Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Sổ liên lạc điện tử: "lợi" nhưng chưa "tiện"


Nếu như sổ liên lạc bình thường chỉ phát về cho phụ huynh (PH) bốn lần trong một năm học, thì sổ liên lạc điện tử (SLLĐT) cập nhật tình hình học tập của học sinh (HS) cho PH mỗi ngày. Rất tiện lợi, nhưng vì sao SLLĐT vẫn chưa thật sự phổ biến?


"Cầu nối" giữa nhà trường - phụ huynh
"Hôm nay, em Minh Trang nghỉ học không phép", chị Minh Anh, có con đang học tại Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 nhận được tin nhắn báo cáo việc học của con trong lúc đang đi công tác ở miền Trung. Hốt hoảng, chị điện thoại về nhà mới hay con bị sốt. "Ngoài điểm số các môn học, lịch học, tình trạng sức khỏe của HS cũng được thông báo cho PHHS biết kịp thời", chị Minh Anh hào hứng nói về tiện ích của SLLĐT. Nhờ đăng ký dịch vụ này, mỗi ngày, sau giờ tan trường là các PH nhận được tin nhắn thông báo tình hình học tập của con mình trong ngày.


Sổ liên lạc điện tử giúp PHHS theo sát tình hình học tập của con em


Một số trường ở TP.HCM hiện đang triển khai SLLĐT. PH đăng ký dịch vụ này có thể truy cập qua internet hay nhận tin nhắn SMS để biết điểm kiểm tra môn học, hạnh kiểm, học lực, nhận xét của giáo viên (GV)... Thầy Trần Mậu Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1 cho biết thêm một tiện ích khác của SLLĐT: "Chuẩn bị họp PHHS, chỉ cần một tin nhắn từ tổng đài là gần như PHHS của toàn trường đều nhận được thông báo nội dung, ngày giờ của cuộc họp". Cô Phạm Thị Bạch Cúc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Huỳnh Văn Chính, Q.Tân Phú nói: nhiều PH ủng hộ SLLĐT vì họ có thể theo dõi sát sao quá trình học tập của con em mình. Chị Diệu Minh, PHHS Trường THCS Ngô Tất Tố, Q.Phú Nhuận khá hài lòng khi từ đầu học kỳ II này, điểm số của con sẽ được báo về cho chị bằng tin nhắn SMS mỗi ngày. Hình thức liên lạc này lẽ ra đã được triển khai từ học kỳ I, tuy nhiên do một số trục trặc nên áp dụng muộn hơn dự kiến.


Nhiều trường không mặn mà
Hiện có nhiều công ty kết hợp với các trường thực hiện SLLĐT như FPT, Công ty VASC (thuộc Tập đoàn VNPT)... với nhiều mức phí khác nhau, 80.000đ/năm học hoặc 55.000đ/tháng. Mới đây nhất là tập đoàn Viettel cung cấp dịch vụ miễn phí trong một năm đầu, từ năm thứ hai trở đi, PH mới tốn phí. Tuy nhiên, do phải làm công việc tổng hợp thông tin nên nhiều trường đã khước từ "ưu đãi" này. ThS Trần Minh Thư, Hiệu trưởng Trường tiểu học Điện Biên, Q.10 giải thích: Trường chưa thể thực hiện SLLĐT được vì đại bộ phận PH của trường là dân lao động, nhập cư, ít tiếp xúc với công nghệ thông tin. Hơn nữa, tham gia dịch vụ này phải đóng một khoản phí. Trường từng tổ chức lấy ý kiến PH nhưng PH không nhiệt tình với SLLĐT. Trường tiểu học Hồng Hà, Q.Bình Thạnh, thì chưa thể triển khai dịch vụ SLLĐT do vướng khâu nhân sự. Theo thầy Lê Hữu Luân, Phó hiệu trưởng nhà trường, yêu cầu cập nhật tình hình, điểm số hàng ngày sẽ khiến GV quá tải. GV dạy bán trú không thể kham nổi công tác thống kê, cập nhật ngay trong ngày điểm số và tình hình của tất cả HS. Nhà cung cấp chỉ có nhân viên phụ trách công nghệ. Việc đánh giá từng HS đòi hỏi phải là người có chuyên môn nghiệp vụ sư phạm. Đối với bậc tiểu học, đó phải là người trực tiếp đứng lớp mới đánh giá đúng từng HS. Nhiều trường từ chối triển khai SLLĐT cũng vì khó khăn trên. Ở bậc tiểu học, do không có điểm số của nhiều môn học, không có thông tin để cập nhật hàng ngày cho PH nên nếu HS "có vấn đề", nhà trường thường trao đổi trực tiếp với PH.


Một lý do khác khiến nhiều trường chưa triển khai SLLĐT vì trường chỉ có vai trò trung gian thu phí giùm đơn vị cung cấp dịch vụ, nên mang tiếng "kinh doanh" mà không kiểm soát được chất lượng dịch vụ. Hiệu trưởng một trường kể, PH của trường than phiền, mỗi ngày PH đều nhận được "tin rác" giống nhau rất chán: "Hôm nay bé ăn hết suất. Tráng miệng trái cây. Phụ huynh nhắc bé chuẩn bị bài theo thời khóa biểu ngày mai...".


ThS Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM nói: mỗi trường tự liên kết với các công ty để thực hiện dịch vụ SLLĐT, Sở GD-ĐT không thể quản lý chi tiết vấn đề này. Do SLLĐT đem lại một số lợi ích cho PHHS nên Sở GD-ĐT khuyến khích chứ không bắt buộc các trường phải áp dụng. Sở cũng có hướng dẫn các trường, đối với những trường hợp quan trọng như HS học giảm sút, điểm kém bất thường, sai phạm... thì vẫn phải gặp trực tiếp PH trao đổi, giải thích; tuyệt đối tránh thông tin không mang tính sư phạm, nặng nề, thiếu chi tiết gây tâm lý xấu cho PH và HS...


Không tốn tiền vẫn có thể triển khai SLLĐT
Tôi chủ trương "làm giáo dục theo kiểu con nhà nghèo, không tốn kém". Với mô hình trường học điện tử đang được thực hiện tại hơn 40 trường, PH chỉ cần lên website của trường là sẽ nắm đầy đủ thông tin về tất cả các môn học, đề thi, cũng như theo dõi việc học của con em mình. Trường học điện tử là một website có tính năng tương tác giữa nhà trường - giáo viên - học sinh - phụ huynh. Sở GD-ĐT và nhà trường đầu tư máy móc, phần mềm, còn PHHS dù ở bất cứ đâu cũng có thể truy cập website của trường mà không tốn phí. Trong tương lai, mô hình này sẽ triển khai đến nhiều trường hơn nữa.
Ông HUỲNH KIM SEN (Giám đốc Trung tâm Thông tin
và chương trình giáo dục, Sở GD-ĐT TP.HCM)


Theo PN