Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Xót xa bữa ăn bán trú học sinh


Giá thực phẩm tăng mạnh khiến chất lượng bữa ăn mỗi ngày của học sinh bán trú. Ngay đầu tháng 4 năm 2011, rất nhiều trường học đã bắt buộc phải tăng tiền ăn bán trú của học sinh.


Bữa ăn của các cháu mẫu giáo 5 tuổi.

Từ nhà...đến trường học
Không thể không lo khi giá cả ngày một leo thang : hạt lạc cũng lên giá từ 20 đến 25%, trứng gà, trứng vịt và các loại thịt...đều tăng giá 25-30%. Ngân qũy chi tiêu không tăng, đương nhiên chỉ còn cách duy nhất là cắt giảm khẩu phần ăn. Rất nhiều gia đình đã phải "tăng rau, giảm đạm" và đây cũng là giải pháp mà nhiều trường mầm non, tiểu học đã phải áp dụng đối với bữa ăn bán trú của học sinh. Những ông bố, bà mẹ xót xa, giáo viên đứng lớp thì lo học sinh đang tuổi ăn tuổi lớn, thế mà bữa ăn nào cũng bị cắt bớt khẩu phần thì làm sao mà bảo đảm dinh dưỡng để phát triển !


Cô Bùi Thị Minh - Phó Hiệu trưởng phụ trách trường Mầm non Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội đầy vẻ ưu tư khi nói về chất lượng bữa ăn cho trẻ : "Hiện nay giá cả tăng nhiều, nhà trường vẫn giữ mức thu như cũ, vì thế mức ăn của học sinh bị giảm lượng đạm: từ 50g thịt/bữa chỉ còn 30-40g thịt, sữa phải pha loãng hơn, tôm nõn nấu canh mỗi ngày phải giảm từ 5kg xuống còn 3kg, sườn nấu canh cũng giảm tương tự. Ngay cả món hoa quả tráng miệng cũng giảm từ 110g xuống còn 60-70g. Nhìn các con gặm đến tận cùi miếng dưa mà thương. Bữa tráng miệng cũng bị cắt xén, các con ăn miếng hoa quả không ra hồn, khổ quá! Như vậy, rõ ràng không còn bảo đảm về chất như trước được. Biết rằng khẩu phần ăn như thế sẽ ảnh hưởng đến lượng calo của các con, nhưng giá tăng ghê quá, nên nhà trường bắt buộc phải điều chỉnh để thích ứng".


Chị Nguyễn Khánh Hương - Hiệu trưởng trường mầm non Cát Linh chia sẻ: "Hiện trường vẫn thu 12.000đ/1 ngày/học sinh - tiền này gồm 1 bữa ăn chính và sữa, nhưng thời giá tăng cao tiền ít khó có thể bảo đảm bữa ăn cho các cháu, nên nhà trường dùng cả 12.000đ cho bữa ăn chính và tạm thời phải vận động các phụ huynh mang thêm sữa cho các con. Thời điểm này, đó là giải pháp tình thế, tới đây việc tăng tiền ăn của các con là không thể tránh khỏi...


Tại một trường học ở thành phố Hồ Chí Minh, phụ huynh đặt câu hỏi "suất ăn của học sinh hay của con mèo?" vì ngoài cơm, canh, quả chuối tráng miệng bé tí tẹo là khoảng một thìa thức ăn. Bữa ăn nghèo nàn đến nỗi ai thấy cũng phải kêu than.


Ý kiến người trong cuộc
Chị Trần Thị Thu Minh, Hiệu trưởng trường Mẫu giáo Đan Hà, Hạ Hoà, Phú Thọ tâm sự: "Các trường mẫu giáo nông thôn đã khó nay lại còn khó hơn: tiền ăn mỗi cháu là 5000đ và 150 gam gạo/mỗi ngày, giỏi tính đến đâu vẫn thấy là không ổn...Nói về chất lượng bữa ăn hàng ngày ở lớp thì không thể so sánh với các trường ở thành phố vì trong tiêu chuẩn ăn của các con không có sữa hay bánh dinh dưỡng. Bữa bán trú tại trường cốt sao các con không đói bụng là tốt rồi. Nhưng tình hình giá cả như thế này nhà trường khổ, người dân nông thôn lại còn khổ hơn và nhiều phụ huynh cũng băn khoăn hỏi chúng tôi rằng không hiểu nhà trường sẽ làm thế nào để duy trì bữa ăn của các con. Tăng giá tiền ăn ở thành phố nói dễ...làm cũng dễ, còn ở nông thôn, miền núi... giáo viên phải đến nhà vận động trẻ mới đến trường; việc tăng tiền phải tính toán cân nhắc thật kỹ càng. Trước mắt, chúng tôi phải cố gắng "gồng" đến hết năm học rồi tìm cách vận động dân cùng chia sẻ vậy!"


Cô Bùi Thị Minh, Phó Hiệu trưởng trường mầm non Thịnh Liệt Hoàng Mai, Hà Nội cho rằng: Giải pháp tốt nhất để thích ứng với bão giá, bảo đảm chất lượng bữa ăn cho trẻ có lẽ là huy động sức dân. Các gia đình cùng chung tay chia sẻ, gánh vác với nhà trường.


Theo NDĐT