Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bình Dương: Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi: Nhiều tín hiệu khả quan


Đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT về công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn tỉnh Bình Dương 2 ngày 29-30/11/2012 do Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa dẫn đầu, đã đánh giá cao những nỗ lực vượt bậc của tỉnh trong việc đầu tư, chăm lo sự nghiệp phát triển GDMN của tỉnh. Chưa đầy 2 năm tích cực triển khai Đề án phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ 5 tuổi ở Bình Dương, đến nay đã có 97,5% trẻ mẫu giáo (MG) 5 tuổi được học chương trình GDMN mới. 102,5% trẻ 5 tuổi được huy động đến lớp; số trẻ được ăn học bán trú (5 tuổi) cũng đạt gần 100%... Các tỷ lệ nêu trên cao nhất các tỉnh - thành phía Nam.


Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa trong buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương.


Hiệu quả từ sự đầu tư lớn
Đến tháng 10/2012, Bình Dương đã huy động được 70.215 cháu độ tuổi nhà trẻ - MG đến lớp, riêng trẻ 5 tuổi đến lớp là 24.706 cháu - tăng 2,811 cháu (29 lớp) so với cuối NH 2011 - 2012. Toàn tỉnh hiện có 208 trường (102 công lập; 106 tư thục) và 161 cơ sở nhóm lớp nhà trẻ - MG độc lập, so với năm học trước tăng 11 trường MN và 13 cơ sở nhóm lớp trẻ độc lập.


Tính riêng NH 2011 - 2012, tỉnh Bình Dương đã chi ngân sách cho hoạt động thường xuyên của GDMN hơn 158 tỷ đồng, chiếm bình quân 24-25% tổng chi cho ngành GD&ĐT toàn tỉnh và các huyện - thị - thành phố trong tỉnh. Năm 2012, ngân sách Bình Dương chi riêng cho GDMN lên tới 270 tỷ đồng. Nhờ sự đầu tư kinh phí rất lớn và kịp thời này, trong năm học 2012 -2013, tỉnh đã nâng tổng số phòng học lớp MG 5 tuổi là 636 phòng - đạt 106,7% so với kế hoạch đề ra. Theo đó, hiện Bình Dương có tới 97,12% số trẻ 5 tuổi được học bán trú, gần 90% điểm trường MN có sân chơi và đồ chơi ngoài trời; tỷ lệ lớp MG 5 tuổi có đủ bộ đồ dùng - đồ chơi - thiết bị học tập tối thiểu là 96,4%. Riêng NH 2011 - 2012, các chủ đầu tư cơ sở GDMN ngoài công lập và các bậc cha mẹ HS đóng góp xây trường khoảng 87,5 tỷ đồng...


Công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL) - giáo viên (GV) và nhân viên (NV) bậc học MN cũng được đầu tư xứng đáng. Hai năm 2011 - 2012, tỉnh đã chi hơn 1,6 tỷ đồng cho công tác này, đảm bảo bố trí đủ số lượng và chất lượng CBQL & GV đạt chuẩn cho các lớp MG 5 tuổi (mỗi lớp MG 5 tuổi có 2GV với sĩ số mỗi lớp 35 cháu, hầu hết đạt quy định của Bộ GD&ĐT).


Bình Dương hiện là 1 trong số ít tỉnh - thành phía Nam có tỷ lệ GV & CBQL GDMN đạt và vượt chuẩn về trình độ chuyên môn khá cao. Số GV đạt chuẩn bình quân toàn tỉnh là 92,1% (trên chuẩn 31%), riêng GV trực tiếp dạy lớp MG 5 tuổi là 99,64% (trên chuẩn 43,38%). So với năm học 2011 - 2012, năm học 2012-2013 đã tăng thêm 216 GV dạy lớp MG 5 tuổi với 636 lớp...


Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa thăm các cháu mầm non


Còn đó không ít cản ngại
Tác giả bài viết đã tháp tùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đến 5 trường MN (4 công lập, 1 tư thục) thuộc 2 huyện Phú Giáo và thị xã Thuận An tỉnh Bình Dương.


Tại trường MN công lập Tân Hiệp - xã vùng sâu Tân Hiệp - huyện Phú Giáo, mặc dầu trường đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 từ năm 2007, nhưng trường chủ yếu vẫn sống nhờ vào nguồn ngân sách. Một số trẻ không có hộ khẩu thường trú trên địa bàn, nên chưa được hưởng đầy đủ các chế độ hỗ trợ như quy định.


Ở TX Thuận An, trường MN công lập Hoa Cúc 4 mặc dầu có tên tuổi dạy học chất lượng cao của xã An Phú, nhưng cơ sở vật chất chỉ là những phòng học cấp 4 cũ nát. Trường nằm sát đường lớn xe cộ tấp nập, sân trường quá chật hẹp, an toàn cho trường, cho cô và và trò đang là đòi hỏi khẩn cấp. Bên cạnh trường MN Hoa Cúc 4 là trường công lập duy nhất, xã An Phú còn có gần 10 cơ sở GDMN ngoài công lập. Địa bàn xã luôn luôn nóng bỏng về tình trạng dân nhập cư tăng chóng mặt, nên đến nay các trường MN của xã chưa đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, do tỷ lệ trẻ chuyên cần chỉ đạt 90,62% trở lên.


Đối với trường MN lớn nhất, khang trang nhất TX Thuận An là trường MN Hoa Cúc 1, với hơn 900 cháu theo học mà không có CB y tế trường học. "Đây là nỗi lo rất lớn" (lời Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa). Theo Sở GD&ĐT Bình Dương: đa số trường MN công lập đã bố trí phòng y tế học đường, nhưng rất khó tuyển CB y tế vào làm vì thu nhập thấp. Đến nay, TX Thuận An mới có 6/10 xã - phường đạt chuẩn phổ cập GD MN cho trẻ 5 tuổi. 4 xã - phường chưa đạt chuẩn phổ cập vì chỗ ở không ổn định (cha mẹ diện nhập cư), trẻ đi học không đều, nhiều nhóm lớp trẻ tư thục độc lập yếu kém về cơ sở vật chất, thiếu nhiều GV và NV bảo mẫu.

 

Bà Nguyễn Hồng Sáng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Dương cho biết: Tỉnh chúng tôi vẫn còn 38/91 xã - phường - thị trấn chưa đạt chuẩn về phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi. Khó khăn lớn nhất là, tỉnh đang thiếu gần 1.000 CBQLGD & GVMN (thiếu 855 GV, thiếu 101 CBQLGD), chủ yếu là ở các cơ sở GDMN tư thục. Toàn tỉnh hiện có 224/363 lớp MG 5 tuổi (tỷ lệ 35,2%) đang học tại các cơ sở GDMN tư thục, tập trung ở chủ yếu ở TX Thuận An và TX Dĩ An. Chất lượng GD ở loại hình trường tư thục có vấn đề: nặng về dạy chữ, dạy trước chương trình lớp 1 (theo yêu cầu của cha mẹ HS), làm ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Đặc biệt hiện còn 309 cơ sở giữ trẻ hoạt động không phép với 4.395 trẻ. Bên cạnh đó có 866 trẻ (số liệu đến tháng 10/2012) trên địa bàn tỉnh, do không có hộ khẩu thường trú nên không được hưởng các chế độ chính sách ưu đãi theo quy định.


Nụ cười trẻ thơ 5 tuổi MN Tân Hiệp - Phú Giáo


Cần sức mạnh tổng lực từ xã hội hoá GD

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - ông Huỳnh Văn Nhị cho biết: Năm 2009, toàn tỉnh Bình Dương có gần 1,5 triệu người, đến nay dân số gần 1,8 triệu, trong đó trên 700.000 người là dân nhập cư, bình quân mỗi năm tăng thêm 1 huyện khoảng 100.000 người (tăng với tốc độ cao nhất nước). Đây là áp lực rất lớn đối với ngành GD&ĐT Bình Dương. Sắp tới tỉnh sẽ có chế độ hỗ trợ tiền ăn trưa 120.000 đ / cháu / tháng; miễn giảm học phí 30.000 đ/cháu/tháng cho tất cả các cháu MN diện nhập cư, không phân biệt trường công - trường tư. Cả xã hội phải vào cuộc, phải tăng cường xã hội hoá GD, xây dựng thêm nhiều trường lớp, ưu tiên cho công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, phấn đấu hết năm 2013 đạt chuẩn công tác này (rút ngắn 2 năm so với kế hoạch đã đề ra). Tăng cường quản lý các cơ sở GDMN tư thục.


Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá cao sự nghiệp phát triển GD nói chung và GDMN cho trẻ 5 tuổi của Bình Dương nói riêng, nhất là việc đầu tư xây dựng trường lớp, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi và tỷ lệ trẻ học bán trú khá ấn tượng. Thứ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh và ngành GD cần tăng cường quản lý chặt chẽ hơn nữa các cơ sở GDMN ngoài công lập. Đặc biệt chú ý bố trí đủ và xây dựng nhà vệ sinh cho trẻ đúng chuẩn. Đẩy mạnh hơn nữa công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho GV và NV bảo mẫu. Kiên quyết xử phạt (kể cả giải thể) đối với các cơ sở GDMN tư thục quá yếu kém, nhưng cũng cần quan tâm giúp đỡ các cơ sở GDMN tư thục phát triển đúng hướng. Đảm bảo đủ CB y tế học đường. Cần sớm giải quyết tình trạng thiếu hụt đội ngũ GV, tăng cường tuyên truyền về công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi và huy động tốt hơn nữa phong trào xã hội hoá GD, phát huy cao độ vai trò nòng cốt của các trường công lập đối với các trường ngoài công lập...


Theo GD&TĐ