Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Sai lầm khi mang sữa đi sinh


Mai (phố Vương Thừa Vũ, Hà Nội) đang mang thai con đầu lòng tháng thứ 8. Khi chuẩn bị sinh bé, nghe theo các chị cùng cơ quan, Mai háo hức mua sữa bột dành cho bé sơ sinh và dự tính sẽ mang theo khi vào viện.

Cô kể: "Mấy bà chị trong cơ quan, ai cũng bảo đi sinh thì nên mang theo sữa, đề phòng sữa mẹ không kịp 'về'. Với lại, nghe nói lúc có bầu mẹ uống sữa gì thì sinh con ra cho bé uống sữa đó (loại dành cho bé sơ sinh), bé sẽ dễ hấp thu hơn".

Theo dự tính, chỉ còn 2 tuần nữa Hà (phố Tây Sơn, Hà Nội) đến ngày chuyển dạ. Cô băn khoăn chưa biết mua sữa gì để cho bé uống lúc chào đời. Nghe quảng cáo thì rất nhiều nhưng không biết con sẽ "hợp" với loại nào?

Có rất nhiều người sắp làm mẹ cùng chung suy nghĩ như trên. Tuy nhiên, theo đánh giá của bà Phạm Thị Thúy Hòa - giám đốc Trung tâm Đào tạo Thực phẩm và Dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) thì đây là một sai lầm thường thấy, nhất là những người sinh con đầu lòng.

 

Số liệu điều tra của Alive & Thrive (A&T) năm 2009 - một tổ chức hoạt động trong lĩnh vực dinh dưỡng cho thấy, tỷ lệ các mẹ mang theo sữa ngoài khi đến cơ sở y tế để sinh con là khá phổ biến. Riêng tại Hà Nội có đến 87% bà mẹ mang theo sữa ngoài khi đi sinh.


Hàng năm trên thế giới có 13 triệu bé mới sinh bị chậm phát triển trong bào thai; 178 triệu bé bị thấp còi (chiếm 32% trẻ em toàn thế giới) và có đến 19 triệu bé bị suy dinh dưỡng thể nặng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của một đất nước, ước tính thiệt hại 3% GDP.
"Nhiều người mẹ hoàn toàn sai lầm khi vắt bỏ sữa non (có trong một giờ đầu sau sinh) vì lo ngại bé sẽ bị tiêu chảy, thay vào đó là sữa công nghiệp. Việc không cho bé bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong những ngày đầu đời chính là nguyên nhân khiến cho cứ 5 bé thì có một bé thiếu cân và cứ 3 bé thì có một bé bị thấp còi" - bà Hòa cho biết.

Bà Hòa nhấn mạnh, đa số các trường hợp tử vong ở bé sơ sinh đều có thể phòng tránh được nếu được bú sữa mẹ sớm trong vòng một giờ đầu sau sinh, việc chậm cho bé bú sữa mẹ sẽ khiến nguy cơ tử vong ở bé tăng cao. Bé được bú sữa mẹ ít phải đến bệnh viện hơn, ít dùng thuốc và có ít nguy cơ lây nhiễm các bệnh. Không những thế, sự tiếp xúc về cơ thể từ việc nuôi con bằng sữa mẹ sẽ thắt chặt hơn nữa tình cảm mẹ - con, ngay từ khi chào đời.

Người mẹ cho con bú cũng ít có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, ung thư vú, ung thư buồng trứng, chứng loãng xương và bệnh trầm cảm sau sinh. Đồng thời, có thể giảm nguy cơ thiếu máu và giảm cân nhanh hơn sau sinh.

Đây chính là lợi ích kép từ việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong những tháng đầu đời nhưng lại bị các bà mẹ thờ ơ.

Theo Mevabe