Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giá sữa càng kêu càng lèn cho đau


Kể từ đầu tháng Ba đến nay, cùng với nhiều mặt hàng khác, mặt hàng sữa đã trải qua một đợt tăng giá mạnh.

Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, hầu hết các doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất sữa đều đề xuất tăng giá, với mức tăng ít nhất từ 5-10%, thậm chí tăng giá tới 15-18%! Sữa ngoại nhập tăng giá vì tỷ giá tăng đã đành, ngay cả sữa nội cũng tăng giá với mức tăng gây sốc.

Giá sữa đang tăng tới 15- 18%, khiến người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn.

Đồng loạt tăng giá
Nhiều mặt hàng sữa nội như Vinamilk, Cô gái Hà Lan đã tăng giá từ 13-15%... Sữa Aboutt, một nhãn hiệu sữa quen thuộc với người tiêu dùng trong có mức tăng tới 13%. Có những dòng sữa tăng giá tới 18% như Ensure của hãng MeadJohnson.

Không chỉ tăng giá ở mặt hàng sữa bột, nhiều chủng loại sữa khác như sữa chua, sữa nước cũng tăng giá mạnh. Sữa chua Vinamilk đã tăng từ 3.600 đồng/hộp lên 4.200 đồng/hộp; sữa chua Ba Vì trước đây có mức giá thấp hơn mức giá của Vinamilk cũng "vọt" lên mức 4.200 đồng/hộp.
Trước áp lực tăng giá mạnh của mặt hàng này, nhiều ý kiến đặt vấn đề liệu đây có phải là mức điều chỉnh quá cao so với các chi phí đầu vào sau biến động tỷ giá và biến động chi phí xăng dầu, điện... hay không?

Nhiều chuyên gia cho rằng tác động của tỷ giá chỉ làm các hãng nhập khẩu sữa ngoại mất thêm chi phí cho khâu vận chuyển; còn các yếu tố phí bảo quản, quản lý, marketing... hoàn toàn có thể kiểm soát được.

Xung quanh vấn đề này, đại diện một số hãng sữa bình luận: Biến động tỷ giá ở mức 9%, trong khi nhiều nhà phân phối sữa ngoại nhập tăng giá sữa lên tới 15 - 20% là quá bất hợp lý. Thậm chí chỉ cần tăng giá sữa từ 3-5% là đủ để doanh nghiệp có lãi.

Bình luận về việc nhiều ý kiến cho rằng giá sữa tăng với mức như vậy là bất hợp lý, ông Đỗ Gia Phan - Phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN cho rằng: "Giá sữa càng bị kêu lại càng tăng mạnh, thậm chí rõ ràng là bất hợp lý mà vẫn tăng.

Khổ nhất là những người làm công ăn lương, lương 3 cọc 3 đồng phải chịu ảnh hưởng của tăng giá sữa. Bản thân những người bán thì cứ tăng giá, họ vì quyền lợi của họ, chứ không nghĩ quyền lợi người mua. Vì ai làm việc cũng vì mình".

Cũng theo ông Phan, nếu như có thể mua sản phẩm khác thay thế sữa thì không sao, đằng này là sản phẩm không thể thay thế, nên cái khổ đổ lên người dùng.

Loay hoay tìm cách quản lý giá sữa
Cũng mổ xẻ xung quanh vấn đề giá sữa, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội bức xúc: Quản lý giá sữa bằng biện pháp hành chính nghe có vẻ tích cực, nhưng rõ ràng không đem lại hiệu quả. "Thử hỏi các cơ quan quản lý đã khi nào bác được đề xuất tăng giá sữa của doanh nghiệp chưa" - ông Phú nói.

Thực tế, lâu nay các doanh nghiệp luôn kê khai giá cao hơn giá bán, nên việc họ tăng giá là không cấm được. "Rõ ràng, hiệu năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực sữa và thuốc còn yếu, luật pháp thì sơ hở nên các cơ quan quản lý chỉ nắm được đằng ngọn" - ông Phú nhấn mạnh.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề quản lý giá sữa sao cho việc tăng giá không bất hợp lý, ông Vũ Vinh Phú cho rằng: Phải lấy hàng hóa áp đảo hàng hóa, thị trường áp đảo thị trường, khơi sâu nguồn hàng. Phải có các tổng công ty mạnh nhập hàng hóa để kiểm soát giá từ gốc chứ không thể lấy việc "phạt" để mong kiểm soát giá của hàng ngàn, hàng vạn doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh sữa được.

Theo afamily