Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Sa trực tràng ở bé


Sa trực tràng là tình trạng thoát xuống của phần trên trực tràng qua hậu môn ra ngoài.


Lứa tuổi hay mắc

Sa trực tràng hay gặp ở bé dưới 3 tuổi. Người già trên 50 tuổi cũng hay mắc phải bệnh này.


Nguyên nhân

Ở bé, nguyên nhân gây sa trực tràng thường là do bất thường ở chỗ gập góc giữa bóng trực tràng và ống hậu môn. Khi bị sa trực tràng, bé rất hay bị tiêu chảy, táo bón...


Mức độ nguy hiểm

Tuy sa trực tràng không phải bệnh nguy hiểm nhưng sẽ làm mẹ lo lắng, gây khó chịu cho bé vì bé hay bị táo bón, tiêu chảy...


Có 2 mức độ của sa trực tràng: Sa không hoàn toàn (chỉ có niêm mạc trực tràng sa ra ngoài) và sa hoàn toàn (toàn bộ thành của trực tràng sa ra khỏi ống hậu môn).


Xử trí khi bé bị sa trực tràng

Khi bé bị sa trực tràng thì không phải là mẹ sẽ đưa bé đi phẫu thuật ngay. Thay vào đó, cha mẹ có thể theo dõi bé tại nhà đẩy khối sa trực tràng lên cho bé. Cha mẹ nên cho bé nằm ngửa, kê mông lên gối, một người giữ chân bé, người còn lại dùng nước ấm vệ sinh sạch khối sa trực tràng; sau đó, người lớn nắm gọn khối sa bằng bàn tay sạch, không có móng tay và không đeo trang sức rồi từ từ nhẹ nhàng đẩy lên.


Người giữ chân của bé hỗ trợ bằng cách phối hợp khi bố (mẹ) bé đẩy khối sa thì phụ huynh còn lại từ từ hạ mông bé xuống, khép hai chân bé lại.


Giữ nguyên tư thế một lúc để cho dù bé khóc cũng không làm khối sa bị đẩy ra ngoài.


Để đảm bảo an toàn cho bé, mẹ nên cho bé đi khám. Sau đó, mẹ sẽ được bác sĩ tư vấn cách đẩy khối sa trực tràng tại nhà hoặc bác sĩ sẽ đẩy khối sa vào trong cho bé.


Mẹ nên đưa bé đi khám định kỳ để bác sĩ theo dõi khối sa và có hướng điều trị thích hợp.


Trường hợp cần phẫu thuật: Khi nghi ngờ bé bị sa trực tràng, mẹ cần nhanh chóng đưa bé đi khám bác sĩ. Thường bác sĩ chỉ định phẫu thuật khối sa cho bé phải chờ khi bé được 3 tuổi và khối sa từ 3cm trở đi.


Điều mẹ nên tránh

Không nên cho bé ngồi bô hoặc ngồi xổm khi đi tiểu tiện, đại tiện vì khối sa dễ bị thoát ra ngoài. Mẹ nên bế bé "xi" thì tốt hơn.


Theo mevabe