Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Tiết học làm quen với chữ số ở lớp Mẫu giáo 5 tuổi.


TIẾT HỌC LÀM QUEN VỚI CHỮ SỐ Ở LỚP MÃU GIÁO 5 TUỔI

NGƯT Th.s Đặng Huỳnh Mai

1. Trong chuyến đi công tác địa phương tôi được đến dự tiết dạy làm quen với chữ số ở một lớp mẫu giáo 5 tuổi của một thị trấn khá xa Hà Nội. Tổng số trẻ trong lớp học đó là 25 cháu, đa phần các cháu đều ăn mặc đẹp và dường như cháu nào cũng có đôi mắt sáng trên một khuôn mặt rạng rỡ. Đồ dùng dạy học của giáo viên gồm có một mô hình, trên đó thể hiện khuôn viên gia đình với 7 loại gia súc để học sinh quan sát ngay phút đầu tiên của tiết dạy. Học sinh đứng thành 2 vòng xung quanh cô giáo và xung quanh mô hình để nghe cô giáo đặt câu hỏi: Các em có nhận xét gì đối với các loại gia súc trong khu vườn này? Hình như cả lớp đều hiểu và trả lời là: thưa cô có tất cả 7 loại gia súc trong khu vườn và 2 học sinh đại diện để trực tiếp trả lời. Sau đó lớp chuyển sang hoạt động thứ hai với đồ dùng dạy học là mỗi em một chiếc rổ nhựa trong đó cô giáo đã chuẩn bị sẵn 7 hạt ngô (bắp) và 7 con gà giấy. Ở giai đoạn này, giáo viên hướng dẫn học sinh nhặt ra 7 hạt ngô (bắp) sau đó đặt vào lòng bàn tay phải một hạt và hỏi học sinh xem còn bao nhiêu hạt ở tay trái. Và gần như tất cả học sinh đều trả lời đúng. Như vậy, tuần tự giáo viên nhặt ra hai hạt, rồi còn 3 hạt ở tay phải và hỏi học sinh số hạt còn lại ở tay trái. Tiếp theo, giáo viên hướng dẫn học sinh lấy số gà ra khỏi rổ nhựa, yêu cầu học sinh nhốt vào chuồng 1 con, 2 con rồi 3 con và vẫn câu hỏi là còn lại bao nhiêu con gà ở bên ngoài. Học sinh làm việc này trên nền lớp học và việc nhốt gà cũng là tưởng tượng không có vật gì để làm chuồng gà. Ở giai đoạn cuối, giáo viên hướng dẫn học sinh ghép từ các chữ số khác nhau, chữ số 1 và chữ số 6, chữ số 2 và chữ số 5, chữ số 3 và chữ số 4, các chữ số đều đặt phía trước ngực học sinh. Phần kết thúc giáo viên hỏi học sinh số 7 có chia hết cho 2 vì 7 là số lẻ.

2. Quan sát một tiết dạy của giáo viên mầm non như thế thì cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là giáo viên đã chuẩn bị rất chu đáo, đồ dùng dạy học vừa đủ để học sinh hoạt động, đồ dùng dạy học cũng được lựa chọn phù hợp với đặc điểm học sinh ở nơi mà học sinh đang sinh sống. Điều đáng nói ở đây là khả năng tiếp thu như vốn hiểu biết của trẻ. Tôi có hỏi một cháu sau giờ học là: 7 thêm 1 bằng mấy và học sinh này đã trả lời ngay không cần suy nghĩ. Với tư cách là những người thuộc thế hệ đi trước, và là những nhà quản lý giáo dục chúng tôi vô cùng hạnh phúc trước sự phát triển của thế hệ trẻ mà cụ thể là một lớp học sinh mẫu giáo 5 tuổi mà chúng tôi được dự giờ. Có lẽ chúng ta sẽ dễ dàng đồng tình với nhau trong sự nhận định là: con chúng ta giỏi hơn chúng ta nhiều lắm.

3. Tuy nhiên, với tinh thần đổi mới, với yêu cầu giáo dục trong giai đoạn đất nước đang phát triển trong xu thế hoà nhập với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, trong lĩnh vực phát triển tư duy mang tính vừa sức và dựa trên yếu tố tâm sinh lý của trẻ trong từng độ tuổimà nhất là ở lứa tuổi mầm non cũng như là tiết kiệm sức lực giáo viên bỏ ra để đầu tư cho chiều sâu của nội dung giáo dục và giảng dạy thì xin được giới thiệu phương pháp giảng dạy tiết học này trên cơ sở sự chuẩn bị của giáo viên tôi đã dự như sau:
3.1 Giáo viên không cần phải đếm và cho vào rổ đúng 7 hạt ngô và 7 con gà giấy cho cả 25 học sinh của lớp mà bày ra học sinh tự nhặt để vào rổ hoặc là ngô (bắp) hoặc là gà giấy.
Cả lớp có 25 học sinh thì 12 em nhặt ngô, 12 em nhặt gà giấy và em học sinh giỏi nhất nhặt cả ngô (bắp) và gà giấy.

Bước 1:
- Giáo viên cho học sinh đếm vật có trong rổ nhựa 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 ngô (bắp) và gà giấy (đây cũng là một cách dạy học sinh cá biệt, năng khiếu).
- Kế tiếp giáo viên ra lệnh: con nào chưa đủ đến 7 hạt ngô hoặc 7 con gà thì tự lấy thêm cho đủ và cả lớp cùng đếm (lần 2). (tất cả số thừa để vào góc lớp chỗ học sinh đã lấy ra).

Bước 2:
Cô giáo chia lớp thành 2 nhóm, mỗi nhóm 12 học sinh (nhóm ngô và nhóm gà). Cử học sinh giỏi nhất lớp đứng ra làm trọng tài. Sau đó cô giáo ra lệnh: cho gà ăn ngô (tức là học sinh ghép từng đôi giữa gà và ngô). Trọng tài và cô giáo đứng ra kiểm tra từng đôi một và cả lớp cùng đọc to 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 (tối đa có thể là 12 lần vì có 12 đôi).

Bước 3:
Chắc chắn sẽ có sự xuất hiện của một vài đôi học sinh đưa ra không đủ số lượng là 7 (hoặc nhiều hơn 7). Học sinh nào không có đúng 7 hạt ngô hoặc 7 gà thì giáo viên sẽ phạt “lò cò” 7 lần xung quanh các bạn và các bạn cùng đếm 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 (cả lớp cùng vỗ tay).

Bước 4:
Cho học sinh nhận dạng chữ số 7. Đối với các bước này có thể có nhiều cách để thể hiện, ở đây xin được nêu 2 cách:

Cách 1: Như cô giáo đã thực hiện từ phút đầu của tiết dạy, xin đề nghị điều chỉnh lại một chút là:Giáo viên chia học sinh thành từng nhóm 4 và 5 trẻ, cho học sinh xem mô hình và kể tên từng loại con vật.
Khi nhóm này kể tên một loại vật thì các cháu kia đếm 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7. Ở đây chắc chắn mỗi nhóm sẽ có cách đếm với thứ tự các loài vật trên mô hình đó với sự bắt đầu và kết thúc khác nhau. Ví dụ có nhóm sẽ kể là: gà (1), ngan (2), chó (3), mèo (4)… trong khi nhóm khác bắt đầu từ chó (1), mèo (2), cá (3), chim (4)… lúc bấy giờ học sinh sẽ hiểu thật và đếm thật, thích con vật nào thì sẽ kể con vật đó trước (không để học sinh trả lời là: có 7 loại gia súc trong khu vườn thì cho dù là thật thì người dự giờ sẽ cảm thấy có một chút gì như được xây dựng trước).

Cách 2: Đối với học sinh mầm non giáo viên cho học sinh nhận dạng từ số 1 đến số 2, 3, 4, 5, 6 trước để ôn và lặp lại nhiều lần trong tư duy của trẻ sau đó giáo viên có thể chia thành từng nhóm 4 và để học sinh tự tìm ra chữ số 7 giữa các chữ số còn lại là 7, 8, 9 và 0. Sau đó giáo viên cho học sinh tô màu vào một số trong bài tập hoặc cho học sinh chơi trò tìm số đúng do nhóm này sắp xếp để nhóm kia lựa chọn và nhặt ra đúng số cần tìm.

Tóm lại, trong điều kiện thực tế như thế của một trường học vùng khó khăn mà chuẩn bị được một tiết dạy như cô giáo là chúng tôi cảm thấy vui mừng và hạnh phúc lắm rồi. Là một ngưòi may mắn, được quan sát một số tiết dạy của giáo viên vài nước khác nhau ở Châu Âu và Châu Á, xin được giới thiệu một cách dạy vừa giản dị phù hợp với tâm lý lứa tuổi vừa không yêu cầu quá cao đối với giáo viên thực tế của một mức cao vừa phải và giáo viên có thể yên tâm giảng dạy ở bất cứ một lớp học nào và bất cứ đối tượng học sinh như thế nào cũng không cần phải dạy trước hoặc sớm, lớp học luôn vui tươi sinh động vừa phải nhẹ nhàng với trẻ. Dù sao, tôi vẫn nhận thấy được một cảm giác yêu thương pha một chút tự hào về các cô giáo của tôi.

Theo tạp chí Giáo dục mầm non