Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Phát triển hệ thống trường, lớp học cho giáo dục mầm non


Giáo dục mầm non (GDMN) là cấp học đầu trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển thể chất, trí tuệ, tình cảm và thẩm mỹ của trẻ. Ðể GDMN thật sự đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng, ngoài việc bảo đảm tốt các yếu tố như chương trình học, đội ngũ giáo viên... thì hệ thống cơ sở hạ tầng trường, lớp học cũng giữ vai trò quan trọng.

Cô giáo và các cháu trường mầm non Hoa Sữa (Gia Lâm, Hà Nội) tổ chức trò chơi dân gian.

Phát triển GDMN nhằm tạo bước chuyển biến cơ bản, vững chắc và toàn diện, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Những năm qua, mạng lưới cơ sở vật chất cho GDMN được quan tâm phát triển. Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), từ khi Ðề án kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ giáo viên được triển khai, nhiều trường học nói chung, trường mầm non nói riêng được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ mầm non, nhất là trẻ ở vùng khó khăn. Mặt khác, trong năm năm gần đây, nhiều tỉnh, thành phố đã quan tâm đầu tư xây dựng các công trình nước sạch, công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn; cải tạo, củng cố và xây dựng hơn 26 nghìn sân chơi ngoài trời, trang bị đồ chơi bổ ích cho 16 nghìn sân chơi... tạo môi trường học tập tốt cho GDMN. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, với số lượng khoảng hơn ba triệu trẻ học mầm non hằng năm, mạng lưới trường, lớp hiện nay vẫn còn thiếu để thực hiện huy động trẻ ra lớp đồng đều giữa các vùng, miền, nhất là cơ hội đến trường của trẻ em miền núi vùng sâu, vùng xa bị hạn chế. Ðáng chú ý, năm học 2008-2009, vẫn còn khoảng 15% số xã chỉ có một đến hai lớp mẫu giáo gắn với trường tiểu học hoặc lớp mẫu giáo độc lập đặt ở trung tâm xã; thậm chí nhiều thôn, bản ở xa chưa có phòng học để mở lớp mẫu giáo. Ở một số tỉnh, thành phố, việc xây dựng quy hoạch các khu dân cư, khu đô thị chưa gắn với quy hoạch đất đai để xây dựng trường, lớp mầm non đã dẫn đến tình trạng, một số trẻ em ở lứa tuổi mầm non không được đến trường. Tình trạng nhiều trẻ em không được đến lớp, hoặc đến nhưng chỉ học một buổi và với chương trình rút gọn... xảy ra ở nhiều địa phương. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính riêng trẻ năm tuổi năm học 2008- 2009, vùng đồng bào dân tộc có 221.780 trẻ, nhưng chỉ có 141.330 trẻ, chiếm 63% ra lớp; còn 37% trẻ không được đi học do thiếu trường, lớp học.

Tại Trường mầm non Síng Lủng (Ðồng Văn, Hà Giang) khi bước vào năm học 2009-2010, tâm sự với chúng tôi, cô giáo Mạc Thị Hằng, Phó Hiệu trưởng trăn trở: Trường có mười điểm rải khắp các bản nhưng điểm trường chính cũng chỉ là một phòng học mượn tạm của trường tiểu học; các điểm lẻ thì cơ sở vật chất tạm bợ, có 15 đến 24 trẻ học trong lớp ghép ba đến năm tuổi. Gọi phòng học cho "oai" chứ thực ra là phòng tạm, đơn sơ, đồ chơi cho trẻ không có gì nhiều. Ðể khắc phục, các cô giáo phải tự tạo những đồ chơi giản đơn minh họa như tranh ảnh về hoa quả, chim thú; còn những phần mở rộng hơn thì không thể thực hiện được. Tình trạng cơ sở vật chất trường, lớp học thiếu thốn khiến cho việc huy động được trẻ đến trường là thành công chứ nói gì đến việc nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Cũng giống như Hà Giang, tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cơ sở vật chất, trường lớp học của không ít trường mầm non vẫn còn tạm bợ. Phó Trưởng phòng GD và ÐT huyện Mai Sơn Lê Trung Tấn cho biết, dù bước vào năm học 2009-2010 huyện có thêm ba trường mầm non mới đưa số trường mầm non trong huyện lên 26 trường. Tuy nhiên, cơ sở vật chất vẫn còn khoảng cách xa so với nhu cầu học tập của trẻ mầm non trong huyện. Trong số 360 phòng học mầm non của huyện, vẫn còn 203 phòng học tạm, không đáp ứng được nhu cầu bảo đảm chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Không chỉ ở vùng sâu, vùng miền núi, mà ngay cả các tỉnh đồng bằng, các thành phố, tình trạng thiếu trường lớp hoặc lớp học mượn tạm vẫn còn phổ biến. Tại huyện Phú Xuyên (Hà Nội) cơ sở vật chất phục vụ giáo dục, nhất là giáo dục mầm non cũng xuống cấp, thiếu thốn. Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Chu Phú Mỹ cho biết, đến cuối năm 2009 trên địa bàn huyện có 465 phòng học mầm non, trong đó có tới 235 phòng cấp bốn xuống cấp và phòng học nhờ, học tạm không bảo đảm. Theo Phó Chủ tịch Thường trực HÐND thành phố Hà Nội Lê Quang Nhuệ, qua tổng hợp ý kiến cử tri thành phố cho thấy còn hàng loạt quận, huyện thiếu trường, lớp phục vụ giáo dục mầm non. Ðiển hình như phường Ngã Tư Sở, quận Ðống Ða nhiều năm qua còn không có trường mầm non...

Mặc dù phát triển GDMN được đánh giá như điểm khởi đầu cho GD và ÐT con người nhưng thực tế việc nâng cao chất lượng cơ sở vật chất trường, lớp học của bậc học mầm non còn nhiều hạn chế. Phòng học kiên cố của GDMN hiện nay chiếm tỷ lệ thấp; số phòng học tạm, phòng tranh tre, nứa, lá, phòng học nhờ nhà dân và đình chùa còn phổ biến. Theo các chuyên gia giáo dục, công tác quản lý, chỉ đạo phát triển GDMN trong nhiều năm qua chưa đổi mới và chưa theo kịp yêu cầu. Việc chăm lo để mọi trẻ em được đến trường, lớp mầm non là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của mỗi gia đình và toàn xã hội. Tuy nhiên, tình trạng thiếu cơ sở vật chất trường, lớp học cho GDMN cho thấy cần có sự quan tâm đúng mức, thiết thực đối với bậc học này. Nhận thức về vai trò, vị trí của giáo dục mầm non trong một bộ phận chính quyền các cấp, của các bậc cha mẹ, của xã hội chưa thật sự đầy đủ; chưa thấy hết ý nghĩa của việc liên thông, đồng bộ phát huy hiệu quả và công bằng của GDMN với giáo dục phổ thông và các cấp học tiếp theo. Nhất là chưa có chính sách ưu tiên đầu tư các nguồn lực để phát triển, trong khi GDMN lại là cấp học có sự phân bố đến từng làng, bản. Vì vậy, cần quan tâm đến nguyện vọng và lợi ích của trẻ em trong phát triển GDMN, bảo đảm đáp ứng được các phòng học mới cho nhu cầu tăng thêm, đồng thời xây dựng các phòng học kiên cố thay thế phòng tranh tre, nứa, lá, phòng học tạm và phòng học mượn hiện nay. Cần thực hiện kiên cố hóa trường, lớp học, xây dựng nhà công vụ cho giáo viên vùng khó khăn và các công trình phụ trợ bảo đảm điều kiện chăm sóc giáo dục trẻ trong các trường, lớp mầm non. Ðẩy mạnh xã hội hóa với trách nhiệm lớn hơn của Nhà nước, của xã hội và gia đình để phát triển giáo dục mầm non. Ðầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cho các lớp mầm non; tránh tư tưởng GDMN chỉ là trông giữ trẻ chứ không phải giáo dục trẻ. Khuyến khích, huy động và ban hành cơ chế để các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp đầu tư phát triển trường, lớp mầm non ngoài công lập. Xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia tại các địa phương làm mô hình mẫu và là nơi tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn nghiệp vụ nhằm bảo đảm GDMN là giúp trẻ em phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp một...

Kết thúc năm học 2009-2010, cả nước có 3,405 triệu trẻ theo học ở 138195 lớp học với tổng số 123573 phòng học thuộc hơn 12350 trường mầm non. Trong đó có 54128 phòng học kiên cố, 54077 phòng bán kiên cố và 15368 phòng học tạm.
(Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Xây dựng hơn 11 nghìn phòng học theo chương trình kiên cố hóa trường lớp, xây dựng bổ sung mới 11600 phòng học và khoảng 1,57 triệu km2 khối phòng chức năng theo tiêu chuẩn được quy định tại Điều lệ trường mầm non, bảo đảm có đủ 39400 phòng học vào năm 2015 cho tất cả các lớp mầm non năm tuổi...
(Quyết định 239/QĐ-TTg)

 

Theo Báo Nhân Dân