều nơi kết quả huy động thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình của cả nước như Ninh Thuận (57,3%), Phú Yên (55,7%), Tiền Giang (55,6%), Kiên Giang (44,3%). Đáng chú ý, vẫn còn 3 tỉnh tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt dưới 90% gồm Bình Dương, Cà Mau và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bên cạnh đó, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ MN ở nhiều nơi dù có tiến bộ, song vẫn chưa được như mong muốn. Trong hơn 2,5 triệu trẻ ăn bán trú tại trường, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng là 5,8% ở nhà trẻ (giảm 1,4%) và 6,4% ở mẫu giáo (giảm 0,3%), song đây mới chỉ là tỷ lệ tính trên số trẻ đang theo học. Ước tính, vẫn còn gần 20% trẻ mẫu giáo và gần 80% trẻ độ tuổi nhà trẻ chưa được chăm sóc, giáo dục trong các cơ sở GDMN. Đây là vấn đề khiến không ít cán bộ quản lý đau đầu bởi phải giải quyết mâu thuẫn giữa yêu cầu thu hút ngày càng nhiều trẻ ra lớp và phải bảo đảm chế độ dinh dưỡng, giáo dục trẻ trong điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ thiếu thốn. Vì thế, đề án phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 được phê duyệt tháng 2-2010 với tổng kinh phí 14.660 tỷ đồng (cho 4 dự án gồm xây phòng học, mua sắm trang thiết bị, bồi dưỡng GV và xây trường đạt chuẩn ở vùng khó) đã cơ bản giải tỏa được mối lo của các địa phương.

Phổ cập mẫu giáo 5 tuổi: Trường lớp, giáo viên đều thiếu
Theo ý kiến của đại diện các Sở GD-ĐT, với đề án phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, những khó khăn về trường, lớp, cơ sở vật chất... sẽ được ngân sách hỗ trợ, tạo tiền đề để hệ thống GDMN phát triển sang một giai đoạn mới, song đó là cả một chặng đường dài. Trước thềm năm học 2010-2011, năm học đầu tiên thực hiện phổ cập cho trẻ 5 tuổi, ngành GD-ĐT nhiều nơi đang đứng trước mối lo thiếu chỗ học cho trẻ. Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, trong tổng số 135.909 phòng học MN hiện có trên cả nước, mới có gần 50% số phòng học được xây dựng kiên cố, còn lại là bán kiên cố và còn tới gần 21% số phòng là học nhờ và học tạm (28.315 phòng).

Chuyện thiếu trường, thiếu phòng học không chỉ xảy ra ở vùng sâu, xa, vùng nông thôn khó khăn, mà cả ở thành phố lớn. Hà Nội có 827 trường MN, 10.868 nhóm, lớp nhưng mới chỉ đáp ứng chỗ học cho 26% số trẻ nhà trẻ và 86,3% trẻ mẫu giáo. Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng GDMN (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết: Để thực hiện phổ cập GDMN 5 tuổi, nhiệm vụ trọng tâm của các trường công lập là huy động tối đa số trẻ 5 tuổi và Hà Nội hiện là địa phương đầu tiên đã ban hành kế hoạch phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi với mục tiêu 100% số quận, huyện, thị xã đạt chuẩn vào năm 2014. Cũng theo bà Hương, để bảo đảm quyền lợi cho mọi trẻ em và đáp ứng nhu cầu gửi con ngày càng cao của người dân, Hà Nội luôn chú trọng vai trò nòng cốt của các trường công lập (hơn 80% số trường là công lập) và có tới hơn 86% số trẻ được hưởng định mức từ ngân sách nhà nước (2 triệu đồng/trẻ/năm).

Còn ở nơi khó khăn thì sao? Tỉnh Sóc Trăng còn tới 676 phòng học tạm, học nhờ trong tổng số 1.196 phòng học hiện có. Tỷ lệ này ở Sơn La là 50,5% (1.691 phòng), Hậu Giang 47% (301 phòng), Đồng Tháp 39% (575 phòng), Kiên Giang 38% (343 phòng)...

Bên cạnh cơ sở vật chất, yếu tố đội ngũ nhà giáo đóng vai trò quan trọng quyết định sự thành công của đề án, song đội ngũ GVMN của các trường còn thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ. Trong tổng số 18.000 GV hiện có, còn tới 10.000 người là GV ngoài biên chế (chiếm 54%), 7.500 GV chưa có trình độ đào tạo đạt chuẩn. Có nơi, tỷ lệ GV chưa đạt chuẩn chiếm tới 21% như Tuyên Quang; tỷ lệ này ở Kon Tum là 15%, Đồng Tháp 13%, Lạng Sơn 12%, Bắc Giang 10%... Trong tổng số hơn 25.000 GV còn thiếu trên cả nước, có tới 7 địa phương thiếu trên 1.000 GV (Hà Nội thiếu 3.674 GV, Thái Bình thiếu 1.681 GV, Nam Định thiếu 1.574 GV, Lào Cai thiếu 1.500 GV... ).

Thực tế ấy cho thấy, để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học mới 2010-2011, trong đó có việc thực hiện hiệu quả đề án phổ cập GDMN 5 tuổi, với các địa phương là cả một chặng đường dài không ít chông gai.

Theo Hà Nội Mới