Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nuôi dạy con theo thuyết đa trí tuệ (P.1)


Phải chăng một cô bé không giải được bài toán thầy giáo đưa là kém thông minh?

Phải chăng một cô bé không thể giải một bài toán thầy giáo đưa ra là một cô bé kém thông minh? Ngày nay, nhà trường đang đào tạo, đánh giá tất cả học sinh theo một cách thức giống nhau có phải là cách ưu việt nhất? Liệu sự thông minh của trẻ có phải chỉ được đo bằng chỉ số IQ? 40 học sinh trong lớp là 40 cá thể có thiên hướng trí tuệ như nhau?


Năm 1983, tiến sĩ Howard Gardner - một nhà tâm lý học nổi tiếng của Đại học Harvard- đã xuất bản một cuốn sách có nhan đề "Frames of Mind" (tạm dịch "Cơ cấu của trí tuệ"), trong đó ông công bố các nghiên cứu về thuyết đa trí tuệ.


Theo Gardner, trí thông minh (intelligence) được ông quan niệm như sau "là khả năng giải quyết các vấn đề hoặc tạo ra các sản phẩm mà các giải pháp hay sản phẩm này có giá trị trong một hay nhiều môi trường văn hóa". Và trí thông minh cũng không thể chỉ được đo lường duy nhất qua chỉ số IQ.


Theo thuyết đa trí tuệ của Gardner, con người có 8 loại trí thông minh


Mỗi trẻ có 1 năng lực trí tuệ khác nhau.


1. Thông minh về ngôn ngữ
Trẻ có trí thông minh về ngôn ngữ có thiên hướng học tập thông qua việc nói và viết, thích đọc, chơi ô chữ,...


Đặc điểm của trí thông minh về ngôn ngữ là:
- Viết hay
- Chơi trò đố chữ giỏi
- Được khen "biết cách dùng từ"
- Kể chuyện hấp dẫn
- Hài hước, thích tranh luận
- Giải thích tốt và có vốn từ vựng rộng và thích học từ mới cũng như nguồn gốc của từ.


Gợi ý cho các bậc cha mẹ và giáo viên

- Hãy cùng đọc với con của bạn.
- Hãy lắng nghe con của bạn một cách chăm chú về những câu hỏi, mối bận tâm, những trải nghiệm của chúng.
- Khuyến khích con bạn kể cho bạn nghe những câu chuyện mà chúng vừa đọc hoặc chia sẻ với bạn những gì chúng vừa viết ra (một máy thu âm sẽ là một phương tiện rất hữu ích).
- Cho trẻ cơ hội tham viếng các thư viện công cộng hoặc các nhà sách.
- Cho trẻ tham gia viết báo tường của lớp.


2. Thông minh về logic và toán học
Trí thông minh này đòi hỏi khả năng nhận biết các kiểu mẫu, suy luận và suy nghĩ theo cách lo-gic. Cũng có thể liên quan đến tư duy khoa học.


Đặc điểm trí thông minh về logic và toán học
- Thích giải thích những điều bí ẩn
- Có thể giải quyết các vấn đề về logic
- Thích toán
- Thích đặt các thứ đúng vị trí
- Luôn thích các khám phá khoa học


Gợi ý cho các bậc cha mẹ và giáo viên
- Hãy để cho trẻ được làm các thí nghiệm/ thử nghiệm.
- Hãy nhờ con bạn giúp bạn bỏ các bánh bạn làm vào lò nướng hoặc tạo ra các màu sơn mới bằng cách trộn các màu sơn có sẵn.
- Chỉ cho con bạn cách sử dụng máy tính (calculator)
- Yêu cầu con bạn giúp bạn xếp đặt bàn ăn, sắp xếp quần áo hoặc sắp xếp ngăn bàn.
- Chơi các loại cờ như cờ vua, cờ tướng, carô, ...
- Yêu cầu trẻ giải các bài toán mẫu cho lớp xem.


3. Thông minh về âm nhạc
Trẻ có thiên hướng học tập thông qua các giai điệu, âm nhạc, thích chơi nhạc cụ, hát, đọc truyền cảm các tác phẩm,...


Đặc điểm trí thông minh về âm nhạc
- Thích làm một người đánh trống
- Có thể đọc bản nhạc
- Biết nghe và cảm nhận âm nhạc
- Học chơi một giai điệu trên một loại nhạc cụ
- Nhận ra các tiết tấu


Gợi ý cho các bậc cha mẹ và giáo viên

- Cho phép con bạn lựa chọn các bản nhạc tại cửa hàng bán băng đĩa nhạc.
- Khuyến khích trẻ hát theo hoặc vỗ tay theo nhịp điệu một bản nhạc.
- Nếu có thể, cho trẻ tham gia vào các buổi học âm nhạc.
- Cho trẻ có cơ hội được đi tham dự các buổi trình diễn âm nhạc hay hòa nhạc.
- Nhờ bé cùng tham gia và hướng dẫn các bạn trong lớp hát một bài, hoặc tham gia đội văn nghệ.


4. Thông minh về khả năng vận động cơ thể

Thông minh này bao gồm cả khả năng dùng những hoạt động của cơ thể để giải quyết vấn đề. Cơ thể và thông minh minh về khả năng vận động cơ thể chính là những yếu tố cần thiết của những vận động viên nổi tiếng thế giới


Đặc điểm thông minh về khả năng vận động cơ thể
- Chơi thể thao tốt
- Có thể nhảy giỏi
- Có thể dùng tay mình vào rất nhiều việc một cách giỏi giang
- Thích hành động
- Thích xây các thứ
- Làm hề trong lớp
- Có khả năng thăng bằng tốt
- Có thể ném bóng chính xác


Gợi ý cho các bậc cha mẹ và giáo viên
- Cho trẻ tham gia vào các hoạt động khiêu vũ, đóng kịch, thể thao.
- Cung cấp các hoạt động thực nghiệm lôi cuốn.
- Đi bộ, chạy bộ, chơi tennis, đạp xe,...cùng gia đình.
- Giáo viên thể dục có thể nhờ trẻ làm các động tác thể dục mẫu cho cả lớp.


Theo Eva.vn