Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giáo dục mầm non có nhiều cái thiếu


Về vụ việc học sinh 4 tuổi ở nhóm trẻ tư thục Hoa Lan (quận Tân Phú, TP.HCM) bị cô giáo nhốt trong thang máy (dùng để vận chuyển thức ăn), tiến sĩ Lê Xuân Hồng - nguyên hiệu trưởng Trường cao đẳng Sư phạm mẫu giáo T.Ư TP.HCM - nói:

Giờ ăn của học sinh Trường mầm non Bình Trưng Đông, Q.2, TP.HCM. Nếu có tình yêu thương, cô giáo sẽ coi học sinh như con của mình, sẽ kiềm chế cơn nóng giận - Ảnh: H.HG.

Sẽ khởi tố vụ án để điều tra, xử lý
Ngày 31-10, thượng tá Nguyễn Hoàng Tuấn - trưởng Công an Q.Tân Phú (TP.HCM) - cho biết đang ráo riết củng cố chứng cứ vụ cô giáo Trần Thị Xuân Nữ (nhóm trẻ tư thục Hoa Lan, Q.Tân Phú) gây thương tích cho cháu Lê Quang Vinh để xử lý. Theo ông Tuấn, đến nay hồ sơ vụ án đã hoàn chỉnh, chỉ chờ kết quả giám định là khởi tố vụ án để điều tra. Ông Tuấn cho biết cơ quan điều tra đang cân nhắc khởi tố một trong hai tội danh "hành hạ người khác" hoặc "cố ý gây thương tích".

Tại cơ quan điều tra, ban đầu cô Nữ không nhận tội nhưng qua đấu tranh, khai thác, cô giáo này đã thừa nhận toàn bộ hành vi của mình. Theo đó, trong bữa ăn do thấy bé Vinh không chịu ăn nên bế bỏ vào thang máy, đóng cửa lại rồi nhấn nút. Giải thích về việc làm này, cô Nữ cho rằng vì muốn làm bé Vinh sợ mà không lường trước được hậu quả.
H.K.

- Tôi không thể hình dung nổi sự việc. Các phương tiện truyền thông đưa tin "trong bản tường trình cô giáo nói rằng bỏ bé vào thang máy để dọa bé" càng thấy kinh khủng hơn. Rất có thể cô không lường được hậu quả nghiêm trọng của việc mình làm, nhưng không thể nói cô không biết gì. Trong chương trình đào tạo giáo viên mầm non và cả chương trình đào tạo bảo mẫu cấp tốc đều có nội dung: người chăm trẻ không được áp dụng những hành vi ảnh hưởng đến thể xác, tinh thần của trẻ. Bên cạnh đó có nêu những dẫn chứng cụ thể hẳn hoi. Thật sự tôi không thể tin sự việc trên là sự thật.

* Thưa bà, điểm lại một số tai nạn thương tâm xảy ra trong thời gian gần đây như: cô giáo dán băng keo vào miệng trẻ dẫn đến tử vong, học sinh úp mặt vào ca nước trong nhà vệ sinh dẫn đến ngộp thở, hôn mê sâu... thì nguyên nhân chính là...?
- Những trường hợp trên đều có một nguyên nhân chung: cô giáo thiếu tình yêu thương, thiếu trách nhiệm đối với trẻ. Phải thừa nhận một điều: lao động của giáo viên mầm non hiện nay quá vất vả. Luôn chân luôn tay và luôn phải quan sát cháu suốt từ sáng đến chiều. Vậy mà có cháu không chịu nghe lời, cứ làm ngược lại ý mình thì rất dễ nổi cáu.

Nhưng nếu là người yêu thương cháu như con của mình, giáo viên sẽ biết kiềm chế. Như trong vụ việc ở nhóm trẻ Hoa Lan, ngay cả thang máy dùng để chở người cũng không thể để trẻ đi một mình vì trẻ rất dễ hoảng sợ khi thang máy di chuyển. Một người bình thường cũng biết điều đó, không cần phải đến cô giáo mầm non - người đã được học về tâm sinh lý lứa tuổi mầm non.

Trên thực tế quản lý trường mầm non, tôi biết không thể cấm giáo viên không phạt học sinh. Trong quá trình giáo dục, khi phải phạt tức là giáo viên đã không thể dùng lời nói để thuyết phục trẻ. Nhưng phạt cũng có nhiều cách. Khi trẻ bướng quá có thể phạt bằng cách bắt đứng im quay mặt vào tường hoặc cái gì bé thích cô sẽ không cho. Thật ra, đối với trẻ hiếu động, bắt đứng im trong một viên gạch hay khoanh tay đứng im trong một vòng tròn nhỏ đã làm bé khó chịu và sợ lắm rồi, cần gì phải áp dụng những những biện pháp mạnh hơn.

Tuy nhiên, phạt theo cách này cũng không được kéo dài quá năm phút vì trẻ không có khả năng chịu đựng lâu. Bắt bé thi hành hình phạt lâu quá sẽ dẫn đến hai trường hợp: bé bị ức chế đâm ra lì, khó dạy. Ngược lại, bé sẽ dễ sợ hãi, sợ cô giáo, sợ phải đến trường. Làm sao để phạt không ảnh hưởng đến tinh thần, thể lực của trẻ, để trẻ biết việc làm của mình là sai. Như thế hình phạt mới có tác dụng.

* Nếu để ý một chút sẽ thấy các học sinh mầm non bị tai nạn thời gian gần đây đều xảy ra ở các nhóm trẻ tư thục. Bà nghĩ sao về vấn đề này?
- Sở dĩ có hiện tượng trên vì ngành giáo dục mầm non còn thiếu nhiều quá. Thứ nhất là thiếu nhiều chỗ học. Trường công lập không thể đáp ứng hết nhu cầu của phụ huynh. Các trường tư thục học phí lại cao, nhiều phụ huynh buôn gánh bán bưng hoặc lao động chân tay thì không đủ điều kiện gửi con. Không còn cách nào khác, họ đành chọn nhóm trẻ mặc dù một số điểm không đạt chuẩn về cơ sở vật chất, trình độ giáo viên...

Thứ hai là thiếu giáo viên mầm non, ngay cả trường sư phạm hiện cũng đang thiếu giảng viên. Ngành sư phạm mầm non từ lâu đã không được các bạn trẻ chọn lựa vì lương giáo viên thấp, lao động lại cực nhọc. Vì thế ngành sư phạm mầm non thiếu người yêu nghề, mến trẻ, người giỏi. Thế nên mới có giáo viên thiếu trách nhiệm, không toàn tâm toàn ý với nghề, không yêu thương trẻ. Do đó, mới xảy ra những tai nạn đau lòng.

* Thưa bà, chẳng lẽ tình trạng "thiếu" mãi tiếp diễn và học sinh mầm non vẫn cứ là nạn nhân trong những vụ tai nạn khủng khiếp?
- Nhóm trẻ tư thục chỉ là biện pháp tình thế trong bối cảnh thành phố đang thiếu chỗ học, chứ về lâu về dài không thể duy trì mô hình này. Bởi nó liên quan đến tính mạng, sự phát triển thể lực, trí não... của trẻ em - những người chủ tương lai của đất nước. Trước mắt, rất cần thanh tra, kiểm tra nhiều hơn đối với các nhóm trẻ, nhóm nào không đạt chuẩn hãy kiên quyết đóng cửa.

Tuy nhiên, biện pháp căn cơ vẫn là mở thêm trường, tăng chỗ học. Mà trong điều kiện như TP.HCM, khó có đủ trường công lập lắm. Nếu như các nước phát triển khuyến khích người mẹ nghỉ ở nhà chăm con đến lúc con 3 tuổi (bù lại họ vẫn được hưởng trợ cấp dành cho người mẹ nuôi con nhỏ) thì ở ta sinh con sau bốn tháng mẹ đã phải đi làm. Và không phải gia đình nào cũng thuê được người giúp việc ở nhà trông trẻ, không phải gia đình nào cũng nhờ được ông bà nội - ngoại.

Ở ta, nhiều gia đình phải gửi con ở nhóm trẻ tư thục từ 4 tháng tuổi thì trường, lớp đâu cho đủ? Tôi thấy ngày xưa ta đã có mô hình rất hiệu quả: các công ty, nhà máy, xí nghiệp đều có nhà trẻ để giữ trẻ cho con em cán bộ - công nhân viên. Sau này, có thể nhà kinh doanh thấy duy trì nhà trẻ không mang lại lợi nhuận nhiều nên họ xóa sổ mô hình này. Nhưng về mặt quản lý nhà nước, hoàn toàn có thể đưa ra một quy định: các nhà máy, công ty quy mô lớn phải có nhà trẻ.

Bù lại, Nhà nước sẽ giảm thuế cho họ. Họ được quyền tuyển giáo viên theo tiêu chuẩn của mình và có khả năng trả lương cho giáo viên cao hơn trường công lập. Nếu Nhà nước cải tiến được mức lương cho giáo viên và nếu thực hiện được mô hình này, tôi tin việc tuyển sinh viên sư phạm mầm non sẽ đỡ vất vả hơn.

Mới đây, tôi được biết có một nhà máy ở TP.HCM định mở nhà trẻ trong khuôn viên nhà máy nhưng gặp quá nhiều trở ngại khiến họ nản. Nếu có quy chế, quy định rõ ràng để khuyến khích họ làm, tôi nghĩ trẻ em sẽ là người hưởng lợi đầu tiên.
HOÀNG HƯƠNG thực hiện

Đừng để hậu quả xảy ra rồi mới kiểm tra
* Thật quá nhiều cái chết oan uổng liên quan đến sự vô trách nhiệm của người lớn nói chung và các cô giáo ở mầm non tư thục nói riêng. Tôi cho rằng dù muộn nhưng đã đến lúc các cơ quan chức năng cần quản lý chặt các cơ sở này, các trường cần giáo dục và tuyển lựa giáo viên thật kỹ trước khi vào làm. Đừng để hậu quả xảy ra rồi mới kiểm tra, thanh tra...
Minh Quang

* Trách nhiệm của cô giáo Nữ và lãnh đạo nhóm trẻ tư thục Hoa Lan đã rõ. Ở đây tôi chỉ muốn nói tới trách nhiệm của các cấp quản lý về giáo dục. Theo tôi biết, muốn mở trường giữ trẻ không khó, việc tuyển chọn giáo viên rất dễ và việc kiểm tra quản lý của chính quyền cũng chỉ là hình thức cho có chứ chẳng có tác dụng gì. Thử hỏi ở TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung có bao nhiêu trường giữ trẻ đạt chất lượng, bao nhiêu người được gọi là giáo viên ở đó được đào tạo bài bản về chuyên môn và nghiệp vụ? Câu trả lời là rất ít.

Vậy tại sao những nơi như thế vẫn tồn tại và có xu hướng sinh sôi ngày càng nhiều. Câu hỏi này phải để các cấp quản lý về giáo dục trả lời.
Xuân Đại

Theo Tuổi Trẻ