Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Hành vi ký hiệu tượng trưng trong trò chơi đóng vai theo chủ đề của trẻ mẫu giáo


HÀNH VI KÝ HIỆU TƯỢNG TRƯNG TRONG TRÒ CHƠI ĐÓNG VAI THEO CHỦ ĐỀ CỦA TRẺ MẪU GIÁO

Th.s Trần Thị Nga – Trường CĐSPMGTWI

Hoạt động vui chơi mà trung tâm trò chơi là đóng vai theo chủ đề (ĐVTCĐ) là hoạt động chủ đạo của trẻ em lứa tuổi mẫu giáo. Khi tham gia vào trò chơi đóng vai theo chủ đề trẻ mô phỏng lại các mảng hiện thực của cuộc sống người lớn bằng việc ướm mình vào vai một người nào đó để thực hiện chức năng xã hội của họ.

Chức năng ký hiệu tượng trưng là một hành vi chơi thiết yếu của trò chơi ĐVTCĐ. Chính hành vi này làm cho vui chơi của trẻ mang đậm màu sắc mô phỏng và bản chất xã hội, giúp chúng ta phân biệt hành vi chơi và các hành vi không phải là chơi của trẻ. Tuy nội dung trò chơi là phản ánh những hiện tượng, sự vật và nhân vật có thực trong cuộc sống xung quanh trẻ, nhưng trong trò chơi của trẻ có những yếu tố giả vờ. Những yếu tố tượng trưng này thường là vai chơi và thao tác vai chơi. Trong trò chơi trẻ thường tự nhận đóng một vai nào đó (bác sĩ, cô giáo, chú lái xe…) và thực hiện các hành động cảu vai chơi (thao tác vai), nhưng những hành động của trẻ chỉ mang tính mô phỏng tượng trưng, những hành động giả vờ không thực (giả vờ ăn cơm, giả vờ ốm, giả vờ khám bệnh, uống thuốc…); trong khi chơi trẻ sử dụng các đồ vật đồ chơi thay thế hoặc dùng hành động của mình để thể hiện chức năng của một vật. Những vật thay thế này mang tính ký hiệu tượng trưng và được trẻ sử dụng không theo đúng chức năng thực của chúng; do thao tác vai và đồ chơi, đồ dùng trong trò chơi mang tính giả vờ nên đã làm nảy sinh hoàn cảnh chơi tượng trưng, giả vờ. Đặc điểm này của trò chơi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển nhận thức của trẻ.

Piaget là người có công lớn trong phát triển các luận điểm về trò chơi khi ông đưa ra khái niệm trò chơi ký hiệu (Symbolic Play) với bản chất biểu trưng (tượng trưng) và giả bộ (tương ứng các từ tiếng Anh: make – believe và pretence). Theo ông tính tượng trưng là một trong năm tổ hợp hành vi “mang sự gợi ý biểu tượng về một đồ vật hay một sự kiện vắng mặt do đó mang sự cấu tạo hay chức năng của những cái biểu đạt được phân biệt. Sự xuất hiện hành vi tượng trưng đánh dấu việc kết thúc thời kỳ giác động và bắt đầu một trình độ mới trong sự phát triển trí tuệ của trẻ - chức năng ký hiệu tượng trưng của tư duy”.

Vưgôtxky trong các tác phẩm của mình cũng chỉ ra rằng tính tượng trưng của trò chơi thể hiện qua hoàn cảnh tưởng tượng và cùng với nó là các luật lệ chơi là hai dấu hiệu đặc trưng quan trọng của trò chơi. Bàn về mối quan hệ giữa các yếu tố ký hiệu tượng trưng của trò chơi và sự hình thành và phát triển ngôn ngữ viết ở trẻ, ông viết: “Hệ thống tín hiệu thứ hai phát triển trong trò chơi và do vậy trò chơi ký hiệu tượng trưng có thể coi là một yếu tố góp phần vào sự phát triển ngôn ngữ viết - hệ thống tín hiệu thứ hai”

Hành vi ký hiệu tượng trưng trong trò chơi ĐVTCĐ của trẻ được biểu hiện là khả năng sử dụng các vật, cử chỉ, điệu bộ, lời nói như các ký hiệu mang tính chất tượng trưng để thay thế cho những đối tượng khác (bao gồm cả sự vật và con người) hoặc cho một ý tưởng, một hoàn cảnh không tồn tại thực trong một trò chơi cụ thể nào đấy. Như vậy, từ khái niệm này cho thấy hành vi ký hiệu tượng trưng trong trò chơi ĐVTCĐ của trẻ bao gồm các thành tố sau:

1. Sử dụng vật này như một ký hiệu để biểu trưng cho vật khác (make – believe things)
2. Hành động biểu trưng với vật thay thế (pretend action)
3. Nhập vai người khác (hay giả bộ là người khác) (pretend role hay role enactment)
4. Tình huống chơi giả bộ hay tình huống chơi tưởng tượng (pretend situation)

Piaget phân biệt ba mức độ hay ba dạng của hành vi biểu trưng ký hiệu ở trẻ

Mức 1: trẻ vận dụng một sơ đồ ký hiệu (symbolic scheme) ở các đối tượng mới. Thí dụ trẻ nói: “Khóc nhè, khóc nhè” với búp bê và bắt chước tiếng khóc. Sự bắt chước giả vờ này bắt nguồn từ kinh nghiệm của bản thân trẻ

Mức 2:
cũng chỉ liên quan đến một sơ đồ ký hiệu nhưng xuất hiện sự thay thế của một sự vật này cho sự vật khác hoặc trẻ có thể hành động giống (giả bộ) một người nào đấy hay với một sự vật nào đấy. Ở mức độ này, hành vi bắt chước (giả bộ) được mượn từ mẫu hành vi của người khác. Thí dụ trẻ giả vờ cho em bé ăn như mẹ

Mức 3:
chức năng biểu trưng của trò chơi ký hiệu được biểu hiện bởi một tổ hợp các sơ đồ ký hiệu tổ chức theo trật tự hay mẫu các hành vi thực. Thí dụ trẻ có thể vừa cho em búp bê ăn vừa trò chuyện với em búp bê. Theo hướng phát triển này hành vi biểu trưng của trẻ ngày càng phức tạp và được thể hiện trong bối cảnh xã hội. Piaget gọi đấy là chủ nghĩa tượng trưng tập thể (Collective symbolism)

Nghiên cứu trên trẻ mẫu giáo ở 3 độ tuổi, cho thấy hành vi ký hiệu tượng trưng trong trò chơi đóng vai theo chủ đề của trẻ ở mỗi độ tuổi có những đặc điểm sau:

Mẫu giáo bé (3 – 4 tuổi): hành vi tượng trưng của bé mẫu giáo bé đạt mức (MG bé) đạt mức độ thấp, phát triển chưa cao. Sự biến đổi về chất trong hoạt động với đồ vật, sự phát triển mạnh của ý thức bản ngã, sự xuất hiện chức năng ký hiệu tượng trưng trong nhận thức, việc mở rộng kinh nghiệm sống của trẻ và mâu thuẫn giữa nhu cầu được tham gia vào cuộc sống của người lớn với khả năng thực tế của trẻ đã dẫn đến sự thay đổi hoạt động chủ đạo của trẻ MG bé: chuyển từ hoạt động với đồ vật sang hoạt động vui chơi mà trọng tâm là trò chơi đóng vai theo chủ đề. Tuy nhiên hoạt động vui chơi của trẻ 3 – 4 tuổi vẫn còn ở dạng sơ khai. Nội dung cơ bản trong trò chơi của trẻ là tái tạo lại các hành động thực muôn hình, muôn vẻ của người lớn với đồ vật, đồ chơi. Ở lứa tuổi này động cơ chơi của trẻ thường gắn liền với hứng thú được hành động với đồ vật, đồ chơi. Khả năng sử dụng vật thay thế của trẻ chỉ hạn chế ở việc sử dụng những đồ hcơi mô phỏng thay cho vật thật hoặc cao hơn là những vật có hình dạng và chức năng gần giống với đồ vật cần thay thế. Có một số ít trẻ có thể sử dụng vật thay thế một cách linh hoạt phong phú. Trong trò chơi trẻ đã biết thực hiện các hành động chơi ký hiệu tượng trưng. Tuy nhiên hầu hết hành động chơi của trẻ vẫn chỉ đơn giản là sự bắt chước các hành động của người lớn. Hành động chơi của trẻ thường hướng vào các đối tượng bên ngoài (búp bê, bạn chơi) với việc sử dụng các đồ chơi hình tượng hay đồ vật thay thế. Nhìn chung hành động của trẻ còn mang tính đơn điệu và lặp lại.

So với các yếu tố khác của hành vi tượng trưng, khả năng tạo tình huống chơi tượng trưng ở trẻ MG bé đạt mức độ thấp hơn. Trong trò chơi của hầu hết trẻ không biểu hiện tạo tình huống chơi tưởng tượng. Ví dụ, cháu Anh chơi ở góc TC gia đình chỉ đơn giản lặp lại động tác là quần áo bằng một cái “bàn là” khúc gỗ - vật thay thế. Trẻ không chủ động đưa ra tình huống chơi, nhưng dựa vào hành động và câu trả lời trẻ có thể biết được tình huống chơi mà trẻ đang chơi. Có một số trẻ có thể giải thích tình huống chơi của mình trong quá trình chơi.
Trong trò chơi đóng vai theo chủ đề của nhiều trẻ, vai chơi chỉ được xác định bằng hành động chơi, trẻ chưa biết xác định vai chơi bằng lời nói. Một số trẻ sau khi nhận vai chơi và thực hiện một vài hành động tương ứng với vai đã biết xưng vai. Rất ít trẻ biết nhận vai và xưng vai chơi. Tuy nhiên vai chơi của trẻ không bền, trẻ dễ dàng chuyển từ vai này sang vai chơi khác và bỏ dở vai chơi. Việc đóng vai của trẻ chủ yếu là mô phỏng lại các hành động của người lớn mang tính chất có chủ đề.

Mẫu giáo nhỡ (4 – 5 tuổi): trong trò chơi của mình, trẻ mẫu giáo nhỡ (MG nhỡ) có thể sử dụng bất kỳ một đồ vật chơi nào để thay thế cho vật thật. Trẻ biết tự tạo ra vật thay thế cho vật thật cần có trong trò chơi và một số trẻ biết sử dụng lời nói hoặc hành động biểu trưng để thay thế cho vật thật. Khác với trẻ mẫu giáo bé, trẻ mẫu giáo nhỡ sử dụng đồ chơi đồ dùng không phải vì bản thân đồ chơi mà việc sử dụng vật thay thế trở thành một yếu tố cấu thành của một tình huống chơi tương ứng. Hành động chơi của trẻ mẫu giáo nhỡ khái quát, đa dạng và phong phú hơn. Các hành động chơi được liên kết lại thành một chuỗi kế tiếp nhau hợp với lôgic đời sống hằng ngày. Trẻ có thể thực hiện các hành động chơi tưởng tượng và xác định hành động này bằng lời nói. Nhiều trẻ đã có khả năng thực hiện các hành động chơi tượng trưng bao gồm cả mặt “nghĩa” và “ý” của hành động.

Hầu hết các hành động chơi tượng trưng của trẻ 4 – 5 tuổi được thực hiện trong một tình huống chơi tượng trưng. Tuy nhiên không phải tất cả  trẻ có thể xác định bằng lời tình huống chơi tưởng tượng trước khi chơi và chỉ có số ít trẻ không bị ràng buộc bởi môi trường  xung quanh khi tạo ra tình huống tưởng tượng. Khả năng đóng vai của trẻ mẫu giáo nhỡ tương đối phát triển. Nhiều trẻ biết nhận vai và xưng vai trước khi chơi. Một số trẻ không chỉ thể hiện các hành động phù hợp với vai chơi mà còn biết thể hiện các mối quan hệ xã hội của vai, trong đó có trẻ có khả năng thể hiện nhiều chức năng khác nhau của cùng một vai, biết nhận xét đánh giá việc đóng vai của bản thân và các bạn cùng chơi.

Mẫu giáo lớn (5 – 6 tuổi): trong trò chơi, trẻ có thể thực hiện các hành động chơi với những vật tưởng tượng không có trong thực tế, biến đổi và sử dụng vật theo nội dung của trò chơi, gán cho vật đó một ý nghĩa mới và thực hiện các hành động chơi trong bình diện biểu tượng. Điều này đã đánh dấu một bước phát triển mới trong hành vi chơi tượng trưng của trẻ mẫu giáo lớn (MG lớn).

Nghiên cứu cho thấy xu hướng phát triển các hành vi tượng trưng của trẻ 3 – 6 tuổi từ mức yếu -  trung bình ở MG bé đến mức trung bình  -  khá ở MG nhỡ và khá -  tốt ở MG lớn. Tuy nhiên cũng dễ dàng nhận thấy các mức độ phát triển hành vi biểu trưng của trẻ phân bố không đồng đều ở mỗi độ tuổi. Xét tương quan phát triển các thành tố biểu hiện hành vi chơi tượng trưng của trẻ cho thấy các thành tố phát triển không đồng đều ở các độ tuổi. Ở MG bé thành tố hành động chơi tượng trưng xuất hiện sớm và phát triển mạnh nhất, còn thành tố tình huống chơi tưởng tượng giữ vị trí thấp nhất. Ngược lại sang tuổi MG nhỡ và MG lớn hành vi hoàn cảnh chơi tưởng tượng lại phát triển mạnh hơn các yếu tố tượng trưng khác.

Tài liệu tham khảo:
(1) Nguyễn Ánh Tuyết (2000) trò chơi của trẻ em NXB Phụ Nữ
(2) J.Piaget (1996) tuyển tập tâm lý học NXB Giáo dục
(3) L.X Vưgôtxki (1997) tuyển tập tâm lý học NXB ĐHQG Hà Nội