Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

TPHCM: Các KCN không đủ quỹ đất xây nhà trẻ


Dù có sử dụng hết quỹ đất cho phép để xây dựng trường mầm non tại các khu chế xuất (KCX) và khu công nghiệp (KCN) hiện nay, TPHCM cũng không thể đáp ứng được việc giữ trẻ cho con em người lao động đang làm việc ở khu vực này.


Nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất của TPHCM đang thiếu trường mầm non cho con công nhân - Ảnh: Hùng Lê


Ông Nguyễn Quốc Vĩnh, thuộc Phòng Xây dựng của Ban quản lý các KCX - KCN TPHCM (Hepza), cho biết trong 15 KCX-KCN có hàng trăm ngàn lao động mà phần lớn là lao động nhập cư của thành phố, nhưng hiện chỉ có KCN Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, có trường mầm non, giữ trẻ với số lượng khoảng 150 trẻ, tất cả các KCN -KCX còn lại vẫn chưa có nhà trẻ, trường mầm non cho con em người lao động.


Theo ông Vĩnh, trong thời gian qua, Hepza cùng các sở ngành đã rất nỗ lực tìm giải pháp để phát triển trường mầm non giữ trẻ tại các KCN - KCX nhưng rất khó. Bởi lẽ quỹ đất để xây trường chủ yếu nằm ở diện tích cây xanh của các KCN. Nếu tính toán, giảm tỷ lệ diện tích cây xanh tại các khu thì có thể giải quyết phần nào việc xây nhà trẻ phục vụ con em công nhân, nhưng không thể giảm hết diện tích mảng xanh được.


Hệ quả việc này được Hepza giải thích là do các KCX-KCN của thành phố được hình thành rất sớm; khi đó chưa có những ràng buộc pháp lý buộc nhà phát triển hạ tầng hoặc địa phương nơi có KCX-KCN phải xây dựng những tiện ích phục vụ người lao động nên không có quy hoạch nhà trẻ và khu lưu trú công nhân. Đến khi nhu cầu gửi trẻ phình to thì diện tích đất đã cho thuê hết khiến việc lập điều chỉnh quy hoạch xây nhà trẻ rất khó khăn.


Tuy nhiên, do nhìn thấy yêu cầu cấp thiết của người lao động, mấy năm qua Hepza đã đề xuất và được chính quyền thành phố phê duyệt những dự án về xây trường mầm non tại KCN Vĩnh Lộc, KCN Lê Minh Xuân, KCN Tây Bắc Củ Chi, KCX Linh Trung 1 và KCX Tân Thuận. Hiện KCX Tân Thuận và KCN Vĩnh Lộc đang xây dựng nhà trẻ, trường mầm non cho con em công nhân với kinh phí lần lượt là 48 tỉ đồng và 30 tỉ đồng/trường nhưng chỉ đảm bảo giữ được từ 450-500 trẻ ở KCX Tân Thuận và 300 trẻ ở KCN Vĩnh Lộc kể từ năm 2015. Các KCN khác đã được phê duyệt thì đang trong quá trình chuẩn bị.


Theo ông Vĩnh, dù có có sử dụng hết quỹ đất cho phép để xây dựng trường mầm non giữ trẻ tại 15 KCX-KCN hiện nay cũng không thể đáp ứng việc giữ trẻ cho con em người lao động đang làm việc ở khu vực này bởi lẽ hiện lực lượng lao động làm việc tại đây đã lên đến trên 271.000 người, trong khi hơn 70% là dân nhập cư từ các địa phương khác. Điều này cho thấy việc phát triển trường mầm non cho các KCX-KCN trên địa bàn thành phố còn khó khăn so với nhu cầu thực tế.


Thời gian qua, dư luận bức xúc về việc thành phố thiếu trường mầm non cho con em người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất dẫn đến việc con em của người lao động bị bạo hành hành khi gửi ở những trường tư không có giấy phép hoạt động.


Theo TBKTSG Online